Kiểm tra, đánh giá giữa kỳ: Trải nghiệm lần đầu với môn Nghệ thuật

GD&TĐ - Nhiều trường THPT đã tổ chức kiểm tra giữa kỳ, trong đó môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) gồm cả lý thuyết kết hợp thực hành.

Thầy Ngô Xuân Tùng hướng dẫn học sinh làm bài tập môn Mỹ thuật.
Thầy Ngô Xuân Tùng hướng dẫn học sinh làm bài tập môn Mỹ thuật.

Dù mới trở thành môn học chính thức ở khối 10, nhưng tại các trường học, hoạt động kiểm tra diễn ra đúng yêu cầu, với hình thức mới mẻ, khiến học sinh vô cùng thích thú.

“Cởi bỏ” áp lực điểm số

“Ngay từ đầu năm tôi đã chủ động “cởi bỏ” mọi áp lực để các em cảm thấy thoải mái khi đến với môn học này. Đợt kiểm tra giữa kỳ vừa qua tôi cho lớp làm bài trắc nghiệm và vẽ. Với tôi đây là môn học thiên về khả năng cá nhân nên bản thân sẽ không áp lực về điểm số, mà chỉ cần các em nỗ lực và có ý thức học tập tốt là được. Riêng với những em có kết quả kiểm tra chưa tốt, giáo viên sẽ theo dõi trong quá trình học tập xem có tiến bộ hay không và ý thức học hành ra sao, chứ không quá quan trọng về kết quả chưa đạt trong đợt kiểm tra vừa qua”, thầy Tùng cho hay

Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) toàn khối 10 có 2 lớp Mỹ thuật với 93 học sinh. Thầy Ngô Xuân Tùng, giáo viên dạy môn Mỹ thuật lớp 10A10 trong quá trình giảng dạy luôn chú trọng phát triển khả năng tư duy và kỹ năng của học sinh. Thực tế có nhiều em đam mê và thích môn Mỹ thuật nên ý thức học tập rất tốt. Học sinh hứng thú với những hình ảnh, trao đổi nhìn nhận hơn, chứ không thích những bài học khô khan, chữ nghĩa nhiều.

Tương tự, cô Phí Thị Thu Hiền, giáo viên môn Âm nhạc Trường Tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm (TP Thủ Đức, TPHCM), cho biết, việc kiểm tra đánh giá giữa kỳ là dịp để khẳng định rõ kết quả học của học sinh. Tuy nhiên trong quá trình học tập giáo viên cũng đã đánh giá được phần nào năng lực từng em.

“Tôi được giao phụ trách 2 lớp Âm nhạc với 70 học sinh. Đối với môn học này, các em kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức vấn đáp kết hợp với sản phẩm biểu diễn về lựa chọn bài hát theo từng chủ đề đã học. Trước đây khi các em học THCS, quá trình kiểm tra giữa kỳ giáo viên sẽ tổ chức bốc thăm, tuy nhiên đối với khối 10 năm nay do chương trình mới nên việc kiểm tra nhẹ nhàng để trò cảm thấy thoải mái, nhằm phát huy hết năng lực của bản thân”, cô Hiền cho hay.

Còn cô Hồ Như Thủy, giáo viên môn Mỹ thuật, Trường THCS&THPT Đông Thành (tỉnh Vĩnh Long), cho biết: “Thấy học sinh đam mê vẽ nên tôi cố gắng khuyến khích các em. Học kỳ đầu ở môn mới này hơi nặng về kiến thức chuyên sâu Mỹ thuật. Từ việc đánh giá xếp loại học sinh theo mức Đạt hoặc Không Đạt nên trong đánh giá giữa kỳ tôi linh hoạt cho trò làm bài luận viết về một tác phẩm, công trình… mỹ thuật, để không tạo áp lực trả bài trong môn mới, cũng như giúp các em giữ đam mê với môn học này”.

