(GD&TĐ) - Đã tròn một tuần Chính phủ Mỹ đóng cửa vì khủng hoảng ngân sách. Theo kết quả điều tra xã hội học, trong lần bầu cử tiếp theo đảng Cộng hoà có nguy cơ “phơi áo” trước đảng Dân chủ ở Hạ viện. Tuy nhiên, những đối thủ của Tổng thống Barack Obama vẫn không chịu lùi bước. Họ đang có kế hoạch sử dụng những cuộc tranh luận về nâng trần nợ công sắp tới để gây áp lực lên chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
Tuần đầu tiên trôi qua kể từ khi thông báo về việc chấm dứt tạm thời hoạt động của Chính phủ Mỹ, những con số điều tra xã hội học cho thấy Hạ viện của nước này mất uy tín nghiêm trọng. Theo các cuộc thăm dò, hoạt động của Quốc hội Mỹ vào thời điểm hiện tại chỉ được 10% người Mỹ chấp nhận.
Theo các nhà xã hội học, xung đột “Voi” - “Lừa” trong hoạch định mức trần nợ công vô hình trung tạo điều kiện cho những người ủng hộ Tổng thống Barack Obama có thể xoay chuyển cán cân quyền lực ở Hạ viện. Theo con số của Trung tâm nghiên cứu Public Policy Polling, trong cuộc bầu cử Quốc hội tiếp theo, đảng Cộng hoà có thể bị thất thủ ở 24 vùng và mất sự ủng hộ của cử tri trong các bang then chốt như Ohio, Florida, Iowa.
Các nhà xã hội học cũng cho rằng, gia nhập danh sách các vùng mà đảng Cộng hòa có thể bị thất bại còn có New York và California. Trong khi để toàn quyền kiểm soát Hạ viện, đảng Dân chủ chỉ còn thiếu có 17 ghế.
“Phần lớn những người được hỏi đổ lỗi cho đảng Cộng hoà trong cuộc khủng hoảng ngân sách”- Đại diện của Public Policy Rolling Jim Williams cho biết. Những cuộc tranh luận vô tiền thoáng hậu về ngân sách đã làm nội bộ nước Mỹ chia rẽ sâu sắc.
Nghị sĩ đảng Cộng hoà Peter King cho rằng, các đại diện của phong trào bảo thủ “Tea Party” (đảng Trà) sau khi được bầu vào Hạ viện đã thực hiện “chiến thuật cảm tử”. “Những đe doạ đối với Nhà Trắng do những nghị sĩ mới được bầu vào Hạ viện đã đẩy tình hình đến chân tường” - Peter King nói với Fox News.
Với đòn đáp trả bằng những tuyên bố cứng rắn của chính quyền Obama, người Mỹ không chịu tìm tiếng nói chung, còn người dân vẫn trong tình trạng không có việc làm. Mặc cho những dự đoán khá bi quan của các nhà xã hội học, đại diện của phong trào “Tea Party” ở Quốc hội không có ý định lùi bước.
Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, người được coi là một trong những “kiến trúc sư” của cuộc khủng hoảng ngân sách khẳng định, phe bảo thủ sẽ lợi dụng những cuộc tranh luận về nâng mức trần nợ công sắp tới để gây sức ép với Nhà Trắng. “Các cuộc thảo luận về vấn đề này luôn được đưa ra Quốc hội như một lợi thế trong các cuộc đàm phán, do đó, sẽ là ngu ngốc nếu không sử dụng nó như một công cụ hiệu quả - Ted Cruz thừa nhận trên kên truyền hình CNN.
Hạn chót cho những cuộc tranh luận và bỏ phiếu nâng mức trần nợ công là ngày 17/10. Cuối tuần qua, lãnh đạo đảng Cộng hoà tại Hạ viện John Boehner tuyên bố rằng không thể để nước Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ và hứa chắc chắn sẽ làm mọi cách để quan điểm này lan toả đến từng nghị sĩ.
Có điều, cánh bảo thủ trong đảng Cộng hoà ngay lập tức ra tuyên bố rằng Boehner không xứng đáng để đưa ra lời hứa như vậy. “Kể từ năm 1978, chúng ta đã 58 lần nâng mức trần nợ công. Trong khi Quốc hội luôn yêu cầu ổn định trong việc điều hành đất nước và cắt giảm chi tiêu công nhưng chính quyền hầu như không bao giờ đáp ứng được những đòi hỏi đó” - Ted Cruz nhớ lại.
Phe bảo thủ ở Mỹ tiếp tục kêu gọi trì hoãn chính sách cải cách y tế do Obama khởi xướng và áp dụng mọi biện pháp để giảm chi ngân sách. Ngoài ra, họ còn yêu cầu chính quyền Obama không được phép đưa ra những khoản thuế mới.
Yêu cầu của đảng Cộng hoà được Nhà Trắng gọi là “nhiệm vụ bất khả thi”. “Chúng tôi không thể thảo luận những yêu cầu vô nghĩa và nguy hiểm, khi đất nước đang bị đe doạ bởi thảm hoạ tài chính” - Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew nhấn mạnh. Jacob Lew hối thúc phe Cộng hoà tại Hạ viện gạt bỏ tư tưởng đảng phái để thông qua một dự luật chi tiêu ngân sách tạm thời cho tài khoá 2014, giúp chính phủ liên bang mở cửa trở lại đồng thời thông qua dự luật tăng trần nợ công cho phép Bộ Tài chính tiếp tục được vay tiền chi trả cho mọi hoạt động của chính phủ.
Nếu Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không tìm được tiếng nói chung - nâng trần nợ công trước ngày 17/10 thì không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới sẽ rơi vào thảm hoạ tài chính.
Chính phủ liên bang Mỹ bắt đầu đóng cửa vào giữa đêm 30/9. Theo HIS Inc, việc đóng cửa chính phủ liên bang khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới thiệt hại ít nhất 300 triệu USD/ngày. Cũng vì chính phủ liên bang đóng cửa mà Tổng thống Mỹ Barack Obama không thể đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bali (Indonesia), khiến sân khấu chính trị của khu vực rơi vào tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Anh Phương (TH)