Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011 thành công toàn diện

Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011 thành công toàn diện

(GD&TĐ)- Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011 diễn ra trên phạm vi toàn nghiêm túc, đúng quy chế, giữ ổn định và an toàn, đảm bảo cho kết quả thi thực sự khách quan, phản ánh đúng chất lượng dạy-học, tác động tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu GD.

>>>Ngày làm thủ tục thi diễn ra thuận lợi

>>>Ngày đầu "ra quân" hứa hẹn thành công lớn

>>>Bước vào ngày thi thứ hai đầy hứng khởi

>>>Ghi nhận nhiều thành công ở ngày thi thứ 2

>>>Kết thúc môn thi cuối cùng tốt đẹp

Chiều nay 4/6, ngay sau khi môn thi cuối cùng của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011 kết thúc, Ban chỉ đạo kì thi đã tổ chức họp báo rộng rãi thông báo kết quả kì thi. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì cuộc họp báo.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì buổi họp báo chiều nay 4/6. Ảnh, gdtd.vn
 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì buổi họp báo chiều nay 4/6. Ảnh, gdtd.vn

Trình bày báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục-Bộ GD-ĐT Bùi Anh Tuấn- -Phó BCĐ kì thi TN THPT 2011 cho biết, công tác chuẩn bị cho kì thi này được Bộ GD-ĐT triển khai ngay từ đầu năm học này. Cụ thể Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện kế hoạch thời gian năm học, đẩy mạnh đổi mới PPDH, nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc nhằm khắc phục những bất cập của kì thi trước, ... để có được kì thi năm nay nghiêm túc hiệu quả, đúng quy chế. 

Cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thi, hướng dẫn ôn tập cho học sinh, tiếp tục hoàn thiện phần mềm quản lý thi để thống nhất sử dụng trên phạm vi toàn quốc, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ, giáo viên; đồng thời, yêu cầu các ĐH-CĐ, các học viện, xây dựng phương án, chuẩn bị các điều kiện để huy động cán bộ giảng viên tham gia các đoàn thanh tra của Bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát các khâu của kỳ thi tại các địa phương. 

Các Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thi, đề ra các giải pháp thực tế và khả thi, thống nhất quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 tại địa phương đúng kế hoạch, đúng quy chế. Các phương án tổ chức coi thi, chấm thi,... được xây dựng sát thực tế và có tính khả thi cao. 

Trên thực tế, công tác tổ chức thi đã được chuẩn bị chu đáo. Ở tất cả các địa phương, điều kiện CSVC phục vụ cho công tác này đều được đáp ứng, các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn được triển khai; các phương án dự phòng được xây dựng để ứng phó kịp thời với các tình huống bất thường...

Song song với đó là kế hoạch huy động các nhà trường, phối hợp với các lực lượng xã hội và phụ huynh HS đảm bảo an toàn về đi lại, đề phòng tai nạn giao thông, đáp ứng việc ăn, nghỉ, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm cho thí sinh đã được tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện, tạo điều kiện tối đa cho TS dự thi. 

Quy trình soạn thảo và sao in, vận chuyển đề thi đến các phòng thi được thực hiện đúng kế hoạch và tuyệt đối an toàn, bí mật, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu, đề thi các môn thi có nội dung chính xác, khoa học, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, đáp ứng yêu cầu kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức đồng thời phân hoá được trình độ của các đối tượng dự thi. Đặc biệt, đề thi môn Ngữ văn được dư luận đánh giá cao về việc tiếp tục ra theo hướng mở. 

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập cần khắc phục trong quá trình tổ chức thi. Vẫn còn tình trạng nhiễu thông tin về đề thi trong dư luận xã hội ở một số địa phương, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, một số CBGV còn hạn chế nghiệp vụ, có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu sâu sát trong khi thực hiện nhiệm vụ coi thi dẫn tới việc 08 giám thị vi phạm quy chế thi ở các địa phương Bà Rịa- Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, Đắk Nông và Bình Phước; trong đó có 04 người bị đình chỉ công tác coi thi và 04 người bị cảnh cáo. Tại một số HĐCT ở một vài địa phương, vẫn còn hiện tượng thí sinh mang “phao thi” đến trường thi. Cá biệt, vẫn còn 01 trường hợp TS nhờ người thi hộ trong buổi thi môn Ngữ văn (tuy đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời) ở HĐCT Trung tâm Hướng nghiệp-GDTX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Có thể khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội, được tổ chức đúng kế hoạch, đúng quy chế, và diễn ra an toàn, nghiêm túc, tiếp tục xác lập những tiền đề cơ bản cho việc triển khai thực hiện chủ trương đổi mới thi và tuyển sinh của ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Công tác coi thi tiếp tục chuyển biến, tiến bộ. Tỷ lệ thí sinh dự thi so với tổng số đăng ký thi đạt  99,64 tăng 0,17 % so với kỳ thi năm 2010 (99,47%,); trong đó ở GD THPT đạt 99,81%, ở GD Thường xuyên đạt 98,46%. Tỷ lệ này là một minh chứng rõ rệt cho nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo thi cũng như hiệu quả tích cực của việc phối hợp tổ chức thi.

Trên phạm vi toàn quốc, số thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi là 45, giảm 45 trường hợp so với  kỳ thi năm 2010 (90 trường hợp). Việc trực thi và thực hiện chế độ báo cáo tiếp tục có chuyển biến tiến bộ ở mỗi địa phương và trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo cập nhật thường xuyên, liên tục, đầy đủ và chính xác thông tin, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả  của công tác chỉ đạo, quản lý tổ chức thi.  

