Kì lạ lăng mộ cổ giữa lòng Hà Nội từng là nơi ở của nhiều hộ dân

Ít ai biết được rằng, ở sâu trong con phố Tây Sơn, có một khu Lăng mộ của hai cha con họ Hoàng đã tồn tại gần 100 năm nay.

Khu lăng mộ của ông Hoàng Cao Khải
Khu lăng mộ của ông Hoàng Cao Khải

Với kiến trúc đặc biệt độc đáo, khu lăng mộ này được coi là một di tích văn hóa. Tuy nhiên có một điều kì lạ là cách đây vài năm, nơi đây là "nhà" của nhiều gia đình với hàng chục người sinh sống. Họ đã sống rất nhiều năm ngay bên cạnh những chiếc quan tài đá...

Khu lăng mộ độc đáo

Theo như một số tài liệu cho biết, khu lăng mộ này là của hai cha con Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu. Ông Hoàng Cao Khải (1850-1933) tên thật là Hoàng Văn Khải quê làng Đông Thái (thuộc xã Tùng Ảnh, La Sơn - nay là Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 21 (1868).

Ông là nhà văn, nhà sử học và là đại thần dưới triều vua Thành Thái. Được bổ nhiệm làm huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm Tuần phủ Hưng Yên.

Khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, Hoàng Cao Khải cùng với Nguyễn Thân là hai người được Pháp rất tin dùng. Chính vì thế người đời coi ông là "tội nhân" lịch sử: "Hỏi ai bán nước buôn dân - Ấy Hoàng Cao Khải - Nguyễn Thân một phường".

Năm 1904, khi tỉnh Cầu Đơ đổi tên là Hà Đông, ông làm Tổng đốc tỉnh Hà Đông, giúp Thống sư Bắc Kỳ soạn Nghị định về tổ chức bộ máy cấp xã ở Bắc Kỳ. Về sau con trai ông là Hoàng Trọng Phu kế nhiệm ông làm Tổng đốc Hà Đông đến năm 1937.

Ông Hoàng Cao Khải về hưu ở ấp Thái Hà (huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội. Để chuẩn bị cho hậu sự của mình ông Hoàng Cao Khải đã vời thầy địa lý từ bên Tàu sang chọn đất đặt mộ cho mình. Thầy Tàu đã cắm mảnh đất ở ấp Thái Hà, nằm ở phía Tây gò Đống Đa, là chỗ đặt lăng mộ bây giờ.

Khu lăng mộ được xây dựng năm 1893 với đầy đủ yếu tố phong thủy với một hồ nước nhân tạo phía trước cửa lăng, theo lối lưng tựa núi, mặt nhìn sông.

Trước kia, ở phía sau lăng mộ còn có ngọn đồi Nghinh Phong (Đón Gió) cao 10m. Trên đỉnh đồi trước kia có Nghinh Phong Quán, một nơi để nghỉ ngơi và ngoạn cảnh. Từ chân đồi lên Nghinh Phong Quán có một lối đi gồm 133 bậc thang.

Hồ nước bây giờ vẫn còn trong ngõ 252 phố Tây Sơn là di tích của cuộc đào bới lấy đất đắp đồi. Nhưng bao năm mưa nắng mài mòn, rồi người ta đắp đất dựng nhà, nên giờ đồi Nghinh Phong chỉ còn thấp lè tè, cao hơn nhà dân một chút.

Lăng Hoàng Cao Khải được xây dựng theo kiểu chữ "Đinh", dài 8m, cao 6m, toàn bộ công trình đều bằng đá cẩm thạch trắng được chạm khắc tinh xảo.

Đá xây dựng lăng được chở về từ phủ Quốc Oai (Hà Tây cũ) và qua bàn tay chế tác của các hiệp thợ nổi tiếng quanh vùng núi An Hoạch (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Các cột, trụ, xà, bẩy, cửa võng, diềm, tường, nền đều bằng đá và được chạm trổ trau chuốt.

Khu lăng mộ có kiến trúc rất độc đáo, nhiều công trình tinh xảo được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt.

Họa tiết chủ yếu được chạm khắc trên đá là hoa sen, lá thông, đầu rồng đặc trưng của thời Nguyễn đầy uy lực. Sự hoàn mỹ và nét tinh xảo trong kiến trúc thể hiện rất rõ ở ngay những đường nét và góc cạnh nhỏ nhất.

Đôi rồng đá ngự trước cửa lăng dù đã bị thời gian xô lệch, hư hại nhiều chỗ nhưng vẫn giữ được được vẻ đẹp uy nghi của một tác phẩm nghệ thuật hiếm có ở đất kinh kỳ.

Bên phải lăng mộ của ông Hoàng Cao Khải, là lăng mộ của con trai, tức Hoàng Trọng Phu. Ông Phu từng du học bên Pháp, có bằng kỹ sư, sau đó về Việt Nam, được nhà Nguyễn giao cho chức Tổng đốc Hà Đông thay cha.

Ông Phu cũng xây dựng cho mình một ngôi mộ đá khổng lồ, to hơn mộ cha, to nhất miền Bắc hồi đầu thế kỷ 20. Vợ của ông Phu cũng được chôn cất tại đây.

Khu lăng Hoàng Cao Khải được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Bộ Văn hóa lúc đó đánh giá: "Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương...".