Học sinh hào hứng

Thầy Hồ Văn Tý là giáo viên được mời thỉnh giảng tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ). Đây là năm đầu tiên thầy nhận giảng dạy 4 lớp 10 tại trường. Theo thầy Tý, việc tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ không quá khác biệt so với khối THCS, chủ yếu là kiến thức nhạc lý, thưởng thức âm nhạc, thể hiện kỹ năng tiết tấu, trường độ, đúng nốt điệu… Bài kiểm tra giữa kỳ được thầy Tý tổ chức thành buổi biễu diễn, đồng thời vấn đáp kiến thức âm nhạc qua các chủ đề mà các em được học trong học kỳ I. Qua đánh giá, đa số học sinh hứng thú và nhiệt tình tham gia.

Tiết học Mỹ thuật của học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm.

Tiết học Mỹ thuật của học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm.

“Nội dung kiểm tra giữa kỳ chủ yếu là các kiến thức trọng tâm môn học, phần lớn chú trọng thể hiện tài năng của bản thân nên học sinh rất thích thú thể hiện tài năng và kiến thức của mình”, thầy Tý chia sẻ thêm.

Trong quá trình kiểm tra, đánh giá giữa kỳ, cô Trần Thị Ngọc Liễu, giáo viên môn Mỹ thuật, Trường Tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm (TP Thủ Đức, TPHCM) đã chủ động tổ chức kiểm tra về mặt lý thuyết để nắm vững kiến thức liên quan tới hội họa, các khái niệm, cảm nhận, bình luận phê bình tác phẩm… đó là những cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với môn Mỹ thuật. Bên cạnh đó, trường vẫn tổ chức cho các em làm bài thực hành vẽ về cảnh vật, khối cầu và khối lập phương bằng chì than. Giáo viên sẽ căn cứ vào bài làm của học sinh để đánh giá Đạt hoặc Chưa Đạt.

“Hiện, tôi phụ trách 2 lớp với 80 học sinh. Với những em có năng khiếu về hội họa, đương nhiên trong quá trình học tập sẽ vượt trội. Bên cạnh đó, một số em còn bỡ ngỡ khi chương trình môn học này ở cấp 3 có nhiều thay đổi so với chương trình học ở khối THCS. Tuy nhiên, học sinh rất hồ hởi vì đây là lần đầu tiên ở cấp THPT các em được trải nghiệm môn Nghệ thuật là một môn chính thức trong thời khóa biểu. Hầu hết trò học tập rất nghiêm túc, chuẩn bị chu đáo cho bài kiểm tra giữa kỳ, nên kết quả làm bài đều Đạt”, cô Liễu cho hay.

Em Nguyễn Hoàng Khả Tú, lớp 10A10, Trường Tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, ngay từ lớp 1 em đã được ba mẹ cho đi học đàn Piano. Em thấy đưa môn Âm nhạc và Mỹ thuật vào chương trình giảng dạy THPT là hợp lý. Bởi nhiều bạn có tài năng hoặc niềm đam mê lớn đối với môn nghệ thuật. Khi có niềm đam mê, được học tập sẽ giúp các bạn có thêm niềm vui, những khoảnh khắc tỏa sáng, tìm được con đường đúng đắn cho tương lai.

“Đợt kiểm tra giữa kỳ so với các môn học khác thì Âm nhạc tương đối dễ thở. Nhưng tùy mỗi bạn sẽ hoàn thành ở các mức độ khác nhau. Quá trình ôn tập để kiểm tra cũng giúp chúng em củng cố kiến thức trong nhạc lý, kỹ năng hát, kỹ năng cảm thụ âm nhạc. Ước mơ của em sau này sẽ trở thành nhà tâm lý học trong quản lý và kinh doanh. Âm nhạc giúp em giải trí, xả stress, thỏa mãn niềm đam mê của bản thân”, Khả Tú cho hay.

Em Phạm Quỳnh Trân, học sinh lớp 10A10 (Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TPHCM), tâm sự: “Trong đợt kiểm tra giữa kỳ vừa rồi em làm bài khá ổn. Đề kiểm tra giúp em củng cố được lý thuyết và phát huy tính sáng tạo. Ước mơ sau này của em là làm trong ngành kiến trúc và dự định sẽ thi vào Trường Đại học Kiến trúc TPHCM”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tùy nghi quyết định

GD&TĐ - Xung đột Nga - Ukraine đang leo thang, NATO đã có câu trả lời với đề xuất của Kiev cho phép họ sử dụng vũ khí tầm xa được viện trợ để tấn công Nga.