Giáo viên (GV) có thể tổ chức trò chơi để đạt các mục đích học tập khác nhau. Ví dụ: Trò chơi được tổ chức đầu giờ thường là trò chơi khởi động, để gây hứng thú, tạo không khí học tập, để ôn kiến thức cũ, gây tính tò mò để dẫn dắt vào hoạt động tìm tòi kiến thức mới; trò chơi tổ chức cuối tiết học là để củng cố kiến thức cơ bản trong bài, giúp học sinh (HS) khắc sâu, nhớ lâu, vận dụng kiến thức…
Trò chơi học tập thường có tác dụng làm cho hoạt động học trở nên nhẹ nhàng, hứng thú với HS, giúp rèn luyện sự mạnh dạn tự tin, tinh thần đoàn kết, tính đồng đội, kĩ năng tương tác giữa HS - HS - GV, kĩ năng phản xạ, tư duy nhanh,...
Với quan điểm này, TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - chia sẻ những lưu ý giúp giáo viên thực hiện hiệu quả kĩ thuật trò chơi trong nhóm hoạt động khởi động của bài học mới.
Công việc chuẩn bị của giáo viên
Giáo viên cần nghiên cứu mục tiêu và nội dung bài học để lựa chọn trò chơi phù hợp với mục đích chủ yếu là để chuyển tâm lí HS từ hoạt động chơi sang hoạt động học hay là để kiểm tra kiến thức cũ, gây sự tò mò, định hướng vào nội dung bài học mới.
Trao đổi với Hội đồng tự quản (HĐTQ) để biết liệu HS có thích thú khi được chơi trò đó không? Trò chơi này có phù hợp với môn học không? Gợi ý để HĐTQ suy nghĩ và trả lời về sự phù hợp của trò chơi với bài học mới? HĐTQ đề xuất chọn trò chơi khác (nếu có thể).
Hình dung hoạt động khởi động sẽ diễn ra trên lớp; việc kết nối sau trò chơi vào bài học như thế nào, dự kiến hệ thống câu hỏi liên quan từ trò chơi tới bài học; dự kiến các tình huống sẽ xảy ra và kết quả sẽ đạt được qua trò chơi.
Hướng dẫn cụ thể cho HĐTQ về luật chơi, hình thức tổ chức, cách thức bắt đầu, xử lí tình huống, kết nối bài học ra sao. Chọn 1 HS trong HĐTQ đứng ra tổ chức/ điều khiển trò chơi.
Chuẩn bị các đồ dùng cần thiết: Tùy thuộc vào mỗi trò chơi mà GV cùng HS chuẩn bị cụ thể, có thể là phiếu học tập, các con số, bức tranh bí ẩn, các dòng chữ viết chưa đủ ý, hệ thống các câu hỏi,…
Tiến hành trên lớp
Người điều khiển nêu tên trò chơi, phổ biến luật chơi, bảo đảm tất cả HS đã hiểu rõ luật chơi. HS có thể đề xuất trò chơi khác mà cả lớp đã biết luật chơi và phù hợp hơn với nội dung bài học để tập thể lớp và GV cân nhắc, quyết định.
Tập thể HS đề xuất và người điều khiển quyết định người làm trọng tài (là GV, HS hoặc GV phối hợp với HS). Cả lớp tham gia trò chơi.
Đánh giá, nhận xét kết quả các tập thể, cá nhân tham gia trò chơi. Tuỳ theo tính chất của trò chơi mà trọng tài có thể mời tập thể/cá nhân tự nhận xét hoặc nhận xét người khác và trọng tài đưa ra nhận xét đánh giá cuối cùng hoặc trọng tài trực tiếp nhận xét đánh giá.
HS được phát biểu cảm tưởng, nêu các đề xuất, kiến nghị (nếu có). Sau đó, kết nối vào bài học.
Một số kinh nghiệm
Theo TS Nguyễn Vinh Hiển, mặc dù trò chơi học tập có tác dụng rất lớn nhưng SGK thường không có nhiều hướng dẫn hoạt động này trong bài học. Do đó GV cần thường xuyên sưu tầm và khuyến khích HS cùng sưu tầm hoặc tự biên soạn các trò chơi gắn kết với nội dung học tập, phù hợp đối tượng, điều kiện cụ thể.
Việc thường xuyên tổ chức cho HS tham gia các trò chơi trong các hoạt động tập thể sẽ có tác dụng giúp cho việc tổ chức trò chơi trên lớp được thuận tiện, dễ dàng.
Trong các trò chơi, GV chỉ nên là người hướng dẫn còn HS là người điều hành và thực hiện để phát huy tính chủ động, tự quản của các em. GV cần quan tâm tới việc tạo tâm thế cho HS trước khi chơi và khuyến khích HS sáng tạo trong khi chơi để tất cả HS đều tham gia chơi hết mình.
GV cần chú ý phát hiện, bồi dưỡng kĩ năng điều hành tổ chức trò chơi cho HĐTQ và những HS có năng khiếu trong cả quá trình dạy học.