Trong báo cáo đăng trên tạp chí Current Biology hôm 15/9, nhóm nghiên cứu trường Đại học Bristol kết luận loài khủng long Chinese Pssittacosaurus có khả năng ngụy trang bằng màu da để tránh các loài động vật ăn thịt khác.
Psittacosaurus trong tiếng Hy Lạp nghĩa là "thằn lằn vẹt" do chúng có phần mỏ giống con vẹt. Đây là họ hàng của loài khủng long ba sừng Triceratops. Chúng sống ở miền Đông Bắc Trung Quốc cách đây 133–120 triệu năm.
Nhóm nghiên cứu phát hiện loài khủng long thời thời tiền sử này dùng cách ngụy trang chống đổ bóng, tức là nửa dưới thân chúng sáng màu, trong khi nửa trên có màu da sẫm hơn. Điều này khiến cơ thể Psittacosaurus trông bằng phẳng, khiến những con thú săn mồi bối rối.
Đây là lần đầu tiên hành động ngụy trang được tìm thấy ở khủng long. Các nhà khoa học tin rằng hành vi này chứng tỏ Psittacosaurus sống trong rừng bởi hoa văn của chúng chỉ dễ đánh lừa khi ở đó.
"Điều này cho thấy màu sắc, hoa văn của hóa thạch không chỉ thể hiện hình dạng của loài động vật tuyệt chủng, đây còn là manh mối về môi trường sống và sinh thái học của chúng", Jakob Vinther, nhà cổ sinh vật học, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích.
Ông cũng cho biết loài sinh vật này rất đáng yêu và nếu không tuyệt chủng, nó có thể trở thành thú nuôi tuyệt vời.