Các câu hỏi cũng như các câu trả lời của HS sẽ giúp hoàn thiện và củng cố kiến thức của các em và cho giáo viên (GV) thấy được các em đã nắm bắt vấn đề như thế nào. Kĩ thuật này giúp phát triển khả năng tư duy lôgic, khái quát hoá, thuyết trình và giao tiếp.
Sử dụng linh hoạt kĩ thuật trình bày trong một phút
Đưa ra những nhận định trên, TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Có thể linh hoạt sử dụng kĩ thuật này ở nhiều thời điểm khác nhau, cụ thể:
Trong nhóm hoạt động khởi động: HS trình bày về điều đã biết để kiểm tra mức độ nhớ, hiểu kiến thức cũ, đồng thời gắn với nội dung bài học mới;
Trong nhóm hoạt động hình thành kiến thức mới: để biết mức độ nắm bắt vấn đề vừa tiếp cận;
Trong nhóm hoạt động luyện tập: để biết mức độ hiểu vấn đề;
Trong các nhóm hoạt động vận dụng và hoạt động tìm tòi mở rộng: để biết mức độ vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống.
Chuẩn bị của giáo viên
Với kĩ thuật trình bày trong một phút, theo TS Nguyễn Vinh Hiển, GV cần nghiên cứu mục tiêu và nội dung bài học, lựa chọn nội dung cần cho HS thực hiện kĩ thuật này và thực hiện ở hoạt động nào trong bài.
Cùng với đó, giáo viên cần cụ thể hóa đầu ra của mục tiêu, nếu mục tiêu nào trong sách giáo viên chưa rõ hoặc chưa cụ thể; dự kiến thời gian tối đa dành cho việc thực hiện kỹ thuật này; hình dung mức độ đáp ứng vấn đề được nói tới; dự kiến tình huống HS đánh giá, nhận xét hay tranh luận, phản hồi về vấn đề.
Tiến hành trên lớp
TS Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Đối với mỗi nội dung/vấn đề, SGK mô hình hoạt động thường yêu cầu HS trả lời câu hỏi hoặc quan sát, thí nghiệm để rút ra kiến thức hay giải quyết được vấn đề.
Mỗi hoạt động học thường trải qua 4 hành động: Tiếp nhận nhiệm vụ - Học cá nhân - Trao đổi kết quả học với bạn, với thầy - Hoàn thiện sản phẩm học. Như vậy kĩ thuật trình bày trong một phút được thực hiện ở hành động thứ 3 vừa nêu.
Giao nhiệm vụ: GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi trong SGK hoặc câu hỏi của GV về nội dung/vấn đề cần kiểm tra, đánh giá.
Chuẩn bị cá nhân: Từng HS chuẩn bị ý kiến tóm tắt
HS trình bày trước lớp (hoặc trước nhóm) trong thời gian 1 phút về những điều các em đã học được và những câu hỏi các em muốn được giải đáp hay những vấn đề các em muốn được tiếp tục tìm hiểu.
Thảo luận, thống nhất ý kiến: GV cho HS góp ý phần trình bày hoặc chia sẻ những câu hỏi HS đặt ra. Nếu có HS nói đúng thì GV khích lệ động viên; nếu HS nói chưa đúng thì GV gợi mở, giúp đỡ và chính xác hóa kiến thức.
Nếu muốn quan tâm hơn, GV có thể đưa ra thêm một số câu hỏi, ví dụ: Em cho rằng đâu là vấn đề cốt lõi? Em có thể cho một ví dụ không? Em có thể nói thêm nữa về điểm này không? Điều quan trọng nhất các em học được hôm nay là gì? Còn vấn đề gì em cảm thấy chưa thật rõ?... Cuối cùng GV nêu ý kiến kết luận.
Một số lưu ý
Với kí thuật này TS Nguyễn Vinh Hiển lưu ý: Câu hỏi của GV không nên đề cập đến nhiều vấn đề, tránh việc trình bày của HS bị phân tán, dài dòng, thiếu tập trung.
Bên cạnh đó, cần khích lệ HS khi trình bày để HS tự tin, hứng thú. Chỉ đạo HS lắng nghe và chia sẻ sản phẩm của bạn về cả nội dung và cách thức trình bày.
Mỗi HS chỉ trình bày trong thời gian một phút; không nên cho nhiều HS trình bày cùng một nội dung để tránh mất thời gian cho những hoạt động khác.