Năm 1945, khi nhà Nguyễn bị lật đổ thì con cháu ông Hoàng Cao Khải cũng lên tàu sang Pháp hết. Khu nghĩa trang nhà họ Hoàng từ đó bị bỏ hoang, lăng mộ đá khổng lồ của ông Khải và ông Phu cũng không có người trông nom, hương khói. Ngoài ra, vì cha con ông Khải đều theo Pháp, nên di tích của hai ông không được người dân tôn trọng, ít được chăm sóc.

Những người sống trong mộ

Theo như một số người dân sống xung quanh khu lăng mộ cho biết, cách đây khoảng 30 năm, khu vực này vẫn còn hoang vu, cây cối rậm rạp, ít người dám vào.

Sau nhiều năm phát triển, dân tứ xứ kéo về quây đất dựng nhà trên khu đất chẳng ai quản lý này. Khu nghĩa địa với hàng trăm ngôi mộ của nhà họ Hoàng cũng dần bị cắt xén, thậm chí có mộ còn bị xây nhà đè lên. Cho đến bây giờ vẫn có một số ngôi mộ nằm lọt trong nhà dân mà chỉ những người dân làng sống lâu năm ở đây mới nắm được.

Còn với khu mộ của hai cha con họ Hoàng, ngôi mộ lớn của người con từng bị một gia đình do nợ nần chồng chất nên phải bán nhà rồi chiếm dụng làm chỗ ở. Sau này con cái họ lớn lên, chia ra làm bốn hộ gia đình, tiếp tục sống trong khu mộ bên cạnh những chiếc quách đá khổng lồ.

Cách đây nhiều năm, chính quyền đã giải tỏa các hộ dân nơi đây và có đền bù thỏa đáng, sau đó còn hỗ trợ họ được mua nhà chung cư cho người thu nhập thấp để có thể ổn định cuộc sống.

Còn về phần lăng mộ này sau đó được dọn dẹp sạch sẽ để giữ gìn di tích văn hóa. Khu mộ của ông Hoàng Trọng Phu trước đây cũng từng có người ở hàng chục năm, khi đông nhất lên đến 3 hộ gia đình với 12 người. Nay khu mộ này được tận dụng làm nơi khai báo nhân khẩu của địa phương.

Ki la lang mo co giua long Ha Noi tung la noi o cua nhieu ho dan - Anh 2

Chiếc quách đá bên trong khu lăng mộ

Theo như quan sát của chúng tôi, bên trong lăng mộ của ông Hoàng Trọng Phu có 2 phần mộ đá, hình cái quách khổng lồ. Gian giữa là nơi thờ tự, bên trái là nơi đặt mộ phần và quan tài của ông Phu, còn bên phải là nơi chôn cất vợ ông.

Toàn bộ gian bên phải, đã bị người dân xây những bức tường gạch quây kín. Một bức ngăn các gian với nhau, còn một bức bịt phía ngoài, lắp cửa gỗ, biến thành căn phòng nhỏ để ở.

Phần mộ bằng đá, chạm trổ rồng phượng của vợ ông Hoàng Trọng Phu vẫn còn dấu tích bị người ta xây bức tường nối hai cột đá, ngăn thành phòng riêng.

Trước đây, các hộ dân còn xây bức tường bao quanh phần mộ, đổ tấm bê tông phía bên trên làm thành cái giường ngủ của gia đình này.

Điều đó có nghĩa, là người ta đã từng ngủ luôn ở bên trên phần mộ, nằm ngủ trên đầu người chết. Phía cuối gian phòng của lăng mộ, ngay trên đầu phần mộ là khu gác xép bằng gỗ rộng chừng 3 mét vuông, nhỏ đúng bằng một cái giường.

Chiếc cầu thang bằng gỗ ở phía trong giúp mọi người trèo lên gác xép để ngủ. Ngay dưới gác xép, phía sau phần mộ, là căn phòng vệ sinh.

Nếu không được tận mắt chứng kiến và nghe lại lời kể của người dân nơi đây, quả thật khó có thể có thể tin rằng đã từng có người sống như vậy trong khu mộ với những chiếc quan tài đá được đặt lù lù ngay trong phòng như vậy.

Và với quần thể kiến trúc đặc biệt này, thiết nghĩ cần có thêm sự quan tâm hơn từ các cấp chính quyền để giữ gìn tốt hơn khu di tích mang nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa giữa lòng Hà Nội.

Ông Nguyễn Trọng Phách - Tổ phó tổ dân cư số 35 - cho biết: "Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải trước đây có nhiều gia đình sinh sống, nhưng cách đây 2 năm, họ đã được được đền bù và di chuyển đi.

Việc quản lý khu lăng mộ này các cuộc họp chi bộ, cấp ủy của tổ dân phố có đề nghị lên phường nhưng phường trả lời không liên quan đến vấn đề này.

Việc quản lý là do quận Đống Đa đảm trách. Cũng có đôi lần chúng tôi thấy có đưa công nhân và cuốc xẻng đến khu lăng mộ chắc định tu sửa nhưng rồi họ đi không thấy trở lại, trong khi đồ nghề thì vẫn để trong. Hiện nay một số hộ dân được giao cầm chìa khóa để ban ngày mở cửa cho một số người vào thắp hương".

Theo CAND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