Kiềm chế cảm xúc bằng cách nào?

GD&TĐ - Kiềm chế cảm xúc là một kỹ năng sống quan trọng đối với trẻ từ 2 - 12 tuổi, trẻ có thể làm chủ bản thân trong nhiều tình huống.

Trẻ cần học cách kiểm soát cảm xúc để làm chủ bản thân. Ảnh minh họa
Trẻ cần học cách kiểm soát cảm xúc để làm chủ bản thân. Ảnh minh họa

Hậu quả của việc không kiềm chế cảm xúc

Kiểm soát cảm xúc là cách mà chúng ta đưa cảm xúc trở về trạng thái cân bằng thông qua các phương diện như ngôn ngữ, hình thể… Trong cuộc sống, khi luôn phải đối mặt với nhiều loại cảm xúc, từ yêu thương, cảm giác khó chịu, sự sợ hãi, nếu không có kỹ năng kiềm chế cảm xúc, trẻ sẽ dễ hành động nóng vội, khó kiểm soát hậu quả, thậm chí vô tình làm tổn thương người khác.

Một trong những bài học cần dạy con để có thể làm chủ cuộc sống là phải làm chủ được cảm xúc cá nhân. Chuyên gia của Tổng đài chăm sóc sức khỏe trẻ em 111 chia sẻ, nếu bạn nghĩ rằng trẻ con còn vô tư, biết gì đâu mà giận, lo lắng, chán nản, tự ái hay thất vọng, thì bạn đã sai lầm.

Thực ra, giống như người lớn, trẻ nhỏ cũng có những cung bậc cảm xúc. Trẻ nhỏ cũng bị giữ lại các cảm xúc tiêu cực cần được làm chủ để tiết chế. Thậm chí, trẻ gặp nhiều khó khăn hơn chúng ta vì chưa phát triển đủ các kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức để biết cách giải tỏa cảm xúc của mình.

Vì thế, người lớn cần cho con thấy hậu quả của việc mình không kiềm chế cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào. Tuy nhiên, không nên chỉ trích những cơn giận của con vì đó chỉ là những cảm xúc tự nhiên của tất cả mọi người.

Thay vào đó bố mẹ nên dạy con những điều nên làm khi cảm thấy tức giận, giúp con có những cách ứng xử tích cực, sáng suốt. Phân tích cho con hiểu cảm giác tức giận là do những cảm xúc tiêu cực gây nên ví dụ như sợ hãi, ghen tị, thất vọng… Mục đích để con có một tâm lý tốt nhất và trẻ sẽ dần kiểm soát hành vi tốt hơn khi có những cảm xúc tiêu cực.

Chuyên gia của Tổng đài chăm sóc sức khỏe trẻ em cũng cho rằng, có 3 giai đoạn mà trẻ cần được hướng dẫn để vượt qua. Đó là đối mặt với “điều không thích” bằng cách thể hiện cảm xúc, nhận biết và giữ cảm xúc. Trong đó, muốn con làm chủ được cảm xúc cần chú trọng ở giai đoạn 3 là bình tĩnh chuyển cảm xúc.

Chuyên gia cũng cho rằng, việc trẻ thể hiện cảm xúc và níu kéo cảm xúc đó là chuyện bình thường và xảy ra tự nhiên. Do đó, giai đoạn 3 là phần kết, nó cần xuất hiện để trẻ có thể học được cách kiểm soát cảm xúc.

Nếu nhìn về khía cạnh não bộ, thì những đường truyền thần kinh di chuyển với cảm xúc tức giận hay mè nheo thường chậm và hoạt động chỉ ở 1 - 2 khu vực của não bộ. Song song đó, những khu vực khác não bộ như tim, chân tay và khuôn mặt, những bộ phận thể hiện bạn đang tức giận như nhíu mày, đập chân tay, thậm chí đánh người khác được kích hoạt.

Nhưng, khi quan sát ở giai đoạn cảm xúc được kiểm soát (giai đoạn 3), đường truyền này nhanh và liên kết nhiều khu vực của não bộ vì lúc này bạn cần suy nghĩ nhiều hơn và ít sử dụng chân tay và khuôn mặt. Do đó, trẻ cần trải qua giai đoạn 3 để có thể học được cách sử dụng cảm xúc đúng và rèn luyện não bộ trong kiểm soát hành vi.

Bố mẹ cũng phải bình tĩnh và tiết chế ở mọi nơi

Cô Nguyễn Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cho rằng, có một số cách hữu hiệu để giúp trẻ kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Đó là dạy trẻ ngôn ngữ để thể hiện cảm xúc hơn là các hành vi phi ngôn ngữ. Khi trẻ tập nói bạn nên bắt đầu dạy trẻ các từ thể hiện điều trẻ muốn và các cảm xúc liên quan thông qua sách hoặc truyện có hình ảnh về các cảm xúc. Khi có ngôn ngữ trẻ sẽ nhanh chóng lựa chọn cách này để giao tiếp.

Đồng thời, giúp trẻ tự nhận ra kết quả “không như mong đợi” trong cuộc sống hàng ngày và học cách chấp nhận nó như 1 kết quả có thể xảy ra. Cha mẹ nên yêu thương và che chở trẻ như người quan sát. Đừng chỉ lo trẻ gặp khó khăn mà làm thay cho trẻ, hoặc làm dễ cho trẻ. Cái đó không phải là che chở lo lắng, mà là lấy mất cơ hội để trẻ hiểu về sự thất bại, sự khó khăn.

Trong thực tế, không dễ để làm chủ được cảm xúc của mình, vì cảm xúc thuộc về bản năng. Cảm xúc là yếu tố rất quan trọng tác động đến cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống. Do vậy, sử dụng trí tuệ xúc cảm hiệu quả sẽ góp phần “dẫn lối” chúng ta đến thành công. Để tạo được những giá trị tốt đẹp cho bản thân, trẻ cần bắt đầu từ việc hiểu và kiểm soát cảm xúc của chính mình.

Cũng theo cô Nguyễn Thị Thanh, trẻ con làm và suy nghĩ tiêu cực phần lớn là do bị ảnh hưởng bởi cha mẹ. Cách bạn nói hoặc cách bạn thể hiện là trẻ đang học và sẽ bắt chước.

Những tính cách của con không phải tự nhiên mà chúng hình thành. Trẻ học những điều đầu tiên về cuộc sống là từ bố mẹ những người thân thiết nhất với con. Muốn con kiềm chế cảm xúc tốt đầu tiên bố mẹ cũng phải thật bình tĩnh và tiết chế ở mọi nơi.

Cô Thanh cho rằng, một số trẻ bị rối loạn và không kiểm soát được cảm xúc của bản thân dẫn đến các vấn đề về tự điều chỉnh. Chúng biểu hiện theo những cách khác nhau tùy thuộc vào từng đứa trẻ. Những trẻ này thường có phản ứng tức thời một cách rất mạnh mẽ đối với tình huống chúng gặp phải. Ở đó không có sự dẫn dắt hay xây dựng nào và trẻ không thể kiềm chế được hành vi đó ngay lập tức.

Đối với những đứa trẻ khác, sự căng thẳng lại bị tích tụ và chúng dường như phải chịu đựng quá lâu. Cuối cùng, nó sẽ dẫn đến những hành vi bộc phát. Lúc này, người lớn có thể thấy trẻ đi sai đường nhưng lại không biết cách ngăn chặn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