Cơ chế điều tiết cảm xúc của trẻ

GD&TĐ - Điều tiết cảm xúc không phải là một kỹ năng bẩm sinh. Tâm trạng của trẻ có thể dao động như một con lắc. Vì vậy, giúp trẻ tự điều chỉnh cảm xúc là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cha mẹ.

Môi trường đóng vai trò quan trọng trong kỹ năng điều chỉnh cảm xúc của trẻ.
Môi trường đóng vai trò quan trọng trong kỹ năng điều chỉnh cảm xúc của trẻ.

Cột mốc quan trọng

Kiểm soát cảm xúc là khả năng theo dõi và điều chỉnh cảm xúc của một người, cũng như cách trải nghiệm và thể hiện chúng. Học cách tự điều chỉnh là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Khả năng điều chỉnh trạng thái cảm xúc và phản ứng của trẻ ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè, kết quả học tập, sức khỏe tâm thần cũng như khả năng phát triển trong một thế giới phức tạp.

Một đứa trẻ có kỹ năng điều tiết cảm xúc kém thường xuyên nổi cơn thịnh nộ và gây căng thẳng cho mối quan hệ cha mẹ - con. Điều này có thể ảnh hưởng đến không khí của cả gia đình, bao gồm anh chị em hoặc mọi người xung quanh. Từ đó, dẫn đến một vòng xoáy tiêu cực.

Tương tự, đối với tình bạn, những đứa trẻ không có khả năng kiềm chế cảm xúc sẽ có ít kỹ năng xã hội hơn. Trẻ gặp khó khăn hơn trong việc kết bạn hoặc duy trì tình bạn. Không có khả năng tự điều chỉnh cảm xúc có thể dẫn đến những đặc điểm như tức giận, thu mình, lo lắng hoặc hành vi hung hăng. Tất cả những điều này có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực hơn. Trẻ em bị bạn bè xa lánh sẽ có nguy cơ bỏ học, phạm pháp, lạm dụng chất kích thích và các vấn đề về hành vi chống đối xã hội.

Ngược lại, khả năng điều tiết cảm xúc tốt ở trẻ em không chỉ tác động tích cực đến các mối quan hệ, mà còn là một yếu tố dự báo mạnh mẽ về thành tích học tập và thành công. Quản lý cảm xúc hiệu quả cho phép học sinh tập trung vào việc thực hiện các bài kiểm tra và kỳ thi. Những học sinh có thể tự điều chỉnh cảm xúc cũng có khả năng chú ý và giải quyết vấn đề tốt hơn. Đồng thời, trẻ sẽ thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ và mục tiêu dài hạn. Hiệu ứng này kéo dài trong suốt cuộc đời. Một người trưởng thành không thể điều chỉnh cảm xúc sẽ ít hài lòng hơn với công việc, có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc hạnh phúc nói chung.

Trong khi đó, những đứa trẻ đã học cách điều tiết cảm xúc cũng có thể xử lý và hồi phục tốt hơn sau chấn thương hoặc các sự kiện bất lợi. Trẻ có khả năng chịu đựng thất vọng cao và kiên cường hơn. Nhiều rối loạn lâm sàng ở trẻ em có liên quan chặt chẽ đến sự điều chỉnh cảm xúc. Ví dụ, rối loạn điều hòa cảm xúc có liên quan đến các rối loạn hành vi như rối loạn chống đối. Tình trạng đó có thể khiến trẻ có nguy cơ phát triển các rối loạn cảm xúc như rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống và trầm cảm. Trẻ cũng có nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong tương lai.

Một số trẻ dễ điều chỉnh cảm xúc hơn những bạn cùng lứa.

Một số trẻ dễ điều chỉnh cảm xúc hơn những bạn cùng lứa.

