Kịch kinh dị: Hướng đi mới cho sân khấu kịch

Kịch kinh dị: Hướng đi mới cho sân khấu kịch
Kịch kinh dị: Hướng đi mới cho sân khấu kịch ảnh 1
Vở kịch: Thứ 6 ngày 13

(GD&TĐ) - Nếu như trong điện ảnh hay văn học, đề tài kinh dị không còn xa lạ thì trên sân khấu kịch Việt, đây vẫn là sự thử nghiệm. Đã có lúc, các nhà hát rầm rộ dựng kịch kinh dị, khán giả vì tò mò cũng tìm đến sân khấu đông hơn. Thế nhưng để chế biến món ăn tinh thần này mới lạ, hấp dẫn lại không hề dễ dàng trong bối cảnh nghệ thuật sân khấu rơi vào bế tắc.

Nóng sân khấu

Nói tới kịch kinh dị trên sân khấu Việt, có lẽ sân khấu Phú Nhuận - TPHCM là đơn vị thành công với thể loại này hơn cả. Với hơn hàng chục vở kịch kinh dị, sân khấu Phú Nhận đã từng thu hút khán giả từ vở kịch kinh dị đầu tiên như Người vợ ma và sau đó là hàng loạt vở: Người vợ ma 2, Quả tim máu, Căn hộ 404, Giếng lạ, Sám hối, Oan gia...

Hàng loạt sân khấu phía Nam cũng không chịu đứng ngoài cuộc đã tung hàng loạt vở kịch kinh dị lên sân khấu chiều lòng khán giả. Lần lượt từ Quỷ ám, Hồn ma báo oán, Người điên trong ngôi mộ cổ; Tử thi không đầu; Ngôi trường số 13; Yêu em từ cõi chết, Họa hồn...  đã ra mắt khán giả.

Thế nhưng, trong khi thể loại kịch kinh dị đến với khán giả phía Nam không còn quá xa lạ hay dè dặt thì sân khấu phía Bắc lại đưa lên sàn diễn thể loại này đầy thận trọng và dường như vẫn mang tính thăm dò thị hiếu. Tiên phong có thể kể tới Nhà hát Tuổi trẻ đã từng cho ra mắt khán giả vở diễn Quỷ nhập tràng.

Sau đó có Quỷ ám của đoàn nghệ thuật Sao Việt thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Có thể nói, những tín hiệu ban đầu cho thấy, thể loại kịch kinh dị dẫu xuất hiện trên sân khấu miền Bắc không nhiều song khán giả khá hứng thú. Đây cũng trở thành cú hích, hướng đi mới cho một số sân khấu kịch khi chọn đề tài để kéo khán giả vào xem.

Tuy nhiên, để kịch kinh dị thành công và trụ vững được trên sân khấu không phải là điều đơn giản. Kinh nghiệm thực tế từ các ông bà “bầu” ngành sân khấu cho thấy, kịch kinh dị để hút được khán giả không phải chỉ nhờ vào cách hù dọa, nhát ma... mà phải làm sao cho những căng thẳng, kịch tính chuyển tải thông điệp mang tính nhân văn, cảnh tỉnh người xem trước một vấn nạn.

Mặt khác, cũng như bất kỳ thể loại chính kịch, hay hài kịch, để kịch kinh dị cuốn hút khán giả không hề đơn giản. Bên cạnh một kịch bản tốt, vở diễn tốt còn đòi hỏi kết hợp tài năng diễn xuất của diễn viên, các mảng miếng độc đáo của đạo diễn, đặc biệt là hiệu ứng của kỹ thuật sân khấu.

Sự xuất hiện một cách ào ạt, thiếu đầu tư về chất lượng của thể loại kịch này trên các sân khấu đã tạo cho khán giả cảm giác nhàm chán và tiếp nhận dè dặt hơn.

Chính vì vậy, các nhà hát mặc dù tiếp tục khai thác dàn dựng thể loại kịch này song gặp không ít khó khăn. Khán giả không chỉ đòi hỏi một xu hướng sân khấu mới lạ, bên cạnh sự run sợ vẫn phải ngẫm nghĩ và lắng đọng về một điều gì đó mà vở kịch chuyển tải.
    
Hướng đi mới cho sân khấu

Kịch kinh dị - Hướng đi mới cho sân khấu kịch
Kịch kinh dị - Hướng đi mới cho sân khấu kịch

Ngay khi kịch kinh dị đang làm nóng sân khấu, không ít đạo diễn đã thẳng thắn nhận xét: Sự tràn lan của kịch kinh dị là một tín hiệu đáng buồn về mặt nghề nghiệp.

