Mới đây, Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng vở “Muôn dặm vì chồng”. Đó là câu chuyện về bà Nguyễn Thị Tồn – vợ tri huyện Bùi Hữu Nghĩa – người dấn thân vì chồng, vì non sông đất nước…
Tấc lòng sắt son
Trong vở cải lương 'Muôn dặm vì chồng' khán giả được hiểu thêm về tấc lòng của các bậc trung thần với nhân dân, với quê hương, đất nước. Ảnh: Bình Thanh. |
Tấc lòng sắt son của bà Nguyễn Thị Tồn thấu đến cao xanh nên được Hoàng Thái hậu Từ Dũ ban 4 chữ vàng “Tiết phụ khả gia”. Dẫu chẳng thể trở về với người chồng thương yêu nhưng vẫn còn đó danh thơm ngàn đời được chính Thủ khoa Nghĩa cảm thán rằng: “Ngã chi bần, khanh độc năng trợ; ngã chi oan khanh độc năng minh, triều quận công xưng khanh thị phụ/Khanh chi bệnh, ngã bất đắc dưỡng; khanh chi tử ngã bất đắc táng, thế gian ưng tiếu ngã phi phu” (dịch nghĩa: Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ/Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng”.
Với khán giả phương Nam, câu chuyện về bà Nguyễn Thị Tồn đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Cũng vì, bà là nguyên mẫu cho kịch bản cải lương “Muôn dặm vì chồng” được cố tác giả Ngọc Linh viết từ cuối những năm 1980.
Năm 1990, Đoàn Cải lương Văn công TP Hồ Chí Minh dàn dựng (đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Nga) và dù bị kiểm duyệt nhiều lần vì không ít “đơm đặt” nhưng cuối cùng “Muôn dặm vì chồng” được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh xem duyệt và ủng hộ nên được công diễn hàng trăm suất cùng sự hào hứng đón nhận của khán giả.
Khi Đoàn Cải lương Đồng Nai dàn dựng, vở diễn cũng tiếp tục sáng đèn hàng trăm suất. Tham gia các hội diễn sân khấu truyền hình toàn quốc, tác phẩm này xuất sắc giành Huy chương Vàng (Đoàn Cải lương Văn công TP Hồ Chí Minh, năm 1990), Huy chương Bạc (Đoàn Cải lương Đồng Nai, 1998).
Ngoài ra, sau này còn có những bản dựng khác của NSƯT Thanh Tòng, Hoa Hạ, Mỹ Châu…
Vậy nhưng, ở phía Bắc, có lẽ đây là lần đầu Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng kịch bản “Muôn dặm vì chồng” của cố tác giả Ngọc Linh (có thêm sự bổ sung, chỉnh lý của tác giả Lê Chí Trung).
Qua bản chuyển thể cải lương của NSƯT Ngọc Chi, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai là “chủ trò” cùng phối hợp với ê kíp sáng tạo: NSND Hoàng Anh Tú (âm nhạc), Hoàng Phong (thiết kế mỹ thuật), Lê Phương (biên đạo múa)… Các nghệ sĩ Đoàn Kim Phụng, Chuông Vàng như: NSND Thanh Hương, NSƯT Kim Dung, NSƯT Hoàng Viện, NSƯT Hồng Nhung, NSƯT Bạch Quang Tuấn cùng các nghệ sĩ, Nhật Linh, Lại Xuân Tiến, Quang Huy… trình diễn.
Với một bản dựng chắc tay, có nhiều ẩn dụ trong ngôn ngữ sân khấu cùng lời kịch sâu sắc và được các nghệ sĩ thể hiện khá tròn vai, khán giả Hà Nội đã đắm mình trong câu chuyện về người phụ nữ đất phương Nam Nguyễn Thị Tồn – người gắn liền với đóa bằng lăng tím - có tấc lòng sắt son với chồng, với người dân Láng Thé (Trà Vinh).