Ý nghĩa của điều tiết cảm xúc

Với tất cả những điều này, không có gì ngạc nhiên khi các chuyên gia coi kỹ năng điều chỉnh cảm xúc là điều cần thiết ở trẻ. Vậy, làm thế nào để trẻ phát triển những kỹ năng cực kỳ quan trọng này? Với tư cách là phụ huynh, các cha mẹ có thể giúp trẻ như thế nào? Để trả lời những câu hỏi này, hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu ý nghĩa của việc điều tiết cảm xúc.

Để kiểm soát cảm xúc, trẻ cần để ý, theo dõi và nhận ra những cảm giác khác nhau, điều chỉnh chúng một cách thích hợp trong từng tình huống. Điều này không phải lúc nào cũng có nghĩa là giảm cảm giác tiêu cực và tăng cảm giác tích cực. Bởi, chỉ kìm nén cảm xúc tiêu cực và buộc bản thân không bộc lộ chúng không phải là một quá trình tự điều chỉnh.

Một số trẻ gặp khó khăn trong việc học kỹ năng điều tiết cảm xúc. Trong khi đó, việc điều tiết cảm xúc lại dễ dàng hơn với một vài trẻ khác. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện, một số trẻ sơ sinh có khả năng tự điều chỉnh cảm xúc bẩm sinh tốt hơn những trẻ khác. Trong khi di truyền là quan trọng, thì môi trường mà một đứa trẻ lớn lên cũng đóng vai trò to lớn. Tất cả trẻ em đều có thể học cách quản lý cảm xúc khi được tạo môi trường thích hợp.

Một nghiên cứu tại trại trẻ mồ côi ở Romania cho thấy tầm quan trọng của môi trường. Trong nghiên cứu, một số trẻ được chỉ định ngẫu nhiên đến các nhà nuôi dưỡng với dịch vụ chăm sóc chất lượng cao. Trong khi đó, những trẻ khác ở lại trại trẻ mồ côi. Những đứa trẻ được nhận nuôi đã cho thấy sự cải thiện đáng kể trong khả năng điều tiết cảm xúc so với những trẻ ở lại.

Theo các nhà khoa học, bộ não của chúng ta điều chỉnh thông qua hai phần của hệ thống thần kinh. Đầu tiên, có một hệ thống phản ứng nhanh hoặc khẩn cấp, còn được gọi là “bàn đạp ga”. Công việc chính của “bàn đạp” này là kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy của cơ thể. Khi được kích hoạt, hệ thống này cho phép cơ thể chúng ta di chuyển nhanh bằng cách tăng nhịp tim, ngừng tiêu hóa và tăng lượng đường trong máu để có năng lượng nhanh chóng. Ở trẻ, hệ thống này cũng hoạt động khi cảm xúc ở “tốc độ cao”. Đôi khi, phản ứng này nắm quyền kiểm soát.

Bên cạnh đó, có một phần làm dịu hoặc giảm chấn động của não, còn được gọi là “phanh”. Hệ thống này kích hoạt chậm hơn, nhưng khi hoạt động, nó làm chậm nhịp tim của chúng ta. Đồng thời, tăng khả năng tiêu hóa và tiết kiệm năng lượng.

Phần làm dịu hệ thống thần kinh của chúng ta có thể chống lại hiệu ứng “tốc độ cao”. Đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các chức năng cơ thể và sức khỏe cảm xúc của chúng ta. Hệ thống làm dịu này được điều chỉnh bởi não nhận thức.

Khi các hệ thống này hoạt động cân bằng, cơ thể chúng ta sẽ duy trì ở trạng thái bình thường. Điều đó có nghĩa là chúng ta kiểm soát được cảm xúc. Tuy nhiên, khi các hệ thống mất cân bằng, chúng ta cần sử dụng các kỹ thuật tự điều chỉnh để đưa mình trở lại trạng thái khỏe mạnh.

Cơn giận dữ thái quá không chỉ xuất hiện ở trẻ mới biết đi. Thực tế, trẻ em trong độ tuổi đi học cũng có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc. Thậm chí, ngay cả người trưởng thành cũng có lúc nổi cơn thịnh nộ.

Theo Parenting for brain

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