Kiến giải về cách sống, lẽ sống trong ‘Làm người, làm nghề’

GD&TĐ - Từng là nhà quản lý của ngành Giáo dục nên dễ nhận thấy tác giả Nguyễn Tiến Đoàn dành nhiều tâm sức cho những bài viết bàn về nghề dạy học.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Đoàn.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Đoàn.

Dù tác giả - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Đoàn khiêm tốn chia sẻ rằng, những gì ông viết trong cuốn sách “Làm người, làm nghề”, vừa được NXB Hồng Đức ấn hành, chỉ là “góp nhặt và suy ngẫm” nhưng với độc giả đây là ấn phẩm thú vị khi được cùng người viết “suy ngẫm, kiến giải về cách sống, lẽ sống”.

Đó cũng chính là nhận xét rất xác đáng về cuốn sách mà nhà báo Nguyễn Đăng Tiến, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam viết ở lời giới thiệu. Vậy, những điều tác giả Nguyễn Tiến Đoàn đưa ra để cùng độc giả suy ngẫm, kiến giải về cách sống, lẽ sống là gì?

“Hạnh phúc là giá trị tinh thần. Không phải cứ có nhiều tiền của là hạnh phúc. Không phải cứ có địa vị cao là hạnh phúc. Không phải cứ được ăn sơn hào hải vị, mặc đồ hiệu là hạnh phúc. Những thứ vật chất, danh lợi ấy không phải là hạnh phúc, nhiều nhất nó cũng chỉ có thể là điều kiện tạo nên hạnh phúc mà thôi”. Theo “Làm người, làm nghề” - Nguyễn Tiến Đoàn.

Đấy là 40 bài viết ngắn được bố cục trong 3 phần: Làm người, Làm nghề và Tản mạn chuyện đời. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, có thể có người lầm tưởng chúng đề cập đến những vấn đề cũ nhưng khi chậm rãi lật từng trang và đọc kỹ hẳn rằng không ít độc giả sẽ thấm được nhiều điều thú vị ở góc nhìn mới, có khi tác giả còn thẳng thắn phản biện lại quan điểm trước đó.

Cùng với đó, dù là những luận bàn, đúc rút về cách sống, cách làm nghề tưởng sẽ là bao lời giáo huấn khô khan, khó đọc song ngược lại bằng việc lồng ghép những câu chuyện xưa và nay cùng giọng văn nhẹ nhàng, khiêm nhường, người đọc như được chuyện trò cùng tác giả.

Mỗi câu chuyện được kể ngắn gọn, súc tích có thể khiến độc giả tủm tỉm vì sự hóm hỉnh của nhân vật hoặc chi tiết, tình huống có thể làm ai đó “ồ”, “à” khi được mở mang thêm về kiến thức qua lời bình của tác giả để mà học hỏi và tự răn mình trong cả làm người, làm nghề.

Đề cao văn hóa ứng xử

Đọc cuốn sách 'Làm người, làm nghề', độc giả được cùng người viết 'suy ngẫm, kiến giải về cách sống, lẽ sống'. Ảnh: NVCC.

Đọc cuốn sách 'Làm người, làm nghề', độc giả được cùng người viết 'suy ngẫm, kiến giải về cách sống, lẽ sống'. Ảnh: NVCC.

Trước hết, bàn về việc “Đề cao nhân nghĩa”, sau khi kể câu chuyện về Mạnh Thường Quân mua nhân nghĩa có cái kết đầy bất ngờ, tác giả đã có sự dẫn giải rất cặn kẽ: “Nói như người xưa để nhấn mạnh việc đề cao nhân nghĩa, nhắc nhở nhau đừng chỉ ham cái lợi, đừng mải làm giàu mà lơ là chăm lo đạo đức, văn hóa chứ không phải coi thường vật chất, chê sự giàu có”.

Điều thú vị ở đây là tác giả nhấn mạnh về sự song hành giữa nhân nghĩa và giàu có, bởi lẽ: “Nghèo thường đi với khổ, nghèo dễ sinh hèn”. Vì vậy, việc khích lệ làm giàu từ xưa đến nay luôn là cần thiết: “Cần phải biết làm giàu, mà giàu mới có thêm điều kiện làm việc nhân nghĩa. Vấn đề ở đây là phải làm giàu chính đáng, không lừa lọc, gian dối, thể hiện sự nhân nghĩa ngay trong khi làm giàu, rồi sau khi đã giàu càng chăm làm việc nhân nghĩa, góp ích cho xã hội.

Cũng không kiêng gì chữ “lợi”, vì khi làm giàu phải biết tính đến hiệu quả kinh tế, tính đến lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh. Khi dân đã giàu mà lại trọng nhân nghĩa thì nước tất mạnh, mới giữ được độc lập, xã hội mới có được dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân mới được ấm no, tự do, hạnh phúc”.

