Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ phát triển năng lực cảm xúc

GD&TĐ - Cha mẹ cần thể hiện thái độ phù hợp với trẻ, khi con nói về cảm xúc của mình, như: Buồn, sợ… Nhờ đó, cha mẹ sẽ hiểu cảm xúc của trẻ...

Sự hiểu biết sẽ giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc. Ảnh minh họa.
Sự hiểu biết sẽ giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc. Ảnh minh họa.

>> 8 lý do cha mẹ cần khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc

>> Con học sa sút vì cảm xúc… sai hướng

Vòng quay cảm xúc

Bên cạnh những cảm xúc tích cực, con người thường không thể tránh khỏi một số cảm xúc tiêu cực dưới tác động của yếu tố ngoại cảnh.

Cảm xúc tiêu cực thường xảy ra khi cơ thể phải đối mặt với áp lực, sự kiện gây sang chấn hoặc một số vấn đề không mong muốn. Các cảm xúc tiêu cực thường gặp bao gồm: Tức giận, căng thẳng, tuyệt vọng, bi quan, chán nản… Tùy từng trường hợp, cảm xúc có thể tồn tại trong một thời gian ngắn hoặc nhiều giờ, nhiều ngày.

Thực tế, cảm xúc - tâm trạng chi phối đáng kể đến suy nghĩ, tư duy và hành vi của con người. Khi tâm trạng buồn bã, chán nản, chúng ta thường nảy sinh những ý nghĩ bi quan, tiêu cực; Đồng thời, cơ thể cũng giảm năng lượng, dễ mệt mỏi và thiếu hào hứng khi học tập, làm việc.

Về lâu dài, cảm xúc tiêu cực có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Từ đó, dẫn đến nhiều rối loạn tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress (căng thẳng thần kinh)… Vì vậy, việc trang bị những kỹ năng cần thiết để kiểm soát cảm xúc tiêu cực là vô cùng quan trọng. Từ đó, giúp duy trì thái độ sống tích cực.

Mặc dù cảm xúc tiêu cực mang lại cảm giác không hề thoải mái, nhưng không phải ai cũng biết cách chế ngự và kiểm soát chúng. Đa phần những người thiếu kỹ năng sống đều phải đối mặt với căng thẳng, buồn bã, ghen tị, đố kỵ… kéo dài. Những tâm trạng đó lấn át cảm xúc tích cực.

Các chuyên gia cho biết, việc kìm nén cảm xúc, đặc biệt là sự tiêu cực, có thể gây ra biến chứng về tâm lý cũng như tác động xấu đến sức khỏe. Vì vậy, việc học cách giải phóng cảm xúc trở nên quan trọng, khi ở xã hội hiện đại, mọi người phải đối mặt với áp lực lớn.

Theo một nghiên cứu vào năm 2007, việc định danh được cảm xúc tiêu cực sẽ hỗ trợ giảm sự tích lũy và ứ đọng của những cảm xúc này.

Những cảm xúc chính (sợ hãi, tức giận, buồn bã, ghê tởm, vui sướng...) thường xuất hiện trong năm đầu tiên của cuộc đời. Ảnh minh họa.

Những cảm xúc chính (sợ hãi, tức giận, buồn bã, ghê tởm, vui sướng...) thường xuất hiện trong năm đầu tiên của cuộc đời. Ảnh minh họa.

Đặc biệt, với trẻ nhỏ, việc gọi tên cảm xúc được cho là vô cùng quan trọng. Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng để nhận biết cảm xúc.

Chia sẻ trên blog “Mẹ và Na”, chị Hoàng Phương Thảo - giáo viên, biên dịch viên và blogger, cho biết: “Vòng quay cảm xúc là một biểu đồ với những cảm xúc chính ở trung tâm. Trong khi đó, những cánh quạt bên ngoài thể hiện các cảm xúc cụ thể hơn. Đây là một công cụ sẽ giúp các con học cách gọi tên những gì chúng đang cảm thấy. Từ đó, con có thể tự nhận thức và xử lý cảm xúc tốt hơn. Thật tuyệt khi hiểu được chính xác cảm giác của chúng ta, tại sao chúng ta cảm nhận như vậy và cách phản ứng khi bị cảm xúc cuốn đi”.

Theo chị Phương Thảo, với trẻ dưới 5 tuổi, cha mẹ có thể chỉ cần trợ giúp con mình đặt tên cho một cảm xúc cơ bản. Đó cũng là các cảm xúc ở vòng tròn trung tâm. Nếu trẻ bắt đầu có khả năng đặt tên cho những cảm xúc của chúng (ngay cả là đơn giản nhất) khi còn nhỏ, bé sẽ được trang bị cách đối diện với cảm xúc lành mạnh hơn ở tuổi trưởng thành. Điều này đem lại rất nhiều lợi ích như: Giúp giảm lo lắng, nâng cao nhận thức về bản thân, về những gì mang lại cho chúng sự thoải mái và biết đồng cảm hơn.

“Không có cảm xúc nào tốt hơn hoặc tệ hơn bất kỳ cảm xúc nào. Bạn đang thực sự tặng con một món quà khi giúp trẻ nhận ra rằng, bé được phép không chỉ cảm nhận cảm xúc của bản thân, mà còn cho bạn biết những gì chúng cảm nhận. Vì vậy, hãy in vòng quay cảm xúc và treo ngang tầm mắt của con, trên cửa tủ quần áo hoặc gương. Nhờ đó, con có thể dễ dàng sử dụng khi cần gọi tên cảm xúc đang diễn ra trong trái tim của chúng”, chị Thảo chia sẻ.