Bộ GD-ĐT cho biết, trong kì thi TN THPT năm 2011, Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1,051,455 TS. Tổng số TS thực dự thi là 1,047,654, 3,801 bỏ thi. Tỉ lệ thí sinh bỏ thi so với đăng ký 0.36 %. 

Số thí sinh bỏ thi vì các lí do khác 2,460; Số lượt TS GDTX không thi vì có điểm bảo lưu 12,218; 45 TS vi phạm quy chế thi, bị đình chỉ thi 45; 8 giám thị vi phạm quy chế thi, 4 GT bị đình chỉ công tác thi, 4 GT bị cảnh cáo.

Số TS bị tai nạn giao thông không thể dự thi 103; Số TS bị ốm không thể dự thi, 1,203. 

Báo giới đặt câu hỏi cho Ban chỉ đạo thi TN THPT năm 2011. Ảnh, gdtd.vn
 Báo giới đặt câu hỏi cho Ban chỉ đạo thi TN THPT năm 2011. Ảnh, gdtd.vn

Trong khuôn khổ họp báo, các ý kiến của báo giới tập trung vào các vấn đề như hiện tượng nhiễu thông tin lộ đề tại Thanh Hóa, công tác phối kết hợp bảo mật in sao đề tại Hải Phòng còn có sơ suất, số lượng Thanh tra kì thi...

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, không có chuyện lộ đề thi tại bất cứ địa phương nào, HĐCT nào trên phạm vi toàn quốc. Nếu đủ căn cứ là đề thi của kì thi năm nay bị lộ tại địa phương nào, thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc vì đây là kì thi quốc gia nên bí mật đề thi là bí mật quốc gia. Cho đến nay tin nhắn lộ đề và hiện tượng nhiễu đề thi không đủ điều kiện để cơ quan này vào cuộc.

Thứ trưởng khẳng định thêm, công tác chuẩn bị cho kì thi đã được Bộ GD-ĐT hết sức kĩ lưỡng, trong đó có công tác tổ chức in sao đề, vận chuyển đề thi. Bên cạnh đó, còn có 63 đoàn Thanh tra in sao đề thi, coi thi của các trường ĐH do Bộ trực tiếp ủy quyền và điều động đã hoạt động hết sức có trách nhiệm.

Về công tác thanh tra, trả lời báo giới, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Lê Quang Hưởng-Phó BCĐ kì thi TN cho biết, Lực lượng thanh tra thi TN năm nay ở các địa phương nhiều hơn năm ngoái, đơn cử như Hà Nội năm nay có 15 CB Thanh tra (năm 2010 chỉ có 10). Bên cạnh đó còn có 02 đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi PT Trung ương năm 2011 và 09 đoàn thanh tra công tác chuẩn bị thi, in sao đề thi, coi thi và chấm thi và 63 đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ. Các đoàn kiểm tra, thanh tra đã phát hiện và kiến nghị các địa phương, đơn vị kịp thời khắc phục những thiếu sót, hạn chế, bất cập. 

Nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang... có nhiều cố gắng trong việc tổ chức các hội đồng coi thi theo cụm. Các địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa hình chia cắt, giao thông không thuận tiện như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Thuận, Thừa Thiên –Huế đã triển khai các giải pháp tích cực trong việc bố trí phương tiện đi lại, nơi ăn nghỉ hợp lí và hỗ trợ tiền ăn cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia thi cụm. 
Bộ GD-ĐT đã kịp thời biểu dương các điển hình tiêu biểu: Tỉnh Hội Chữ thập đỏ Thừa Thiên-Huế phối hợp với Sở GDĐT huy động đóng góp được khoảng 1.000 suất ăn trưa dành cho thí sinh 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và thí sinh một số trường vùng sâu, xa đến dự thi tại Huế trong các ngày thi; Ban chỉ đạo thi tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các ban ngành phối hợp với sở GDĐT đưa toàn bộ 305 thí sinh ở đảo Phú Quý về Phan Thiết an toàn và bố trí các điều kiện hỗ trợ để các em dự thi tốt nghiệp; UBND tỉnh Lạng Sơn, Gia Lai quyết định hỗ trợ một phần kinh phí cho các thí sinh dân tộc thiểu số, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi; UBND tỉnh Nghệ An ra chỉ thị hạn chế tối đa việc tổ chức Hội nghị cấp tỉnh trong các ngày thi để huy động các lực lượng hỗ trợ cho công tác tổ chức thi; UBND Thành phố Hồ Chí Minh huy động lực lượng thanh niên xung phong hỗ trợ đảm bảo an toàn cho vận chuyển đề thi đến các Hội đồng coi thi và bài thi từ các Hội đồng coi thi về sở giáo dục đào tạo trong các ngày thi, đồng thời chỉ đạo cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng thanh niên tình nguyện xây dựng phương án trực chốt tại các nút giao thông để đảm bảo an toàn, thông suốt trong các ngày thi; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội quyết định không cắt điện cao, trung, hạ thế toàn Thành phố trong thời gian tổ chức thi ở các địa điểm in sao đề thi, chấm thi, phúc khảo, đảm bảo điện phục vụ tổ chức thi an toàn. 
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