Vở diễn mở ra không gian vùng sông nước Nam bộ với hình ảnh cây bần vươn thẳng, lấp ló nón trắng và vọng vang tiếng ca thán oan ức của người dân vì bị đám quan tham như quan Tổng đốc, Bố Tránh Truyện cấu kết cướp đất đai cùng dòng Láng Thé là nguồn sinh kế bao đời của họ.
Chẳng còn cách nào hơn, họ tìm đến tri huyện Bùi Hữu Nghĩa khẩn cầu vị quan thanh liêm làm chủ. Vì biết lắng nghe lòng dân, khảng khái bảo vệ lẽ phải, Bùi Hữu Nghĩa bị bọn tham quan vu vạ, bắt bỏ tù.
Trước hoàn cảnh đau xót ấy, dẫu phận liễu bồ nhưng bà Nguyễn Thị Tồn không chịu ngồi yên chỉ để than khóc, trách móc mà quyết vượt đường xa vạn dặm, qua muôn trùng sóng gió để từ phương Nam ra kinh thành Huế đánh trống kêu oan cho chồng, cho người dân Láng Thé.
Cũng bởi, bà luôn thấu hiểu người dân nơi đây rơi vào cảnh khốn cùng như thế nào khi mất kế sinh nhai, thậm chí còn có cả đổ máu khiến con mất cha, vợ mất chồng, anh mất em… Bà cũng vô cùng đồng cảm với nỗi lòng của người chồng chính trực, hiếu trung, luôn bảo vệ chính nghĩa, dám đương đầu và không chịu khoan nhượng trước sự ức hiếp dân lành của đám quan tham: “Chàng luôn sống vì dân, chịu nắng dãi mưa dầu...”; “Chàng xả thân vì nghĩa, muốn cứu dân...”.
NSND Thanh Hương đã thể hiện xuyên suốt vở diễn hình ảnh người phụ nữ phương Nam Nguyễn Thị Tồn luôn mạnh mẽ đấu tranh cho lẽ phải, quyết không chịu để chồng và người dân Láng Thé bị hàm oan.
Một số trường đoạn diễn tả nội tâm của người vợ hiền chẳng quản gian truân, khó nhọc, thậm chí dám đánh đổi cả tính mạng để minh oan cho chồng và người dân Láng Thé, được chị truyền tải đầy xúc động qua giọng hát mùi mẫn cùng lối diễn xuất khá tinh tế.
Nhất là những phút giây đánh trống kêu oan giữa buổi lâm triều vang lên cùng câu hát: “Triều đình ơi có thấu nỗi xót xa dân lành/ Bao ức oan chất chồng, quan tham tàn gây nên khổ đau…” thực sự lắng đọng và xoáy sâu vào tâm khảm người nghe.
“Một cơ may khi vừa rồi vào Bạc Liêu tôi được đến viếng thăm lăng mộ cụ Bùi Hữu Nghĩa và cụ Nguyễn Thị Tồn. Cảm xúc khi đó rất khó tả để lúc bước lên sân khấu tôi hoàn toàn hóa thân vào vai cụ Nguyễn Thị Tồn chứ không còn là tôi nữa…
Cộng thêm vào đó là kịch bản văn học được tác giả viết rất sắc, đạo diễn cũng rất giỏi nghề, nghệ thuật cải lương dễ đi vào lòng người mà vai diễn của tôi đem lại cho khán giả sự yêu mến, đồng cảm”, NSND Thanh Hương bày tỏ.
'Muôn dặm vì chồng' là vở cải lương mang tính luận đề. Ảnh: Bình Thanh. |
Luận việc làm quan
Câu chuyện bà Nguyễn Thị Tồn vượt sóng, vượt gió lai kinh để đánh trống kêu oan cho chồng sử sách đã ghi và giờ đây được hậu thế ngợi ca, nhất là qua kịch bản sân khấu như “Muôn dặm vì chồng”. Có thể thấy, cùng với việc khắc họa đậm nét hình tượng người phụ nữ can trường, sắt son, thủy chung, vở cải lương này còn có cả những luận giải sâu sắc về việc làm quan của người xưa.