Đặc biệt, không chỉ trẻ mới cần sử dụng vòng quay cảm xúc. Thực tế, đôi khi, người trưởng thành cũng cần đến công cụ này. Vì vậy, nếu cần, phụ huynh cũng có thể in và treo vòng quay cảm xúc ở nơi dễ nhìn thấy nhất, hoặc đem theo bên mình.

Việc giúp trẻ phát triển năng lực cảm xúc được cho là vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa.

Việc giúp trẻ phát triển năng lực cảm xúc được cho là vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa.

Không phán xét cảm xúc của trẻ

Trong khi đó, theo chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh - Đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), trước 4 - 5 tuổi, trẻ rất khó kiềm chế cảm xúc. Tuy nhiên, cha mẹ không nên đe dọa hoặc trừng phạt trẻ vì những cảm xúc “thô sơ” này. Nếu trẻ ở một mình trong nỗi sợ hãi, lo lắng hoặc tức giận, bộ não mỏng manh của bé sẽ tiết ra các phân tử căng thẳng độc hại. Tình trạng này sẽ ngăn cản bộ não phát triển.

Do đó, cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi, trẻ không tự nhiên biết cách kiểm soát cảm xúc.

“Cảm xúc không nhất thiết phải được xác định là tốt hay xấu. Đó là một phản ứng sinh học đối với một sự kiện bên ngoài mà đứa trẻ trải qua. Do đó, cảm xúc là tín hiệu cần thiết cho các chuyên gia chăm sóc trẻ em để xem xét tình trạng của bé mà không phán xét. Lắng nghe cảm xúc của trẻ bằng sự ân cần sẽ mang lại hạnh phúc tuyệt vời. Bởi, khi đó, trẻ cảm thấy mình được công nhận”, chuyên gia này cho biết.

Theo bà Thuý Trinh, thái độ phù hợp của người lớn với trẻ em là cùng bé nói về cảm xúc, như: Con buồn, sợ… Nhờ đó, cha mẹ sẽ hiểu cảm xúc của trẻ. Đồng thời, biết lý do trẻ cảm thấy khó khăn. Phụ huynh cũng nên xoa dịu trẻ bằng một giọng điệu ấm áp, thái độ thấu hiểu và trìu mến. Khi trẻ cảm thấy an toàn và tự tin, cơ thể sẽ tiết ra oxytocin - hormone của sự thoải mái và hạnh phúc.

Việc giúp trẻ phát triển năng lực cảm xúc được cho là vô cùng cần thiết. Năng lực cảm xúc là một quá trình phát triển bao gồm ba năng lực có liên quan với nhau. Đó là: Biểu lộ cảm xúc; hiểu cảm xúc và quản lý cảm xúc.

“Ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ em đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong các tình huống xã hội và giao tiếp không lời (cười, khóc, ôm, hờn dỗi). Khi quá trình phát triển nhận thức tiến triển và bộ não cảm xúc trưởng thành, trẻ có thể nhận ra cảm xúc của chính mình và người khác. Sự nhận biết và hiểu biết về cảm xúc này cho phép trẻ em kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của mình. Từ đó, đối phó với các tình huống xung đột hoặc phức tạp”, bà Thúy Trinh giải thích.

So với những trẻ gặp vấn đề về phát triển cảm xúc, trẻ có trí tuệ cảm xúc phát triển hơn có khả năng đồng cảm và quan tâm đến người khác, thể hiện cảm xúc phù hợp. Những trẻ này cũng sẽ được khuyến khích trong học tập và thích nghi để làm như vậy khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Tất cả các kỹ năng xã hội này sẽ hỗ trợ trẻ để học tập thành công trong những năm đầu tiên ở trường. Đồng thời, góp phần xây dựng các mối quan hệ tích cực giữa trẻ với bạn bè và người lớn.

“Cảm xúc xuất hiện từng đợt. Những cảm xúc chính (sợ hãi, tức giận, buồn bã, ghê tởm, vui sướng...) liên quan đến năm đầu tiên của cuộc đời. Trong khi đó, những cảm xúc thứ cấp (bối rối, tội lỗi, xấu hổ...) thường xuất hiện vào cuối năm thứ hai. Sự thể hiện về mặt tinh thần mà trẻ có được về bản thân được thu nhận vào khoảng hai tuổi. Các chuẩn mực, quy tắc và mục tiêu được những người xung quanh truyền đạt sẽ mở đường cho những cảm xúc nội tâm, như sự bối rối”, chuyên gia này cho biết.

Vì vậy, cảm xúc đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tâm thần trong thời thơ ấu. Những đứa trẻ từng trải qua trải nghiệm xã hội tiêu cực, như bị ngược đãi hoặc bất an, thường tỏ ra cảnh giác khi bị đe dọa. Vì vậy, trẻ sẽ có những hành vi lo lắng, hung hăng và sợ hãi để bảo vệ mình.

“Để hỗ trợ phát triển năng lực cảm xúc của trẻ, các chuyên gia khuyến khích bắt chước biểu hiện cảm xúc khác nhau. Búp bê, con rối, trò chơi và bất kỳ phương tiện mô tả cảm xúc, biểu cảm nào cũng đều có thể được sử dụng làm công cụ giao tiếp và đối thoại tuyệt vời. Bắt chước những cảm xúc này giúp dạy trẻ cách xác định từng cảm xúc. Đồng thời, giúp trẻ dễ dàng xây dựng các mối quan hệ tích cực và lành mạnh”, bà Thuý Trinh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.