Những hiệu ứng tích cực từ Mô hình Trường học mới

GD&TĐ - Mô hình Trường học mới đã thể hiện những ưu điểm đó là học sinh hoạt bát, nhanh nhẹn, chững chạc, năng động... Đây là kết quả của việc đổi mới phương pháp tổ chức dạy học chuyển từ phương thức truyền thụ kiến thức sang phương thức đánh giá, hỗ trợ, phát triển năng lực để học sinh tiến tới học tập suốt đời. 

Những hiệu ứng tích cực từ Mô hình Trường học mới

Tại tỉnh Điện Biên, việc áp dụng Mô hình VNEN đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cô và trò và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Hướng tới việc dạy - học tích cực

Với tỉnh Điện Biên, năm 2016 ngoài 68 trường tiểu học tham gia Dự án, đã có 55 trường nhân rộng toàn phần Mô hình Trường học mới (đạt 70,2%), đặc biệt 100% các trường tiểu học trong toàn tỉnh áp dụng nội dung tổ chức lớp học theo Mô hình Trường học mới. Đa số giáo viên biết vận dụng sáng tạo trong việc sử dụng tài liệu dạy học, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học một cách triệt để hơn, hiểu và thành thạo với phương pháp dạy học mới; biết chuyển từ hoạt động dạy học là chủ yếu sang tổ chức cho học sinh tự học, tự chiếm lĩnh tri thức theo tài liệu hướng dẫn học và dưới hình thức học cá nhân, học theo cặp và học theo nhóm.

Ông Đào Thái Lai, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Với Mô hình Trường học mới, việc học theo nhóm được triển khai linh hoạt, phù hợp, học sinh được trao đổi, thảo luận với bạn dưới sự trợ giúp của giáo viên khi cần thiết. Bằng cách học này học sinh được rèn luyện nhiều hơn về kỹ năng nghe, nói; kỹ năng đánh giá và tự đánh giá; kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, cộng tác và giúp đỡ bạn cùng tiến bộ thay cho việc các em chỉ nghe một chiều dưới sự hướng dẫn, giảng giải của giáo viên như trước đây.

Đặc biệt, với tỉnh Điện Biên số lượng học sinh dân tộc chiếm tỷ lệ cao, đổi mới phương pháp dạy học theo Mô hình VNEN tạo cơ hội cho các em có điều kiện tự học trong nhóm, học sinh có thể tự hỗ trợ nhau trong quá trình tiếp thu bài học. Trong việc rèn đọc, học sinh được luyện đọc nhiều hơn, do đó chất lượng đọc ngày càng được nâng lên.

Giáo viên giảng dạy theo Mô hình VNEN hạn chế được việc giảng giải, thuyết trình, chủ yếu tập trung vào quan sát, tổ chức, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy quá trình học tập của học sinh; quan tâm, hỗ trợ được nhiều hơn đối với học sinh yếu để các em có thể tiến kịp các bạn khác. Tuy nhiên, chất lượng học tập theo mô hình mới phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của đội ngũ giáo viên, do đó việc duy trì sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường thường xuyên và có hiệu quả chính là một giải pháp cần được các nhà trường quan tâm đầu tư nhằm nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, giúp các thầy cô tự tin hơn trong các hoạt động của quá trình dạy học.

Theo ông Đào Thái Lai, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, ngoài phương pháp học, tổ chức lớp học theo Mô hình VNEN tạo môi trường học tập mới mẻ, gần gũi. Quản lý và điều hành lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh” được các em bầu ra khi bắt đầu bước vào năm học nhằm phát huy vai trò của các thành viên trong Hội đồng tự quản lớp, đội ngũ nhóm trưởng trong các hoạt động thực hiện luân phiên để nhiều học sinh trong lớp có cơ hội thể hiện bản thân, học sinh được hợp tác với tất cả các bạn trong lớp.

Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong môi trường giáo dục, được rèn luyện các kỹ năng quản lý, bao quát, lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động của lớp. Bên cạnh đó, các hoạt động khởi động đầu giờ, hoạt động ngoài giờ, đi thực tế là những hoạt động trải nghiệm đầy thú vị và sáng tạo. Giai đoạn này có khả năng và điều kiện tốt nhất để phát triển các kỹ năng giao tiếp, hợp tác, diễn đạt, tính tự tin, chủ động, nhân ái... cho học sinh.

Sự đồng thuận từ nhiều phía

Là một trường tham gia áp dụng tổ chức dạy học theo Mô hình Trường học mới, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Bế Văn Đàn thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) đã xác định: Để thực hiện thành công mô hình này, ngoài sự nỗ lực của cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên rất cần sự đồng thuận từ phía phụ huynh và sự tham gia của cộng đồng trong mọi hoạt động giáo dục của nhà trường.

Bà Trần Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn chia sẻ: Sau khi được Phòng GD&ĐT thành phố Điện Biên Phủ triển khai tập huấn, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn lại cho giáo viên, tạo điều kiện cho các thầy cô được dự giờ, tham quan tìm hiểu thực tế các đơn vị đã tổ chức thành công Mô hình Trường học mới. Trước mỗi tiết học, giáo viên chuẩn bị bài, bổ sung kiến thức nâng cao để kịp thời bồi dưỡng học sinh mũi nhọn cho lớp, cho trường.

Cùng với việc chú trọng quản lý, bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học theo Mô hình Trường học mới cho đội ngũ giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường còn đặc biệt chú trọng huy động cộng đồng cùng tham gia hỗ trợ để nâng cao chất lượng dạy và học theo Mô hình Trường học mới nói riêng, công tác giáo dục toàn diện học sinh nói chung. Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phường Thanh Bình như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Khuyến học và Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Tại cuộc họp, nhà trường đã triển khai các văn bản của cấp trên về thực hiện Mô hình Trường học mới Việt Nam, khái quát nhiều điểm tích cực và chỉ ra sự cần thiết áp dụng Mô hình Trường học mới trong trường tiểu học. Nhà trường cũng đã giới thiệu một số đơn vị trường học ở huyện Điện Biên đã triển khai có hiệu quả mô hình này, đồng thời đề ra kế hoạch tổ chức thực hiện của nhà trường nhằm tranh thủ ý kiến chỉ đạo và sự đồng thuận của cấp ủy và chính quyền địa phương cũng như các lực lượng xã hội trên địa bàn.

Có con được học tập, trải nghiệm Mô hình Trường học VNEN, ông Lò Văn Phúc - Đại diện Hội cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Xuân Lao, huyện Mường Ảng - cho biết: “Hội cha mẹ của trường rất tin tưởng vào việc đổi mới phương pháp theo Mô hình Trường học mới.

Bởi với mô hình này con em chúng tôi không bị gò bó trong các hoạt động học tập, các cháu lại được hỗ trợ ăn trưa tại một số điểm trường, việc làm đó phần nào giảm bớt gánh nặng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong bản. Chúng tôi lại được cùng nhà trường tham gia vào việc đánh giá quá trình học tập của con mình. Chúng tôi cảm ơn Bộ GD&ĐT, Dự án Mô hình Trường học mới đã quan tâm tạo điều kiện cho con em chúng tôi có một môi trường học tập gần gũi, thân thiện, năng động và sáng tạo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.