Định giá sách giáo khoa tránh tác động tiêu cực

GD&TĐ - Theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), sách giáo khoa được bổ sung vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Ảnh: TG
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Ảnh: TG

Đây là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.

Mặt hàng đặc thù, thiết yếu

Đồng tình với đề xuất sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bà Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương) cho rằng, với quy định này chúng ta sẽ quản lý được giá sách giáo khoa, tránh để giá bị đẩy lên cao quá. Tuy nhiên, cần có quy định về khung giá, nghĩa là phải có định mức giá tối đa. Định mức này do Chính phủ quy định, có thể giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng, đề xuất.

Nhấn mạnh, việc định giá một số sản phẩm, trong đó có sách giáo khoa không ảnh hưởng đến kinh doanh, ông Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) nhìn nhận, việc này giúp cho chúng ta quản lý giá một cách công khai, minh bạch hơn. Sách giáo khoa được coi là mặt hàng đặc thù, thiết yếu để phục vụ công tác giáo dục, do đó việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là cần thiết. Tuy nhiên, việc này càng có ý nghĩa hơn nếu Nhà nước có biện pháp bình ổn giá.

Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho hay, giá sách giáo khoa là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đây là mặt hàng thiết yếu và có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.

Bà Vũ Thị Lưu Mai viện dẫn, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đã đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhưng chỉ quy định mức giá trần. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, việc Nhà nước quy định giá bán tối đa (giá trần); không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm lợi ích của người dân.

Tuy nhiên, nếu xác định mức giá trần cao cũng có tác động lớn đến người tiêu dùng. Vì vậy, cần quan tâm đến vấn đề này, trong đó khâu thẩm định cần được tiến hành thận trọng, đảm bảo không gây phản ứng trong xã hội.

Cô – trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) dạy, học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TG

Cô – trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) dạy, học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TG

Bảo đảm công bằng cho người sử dụng

“Một mặt vẫn để cho các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng mặt khác chúng ta không thể để các doanh nghiệp muốn định giá bao nhiêu cũng được”, ý kiến của ông Nguyễn Tiến Thảo, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam về giá sách giáo khoa. Theo ông Thảo, nguyên tắc định giá là tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của Luật Giá (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua.

Tại chương trình tọa đàm “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, trao đổi, trong luật chỉ quy định các mặt hàng được định giá, trong đó có sách giáo khoa và giao cho Chính phủ quy định khung giá phù hợp với từng thời kỳ, quy định giá tối đa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, giá tối thiểu để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, quy định này sẽ nhất quán với Điều 11 của Luật Giá hiện hành, đó là tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có quyền tự định giá hàng hóa dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh (trừ hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá) và quyết định được giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh, mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu.

Giá sách giáo khoa có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, xa, vùng kinh tế khó khăn. Theo số liệu thống kê, cả nước có khoảng 17 triệu học sinh phổ thông. Vì thế, mỗi lần điều chỉnh tăng giá sách giáo khoa đều tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước. Điều này đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá đảm bảo công bằng, thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, xa, vùng có kinh tế khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, nhằm bảo đảm công bằng cho người sử dụng, ổn định an sinh xã hội theo tinh thần của Nghị quyết số 88.

Tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất nội dung bổ sung sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước định giá. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ GD&ĐT đã có 3 văn bản gửi Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trong đó thống nhất với dự thảo Luật Giá sửa đổi về nội dung bổ sung sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước định giá.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, giao cho Bộ GD&ĐT định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