Kiểm định quốc tế là chìa khóa nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam

GD&TĐ - Việc đẩy mạnh và tham gia sâu vào hoạt động kiểm định quốc tế đã và đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học.

Kiểm định chất lượng là yếu tố hàng đầu nâng tầm thương hiệu của các cơ sở đào tạo. Ảnh minh họa
Kiểm định chất lượng là yếu tố hàng đầu nâng tầm thương hiệu của các cơ sở đào tạo. Ảnh minh họa

Ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, việc có bộ khung chương trình theo chuẩn khu vực và quốc tế được xem là nền tảng cơ bản giúp các trường tham gia vào tiến trình hội nhập.

Chuyển mình cùng hoạt động kiểm định quốc tế

Luật Giáo dục Đại học nêu rõ kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng đào tạo, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học. Kiểm định chất lượng giáo dục là thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ và là căn cứ để Nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Thời gian gần đây, hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo được các trường đại học đặc biệt chú trọng, đầu tư một cách bài bản và có chiến lược rất rõ. Việc nhiều trường đại học của Việt Nam lọt vào tốp 500+, 1000+ trường đại học tốt nhất trên thế giới ở những bảng xếp hạng danh tiếng như: QS World University Rankings, Times Higher Education, Academic Ranking for World Universities… minh chứng cho sự chuyển mình rất rõ của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam từ hướng số lượng sang chất lượng.

Mới nhất, Tổ chức QS vừa công bố bảng xếp hạng các đại học có tính bền vững (QS Sustainability 2023), Việt Nam vinh dự có 3 đại diện góp mặt tốp 601+ các đại học bền vững toàn cầu năm 2023. Theo bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE - tổ chức xếp hạng đại học uy tín, trụ sở tại Anh) mới công bố, Việt Nam cũng có tới 6 trường được THE ghi nhận, đánh giá và xếp hạng thế giới ở các nhóm ngành (lĩnh vực) uy tín.

“Mỗi tổ chức kiểm định có bộ tiêu chí riêng, giúp các trường soi chiếu và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Việc các trường tham gia kiểm định chất lượng mang lại nhiều lợi ích. Với sinh viên đó là cơ hội được học tập, nghiên cứu trong môi trường chất lượng, giúp các em phát huy năng lực, khả năng sáng tạo và đam mê nghiên cứu khoa học (NCKH) của mình. Với giảng viên, đó là sự khẳng định, hoàn thiện bản thân qua khi hoạt động giảng dạy, NCKH của khoa, ngành được soi chiếu dưới bộ khung kiểm định theo chuẩn quốc tế, nhờ đó nâng cao hơn chất lượng giảng dạy, chất lượng nguồn nhân lực sẽ ngang bằng với khu vực và quốc tế”, TS Lê Mỹ Phong chia sẻ.

Nhìn nhận sự chuyển động lớn từ các trường trong hoạt động kiểm định, TS Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng đây là xu thế tất yếu, nhiệm vụ không thể khác của các trường trong việc thực hiện cam kết của mình với xã hội và người học.

TS Lê Mỹ Phong cho biết, tính đến cuối tháng 9/2022, Việt Nam có 912 chương trình đào tạo được kiểm định. Trong đó, có 556 chương trình đào tạo được kiểm định thông qua các tổ chức kiểm định trong nước và có khoảng 356 chương trình được kiểm định qua 10 tổ chức kiểm định nước ngoài. Phần lớn chương trình được kiểm định theo chuẩn AUN-QA, CTI ENAEE, FIBAA, ABET…

Theo lộ trình, đến 2025 phấn đấu có khoảng 25% chương trình đào tạo của đại học Việt Nam được kiểm định. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, các trường có quyền lựa chọn các tổ chức để kiểm định chất lượng, nhưng Bộ GD&ĐT khuyến khích các đơn vị tham gia kiểm định quốc tế, hướng đến việc hội nhập trong giáo dục đào tạo.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trong phòng thí nghiệm.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trong phòng thí nghiệm.

Bệ phóng cho hệ thống giáo dục đại học

Trường ĐH Nông Lâm TPHCM thời gian qua nhanh chóng hoàn thành công tác kiểm định chất lượng cấp trường theo tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Trường còn tham gia nhanh và sâu vào hệ thống kiểm định chất lượng khu vực Đông Nam Á và châu Á.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM chia sẻ: Trường có 6 chương trình đạt chuẩn kiểm định AUN-QA cách đây 2 năm gồm: Thú y, Công nghệ thực phẩm, Cơ khí chế biến và bảo quản nông sản thực phẩm, Nông học, Kinh tế nông nghiệp, Công nghệ sinh học. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đang đánh giá thêm 4 chương trình đào tạo gồm: Công nghệ kỹ thuật hóa sinh, Kỹ thuật môi trường, Chế biến lâm sản và Nuôi trồng thủy sản.

“Đây là những ngành thế mạnh của trường trong nhiều năm qua. Việc từng trường đại học ngày một chuẩn hóa chương trình đào tạo trọng yếu của mình theo chuẩn khu vực hay quốc tế giúp đất nước có nguồn nhân lực chất lượng, chủ động hội nhập (trao đổi nhân lực trong khu vực). Chuẩn hóa đầu ra chương trình đào tạo còn giúp các trường khai phóng được tối đa sức mạnh nội lực (thúc đẩy NCKH, chuyển giao công nghệ) để nhanh chóng hội nhập.

Chúng ta sẽ không thể có một hệ thống giáo dục đại học mạnh nếu từng thành tố, từng trường chưa tiệm cận và chuẩn hóa khung chương trình đào tạo. Vì vậy có thể khẳng định, việc các trường tham gia sâu vào tiến trình kiểm định quốc tế chính là bệ phóng để thúc đẩy toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam tiến lên”, TS Trần Đình Lý nhấn mạnh.

Nhìn nhận hoạt động kiểm định quốc tế là xu thế tất yếu, buộc các trường phải tham gia để góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM khẳng định sẽ không thể có một hệ thống giáo dục đại học đồng bộ, vững mạnh nếu các “hạt nhân” nòng cốt trong hệ thống không tiên phong, dẫn dắt.

“Theo các bảng xếp hạng đại học danh tiếng trên quốc tế, ĐHQG TPHCM, ĐHQG Hà Nội… đã có mặt ở tốp đầu và thứ hạng được cải thiện qua từng năm. Đây là tín hiệu tốt. Việc các trường đại học lớn tham gia sâu vào tiến trình kiểm định quốc tế, bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất trên thế giới không chỉ tạo khí thế, động lực cho đơn vị khác đi theo, mà quan trọng hơn nó cho phép chúng ta nhanh chóng tiệm cận và hội nhập tốt hơn với nền giáo dục quốc tế.

Không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa, không có sự cố gắng nào là không mang lại kết quả. Việc các trường đại học Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuẩn hóa chương trình đào tạo bằng công tác kiểm định cho thấy rất rõ khát vọng vươn tầm của chúng ta”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nói.

TS Phan Hồng Hải - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM nhìn nhận việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bất cứ trường đại học nào trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đặc biệt, kiểm định chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp các chương trình khẳng định chất lượng đào tạo mà còn hội nhập quốc tế. Quan trọng hơn, điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người học, đội ngũ giảng viên và nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.