Hay như, góc nhìn của tác giả về sự bao dung độ lượng không chỉ nêu bật điều đáng quý: “Khi mỗi người biết bao dung độ lượng, đấy là đang cùng nhau góp phần làm cho tình người gần gũi, cuộc đời tươi đẹp hơn”; mà còn xoáy sâu vào bản chất của vấn đề.

Khi đó, lối sống khoan hòa, nhân ái ấy không chỉ là những sẻ chia, giúp đỡ, bao bọc mà còn cần: “Hàm chứa sự chấp nhận và tôn trọng khác biệt, cảm thông và tha thứ xuất phát từ việc thấu hiểu và tình thương yêu giữa những con người”. Quả vậy, khi có thể chấp nhận và tôn trọng khác biệt thì bất kỳ ranh giới, rào cản nào cũng có thể vượt qua…

Song, dù bàn ngược - bàn xuôi, bàn trái – bàn phải thì các bài viết trong cuốn “Làm người, làm nghề” của nhà giáo Nguyễn Tiến Đoàn đều đề cao văn hóa ứng xử.

Bàn về tấm lòng ngay thẳng, cùng với việc khẳng định: “Phải giữ tấm lòng ngay thẳng, tôn trọng sự thật khi nhìn nhận, phản ánh về sự vật, con người”, tác giả còn nhấn mạnh: “Ngay thẳng là cần nhưng cách thể hiện sao cho phù hợp với tâm lý con người, văn hóa giao tiếp mà vẫn luôn bảo vệ được lẽ phải, vì sự tiến bộ của con người và xã hội”.

Và để đạt được: “Ngay thẳng nhưng tinh tế, nhân văn” chẳng dễ dàng chút nào mà là “điều phải học cả đời trong ứng xử”.

Cũng quan tâm đến việc tranh cãi – điều thường thấy trong cuộc sống, sau những câu hỏi: “Có nên tranh cãi? Tranh cãi với ai? Để làm gì?...” tác giả đưa ra đúc kết: “Đó là những câu hỏi không có lời giải đáp chung! Nó không chỉ là thái độ sống, là văn hóa giao tiếp mà còn là nghệ thuật trong ứng xử của mỗi con người, do mỗi người lựa chọn”.

Hay, khi khép lại vấn đề nhân nghĩa, tác giả cũng đặc biệt lưu tâm: “Xét cho cùng, nhân nghĩa vừa là đạo đức, cũng chính là văn hóa ứng xử giữa người với người, yếu tố không thể thiếu cho cuộc đời hạnh phúc”.

Coi trọng liêm chính, thực danh

Từng là nhà quản lý của ngành Giáo dục nên dễ nhận thấy tác giả Nguyễn Tiến Đoàn dành nhiều tâm sức cho những bài viết bàn về nghề dạy học và nhất là vấn đề quan lộ.

Bên cạnh những bài viết tập trung trong phần Làm nghề như: “Giữ gìn liêm chính”, “Phê bình và lắng nghe”, “Cách dùng pháp luật”, “Phòng bệnh quan liêu”, “Giúp dân khai sáng”…; ở phần Làm người và Tản mạn chuyện đời cũng có những bài: “Tấm lòng ngay thẳng”, “Bao dung độ lượng”, “Coi trọng thực danh”, Tản mạn chuyện đời như: “Nghĩ về danh vị”, “Trọng dụng nhân tài”, “Ứng xử với tiền”.... Trong đó, nội dung các bài viết phần lớn tập trung nêu bật sự liêm chính và thực danh.

Ở “Tấm lòng ngay thẳng”, tác giả kể câu chuyện về cách nhìn người của Dương Phổ - Tể tướng đời Minh bên Trung Quốc: “Một hôm, con trai Dương Phổ từ quê tới thăm, ông hỏi: “Con đi dọc đường nghe nói quan thú lệnh ai giỏi?”.

Người con đáp: “Cứ như viên lệnh huyện Phạm Lý ở Giang Lăng thì không giỏi chút nào”. “Vì sao?”. “Con ghé qua nhà, ông ấy tiếp con sơ sài quá!”. Dương Phổ nghe xong, không nói gì, chỉ nhớ tên họ rồi sau thăng Phạm Lý chức Tri phủ Đức An.

Có người bảo Phạm Lý nên tạ ơn, Phạm Lý nói: “Ông ấy là tể tướng, vì triều đình dùng người, đâu có thiên vị mà tạ ơn”. Mãi đến khi Dương Phổ qua đời, Phạm Lý mới đến phúng viếng để tạ ơn tri kỷ”. Cùng với đó, tác giả dành lời bình thật sắc sảo: “Thực ra, con người của Phạm Lý vốn cao sang như thế, chỉ do hai cha con tể tướng nhìn nhận khác nhau mà thôi. Vì sao cùng một sự vật, con người mà có cách nhìn khác nhau? Vì lòng dạ của người này ngay mà người khác thì cong!”.

