Kiếm tìm nhân tố điển hình qua hội thi giáo viên dạy giỏi

GD&TĐ - Hội thi giáo viên giỏi là đợt sinh hoạt chuyên môn quan trọng của ngành GD-ĐT Hà Nội nhằm tìm kiếm nhân tố điển hình...

Giờ dạy của cô Đỗ Lệ Quyên - Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Lan Anh
Giờ dạy của cô Đỗ Lệ Quyên - Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Lan Anh

Làm mới tiết dạy

Tiết dạy của cô Đỗ Lệ Quyên - Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố năm học 2023 - 2024 được ban tổ chức đánh giá cao bởi tính sáng tạo và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng nghiệp.

Với bài học “Nồng độ - dung dịch” trong sách giáo khoa lớp 8, học sinh thảo luận nhóm sôi nổi và thuyết trình tự tin. Cô giáo linh hoạt liên hệ những kiến thức thực tế vào bài dạy để trò thấy sự gần gũi của bộ môn Hóa học trong đời sống hằng ngày.

Đặc biệt, cô Quyên đã áp dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, hiện đại như hoạt động nhóm thí nghiệm, sử dụng trắc nghiệm bằng thẻ plicker kiểm tra đánh giá kiến thức học sinh. Người học cũng sử dụng thành thạo bảng tương tác thông minh đem lại hiệu quả cho tiết dạy.

Tương tự, trong tiết dạy môn Lịch sử của cô Phạm Tường Vân - Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), những câu chuyện về các nhân vật lịch sử, liên hệ thực tế cuộc sống được lồng ghép vào bài giảng khiến học sinh thêm yêu thích những trang sử dân tộc. Cùng đó, cô Vân biến hóa kiến thức lịch sử tưởng chừng khó thuộc trở nên lôi cuốn bằng phương pháp và kỹ thuật dạy học linh hoạt giúp học sinh tự học, tự chủ trong khám phá kiến thức.

Những chiến thắng lịch sử tưởng chừng khô khan, khó nhớ, khó hiểu được cô Vân tổ chức dạy học với lược đồ, mô hình, sa bàn, video… giúp nội dung bài học trở nên sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ. Để học sinh nắm vững kiến thức đã học, cô hướng dẫn các em sử dụng sơ đồ tư duy, bảng biểu tổng hợp kiến thức.

Cô Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai kể về đồng nghiệp: Các tiết học lịch sử ở Trường THCS Hoàng Mai do cô Tường Vân đảm nhận không chỉ là đọc – chép mà giáo viên giảng bài, đặt câu hỏi cung cấp kiến thức cho học sinh tạo tương tác hiệu quả giữa cô và trò. Cô Vân đã hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài trước. Vào giờ học, các em đóng vai nhân vật lịch sử kể, tái hiện lại các sự kiện gay cấn, kịch tính… hoặc giới thiệu kiến thức tìm hiểu được, đặt câu hỏi và cùng nhau giải đáp thắc mắc. Nhờ đó, giờ học lịch sử luôn cuốn hút.

Giờ dạy lịch sử của cô giáo Phạm Tường Vân luôn cuốn hút học sinh. Ảnh: Lan Anh

Giờ dạy lịch sử của cô giáo Phạm Tường Vân luôn cuốn hút học sinh. Ảnh: Lan Anh

Trưởng thành từ hội thi

Trước đây, có một số ý kiến trái chiều về hội thi giáo viên dạy giỏi. Tuy nhiên những năm gần đây, cuộc thi có nhiều đổi mới cả về hình thức và nội dung. Đa số thầy cô cho rằng hội thi có ý nghĩa trong việc đổi mới phương pháp, lan tỏa kinh nghiệm dạy học, điều đặc biệt quan trọng trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Cô Đỗ Thị Hiên - Trường Tiểu học THCS Khương Thượng (quận Đống Đa) chia sẻ: Hội thi giáo viên dạy giỏi hằng năm là dịp để mỗi giáo viên rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, vận dụng kỹ thuật và phương pháp dạy học, từ đó có bài giảng hay, giờ học tốt.

“Đến với hội thi, tôi cảm nhận đây là cơ hội thuận lợi để khẳng định mình, học hỏi đồng nghiệp nâng cao kiến thức và phương pháp dạy học. Trong hội thi năm nay, tôi cố gắng hết sức, bằng trí tuệ, kinh nghiệm và tình yêu nghề, mang đến cho học sinh tiết học hấp dẫn”, cô Hiên nói.

Đánh giá về cuộc thi giáo viên dạy giỏi thành phố Hà Nội những năm gần đây, PGS.TS Trần Xuân Linh - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Hội thi được đông đảo giáo viên đón nhận, là diễn đàn bổ ích để trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ. Thành công nổi bật là bước tiến quan trọng về phương pháp dạy học.

Trên cơ sở ý thức, trình độ chuyên môn vững vàng, sự tiếp cận chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện… của giáo viên nên các giờ dạy thể hiện tinh thần đổi mới phương pháp và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đặc thù bộ môn và sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại.

Các thầy cô tập trung quan sát hoạt động học thông qua tổ chức nhiệm vụ học tập, hướng dẫn học sinh luyện tập vừa tạo thói quen thực hành và tự học. Có những giờ dạy, học sinh được thảo luận nhóm, đối thoại tranh luận hào hứng; phiếu học tập sử dụng đúng chỗ làm những điều vô hình, trừu tượng trở nên cụ thể, gần gũi.

Tuy giáo viên phải làm quen trò, không gian mới nhưng sự háo hức, sôi nổi của học sinh, niềm say mê từ giáo viên trong giờ giảng và chút lưu luyến, sau bài giảng đã nói lên: Giáo viên giỏi không chỉ là người phân tích, chứng minh, biện luận giỏi mà thực sự truyền lửa, khơi gợi cảm hứng, khám phá tri thức, thổi bùng xúc cảm, sáng tạo cho học sinh.

Theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, hội thi giáo viên dạy giỏi là hoạt động cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy học trong nhà trường; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội giúp thầy cô rèn luyện, tự học và sáng tạo.

Hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ từ đó các cấp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Hội thi giáo viên dạy giỏi được tổ chức hằng năm với mục đích phát hiện, công nhận và tôn vinh thầy cô giáo, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo động lực phát triển giáo dục ở mỗi địa phương và toàn ngành.

Đồng thời góp phần giúp giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt - học tốt. Những đổi mới trong phương pháp dạy học của thầy cô sẽ là kinh nghiệm quý giúp ngành GD-ĐT Hà Nội ngày càng hoàn thiện hơn. - Ông Trần Thế Cương (Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.