Điều này được chứng minh khi các sân khấu đã không thể dàn dựng các thể loại khác đủ sức hấp dẫn người xem, nên buộc họ phải tập trung khai thác tâm lý tò mò sợ hãi của kịch kinh dị. Nếu kéo dài, sân khấu sẽ ngày càng ít các vở diễn hay và đậm chất nghệ thuật.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lại đánh giá tích cực với lập luận: Kịch kinh dị luôn mang đến cho khán giả những cảm giác thực. Ví như kẻ giết người, tiếng hét đầy sợ hãi của người bị sát hại, hình ảnh con ma đang tiến lại gần...

Tất cả những cảm giác đó làm cho khán giả cảm thấy lạnh người. Cảm giác này thật khác so với khi xem phim kinh dị. Có lẽ người ta sẽ không thể cảm nhận một bộ phim bằng cả 5 giác quan, nó đơn thuần chỉ là những hình ảnh - những hình ảnh mà người xem chỉ có thể nhìn thấy. Nhưng những vở kịch kinh dị lại mang đến cảm giác thực nhất.

Khi xem kịch kinh dị, mặc dù phải che mắt hay bịt tai lại vì sợ nhưng khán giả vẫn muốn được trực tiếp cảm nhận những cảm giác thật mà vở kịch đem lại cho họ.

Thông qua những vở kịch kinh dị, khán giả sẽ có được cảm giác rùng rợn thực sự - thứ cảm giác mà họ không thể có được trong đời thường. Chính nhờ sự hấp dẫn này mà kịch kinh dị thu hút nhiều khán giả.

Không ít khán giả trẻ sau khi xem Quỷ nhập tràng của Nhà hát Tuổi trẻ đã cảm nhận: Những hình ảnh trong vở kịch thực sự hiện ra trước mắt và tiến gần về phía mình. Kịch kinh dị hấp dẫn và sợ hơn những bộ phim kinh dị đến 2 - 3 lần.

Khoảng cách giữa sân khấu và khán giả trở nên gần hơn. Khán giả như được tham gia trực tiếp, được chứng kiến câu chuyện từ đầu tới cuối. Cảm giác thật đến nỗi, mặc dù khán giả đã ngồi sát bên nhau và không có chỗ nào để trốn nhưng mỗi lần chuyển đổi màn kịch, khán giả lại như cố tìm một khoảng không gian để giấu mình, như lo sợ một cái gì đó lại bất ngờ xảy ra.

Với kịch kinh dị, khán giả dù rất sợ nhưng vẫn tìm đến những điều kinh dị. Nhiều khi nhưng khán giả cảm thấy sợ nhưng vẫn không cưỡng nổi sức hút của kịch kinh dị.

Dưới những góc độ nhìn nhận khác nhau của người làm nghệ thuật thì kịch kinh dị sẽ có những hạn chế và tích cực khác nhau.

Tuy nhiên, xét trên phương diện xã hội thì kịch kinh dị cũng là một trong những loại hình nghệ thuật khác. Cần có sự đổi mới, tạo ra cái lạ, hấp dẫn, gần gũi công chúng thì mới có thể thu hút và tồn tại. Vì vậy, kịch kinh dị cũng có thể làm một hướng đi mới cho các nhà hát.

Và về cơ bản thì trong xã hội luôn tồn tại cái thiện và cái ác. Điều đó đã được thể hiện qua nhiều hình thức nghệ thuật như phim ảnh hay văn học nghệ thuật... Việc xây dựng thể loại kịch kinh dị có lẽ cũng không có gì quá phải lo lắng.

Chỉ có điều, chúng ta xây dựng chế biến các vở kịch kinh dị ra sao để dung hòa được cả yếu tố nghệ thuật lẫn yếu tố thu hút khán giả, để khi xem xong một vở kịch kinh dị, điều cuối cùng khán giả đọng lại không phải là sự sợ hãi mà phải là điều gì đáng suy ngẫm sau sự sợ hãi đó.

Khác với phim kinh dị, kịch kinh dị cho khán giả những cảm giác thật nhất. Có thể trước khi xem kịch kinh dị khán giả cảm thấy sợ hãi nhưng khi xem xong những vở kịch kinh dị, sẽ cảm thấy yếu tố kinh dị không đáng sợ nữa. Ẩn sau những phút giây tưởng như ngạt thở, phải nhắm mắt bịt tai thì khán giả vẫn cảm nhận được những giá trị, thông điệp nhân văn mà vở kịch muốn truyền tới khán giả.

Ngọc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