Ở “Coi trọng thực danh”, tác giả nêu thực trạng: “Ở đời lại có những người thiếu tài năng, kiến thức, đạo đức mà ham danh. Cho nên, họ dùng đủ mọi thủ đoạn để có được cái danh kia”.

Những biểu hiện tiêu biểu như xin, mua chức tước; chất lượng bằng cấp, học vị. Từ đó, tác giả thẳng thắn phê phán: “Chức quyền là thứ không thể xin, mua, mượn, chiếm, thế mà người ta có được chức quyền thông qua các con đường ấy thì thật là nguy hại! (…)

Bài viết 'Nghĩ về danh vị' như cuộc trò chuyện giữa tác giả và bạn đọc. Ảnh: Bình Thanh.

Bài viết 'Nghĩ về danh vị' như cuộc trò chuyện giữa tác giả và bạn đọc. Ảnh: Bình Thanh.

Đó chính là đổi cái tự trọng thật lấy cái vinh quang giả”; đồng thời đưa ra bình luận mang tính thức tỉnh: “Sống trên đời, thời nào con người ta cũng cần một ngôi nhà để che mưa che nắng cho thân thể, lại cũng cần một “ngôi đền danh dự” để trú ngụ tinh thần.

Liệu việc đi mua hư danh có phải đang tự mình xây đền hay chính là châm lửa đốt “ngôi đền danh dự” ấy? Có lẽ chỉ đến khi ảo ảnh vinh quang đã tắt, luật vô thường rõ dần vào tuổi xế chiều, con người ta mới thấy đó là một việc làm vô nghĩa?!”. Bởi vậy, với tác giả thì “người đáng trọng trước hết phải là người chính danh, đã chính danh nhưng lại phải thực danh, có thực danh nhưng giúp ích được cho đời”.

Nhất là bằng cuộc trò chuyện của hai người bạn (đương chức và hưu trí) trong bài “Nghĩ về danh vị”, tác giả thể hiện cụ thể hơn quan điểm về cách ứng xử của người có danh vị, có chức quyền.

Đó là “tam bình”: Bình tâm tiếp nhận trách nhiệm; bình tĩnh xử lý công việc và bình thản đi tới điểm dừng – được thực hành “không phải là thích chơi chữ hay theo thuyết trung dung để được hai chữ bình an mà là cách ứng xử thuận đạo lý, hợp với lòng người”.

Cùng với đó, bài viết này còn nhắc lại chức phận thực sự của quan chức và nhân dân. Theo đó, quan chức “phải hiểu mình là người làm thuê cho dân” còn dân thì “phải biết rằng mình không phải là người để quan chức sai khiến; quan chức bình đẳng với dân chứ không đứng trên nhân dân”.

Vậy nhưng thật đáng buồn là “mấy ai chịu nhận ra điều đó!”. Đây là vấn đề đã được xác định từ xưa và tác giả minh chứng bằng câu chuyện: Vào thời Đường ở Trung Quốc có thi sĩ Liễu Tôn Nguyên tổ chức một bữa tiệc tiễn bạn đi làm quan ở xa.

Khi đã đông đủ quan khách, Tôn Nguyên nâng ly mời bạn và nói rằng: “Này anh Tôn Nghĩa, anh đã làm quan huyện hai năm, ngày ngày dậy sớm, đêm đêm thức khuya, chính sự siêng năng, xét xử công bình, thuế má phải chăng, già trẻ không ai đem lòng thù ghét. Người làm quan như anh cũng thật đáng nhận tiền thuê của dân lắm...”.

Tác giả Nguyễn Tiến Đoàn không chỉ là một nhà giáo mẫu mực mà còn là nhà quản lý (Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội - PV), từng trải, nhân văn và sâu sắc. Ông đã cho ra đời nhiều cuốn sách với kiến thức phong phú, cách viết dung dị, sâu xa, thấu đáo và cũng vì lẽ đó mà ông trăn trở để ra cuốn sách này. (...) Cái đích (cuốn “Làm người, làm nghề” - PV) thật giản dị nhưng vô cùng trong sáng mà tác giả hướng tới là làm sao con người tốt đẹp hơn, nhà giáo mẫu mực hơn, cán bộ tài đức hơn để cùng nhau góp phần xây dựng một xã hội hòa thuận, văn minh, tiến bộ” - Nhà báo Nguyễn Đăng Tiến, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khám phá web đọc sách phong phúTìm hiểu exp là gì