Luận giải đầu tiên là lời chất vấn thẳng thắn về trách nhiệm với dân từ bà con Láng Thé bị quan tham cướp đất với tri huyện Bùi Hữu Nghĩa, rằng: “Ngài làm quan lớn ăn bổng lộc triều đình, vang danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Bổn phận của ngài là bảo vệ dân chúng hay chỉ biết đứng nhìn dân chết đói?”.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Tồn cũng từng nghi hoặc: “Chàng luôn sống vì dân, chịu nắng dãi mưa dầu, nay lẽ đâu cam ngoảnh mặt cúi đầu? Thấy dân chết mà không ra tay cứu giúp thì danh tiếng của chàng sẽ chẳng còn chi. Ác bá cường hào sẽ làm hoen ố dần đi những công chính liêm minh mà bấy lâu chàng có? (…) Có lẽ, chàng đã sai khi chọn đường làm quan trong thời thế nhiễu nhương này?”.
Tiếng trống kêu oan của bà Nguyễn Thị Tồn trong vở cải lương 'Muôn dặm vì chồng' được NSND Thanh Hương thể hiện rất lắng đọng. Ảnh: Bình Thanh. |
Chất vấn là vậy chứ ai cũng hiểu tấm lòng của Bùi Hữu Nghĩa với nước với dân không bao giờ chịu khuất phục đê hèn cùng nguyên tắc: “Nếu không giúp được dân lành, ta đâu còn xứng đáng làm quan”. Nhưng trước sự nhiễu nhương của đám tham quan, ông cũng phải thốt lên: “Ôi làm quan thật khó, vì không thể nào che chở cho dân, triều đình trên cao sao thấu được cảnh tình?”.
Bà Tồn thì xót xa: “Gió bụi quan trường chỉ là mây nước phù du, mà ẩn chứa bao hiểm họa khôn lường”. Vì vậy, bà cảm thương cho thân phận kẻ làm quan vì “đã quá tin vào điều hữu danh vô thực. Bổng lộc trong cuộc đời như dòng nước xiết đã mài nhẵn viên sỏi trắng giữa dòng”…
Người em kết nghĩa Thiên Hương cũng đưa ra những bình phẩm: “Thượng sách là kế quay lưng bỏ hết chuyện nhân gian, quên nỗi đau của dân mà ông đương hưởng lộc… Kẻ làm quan đã mưu cầu hưởng lợi phải biết khôn, xóa hết những ưu tư vờ như không và ngậm miệng”. Nhất là: “Làm quan trong thời thế nhiễu nhương này, phải chăng kẻ sĩ phải mập mờ bởi hai chữ ngu trung?”.
Dầu vậy, trong họ vẫn không vơi bớt niềm tin: “Mây mù sẽ tan khi bình minh chiếu dọi/Chính nghĩa rồi đây sẽ thắng gian tà!”. Thực ra, những nỗi niềm ấy đâu phải chỉ của riêng Bùi Hữu Nghĩa mà là của bất kỳ vị quan thanh liêm, chính trực nào luôn dốc lòng vì xã tắc.
Sự luận giải này còn “nóng bỏng” hơn khi bà Nguyễn Thị Tồn đến gặp quan Thượng thư Bộ lại Phan Thanh Giản và có lời trách khéo: “Kẻ sĩ như ngài nếu được ở gần dân thì ngài sẽ không bàng hoàng đến thế” khi thấy vị quan đầu triều bàng hoàng nghe chuyện tham quan cướp đất của người dân Láng Thé.
Cũng là bà Tồn đã cả gan nhờ quan Thượng thư Bộ lại thảo sớ kiện… triều đình cùng cái lý: “Các chức quan có phải do triều đình sắp đặt, nay quan tham của cả một tỉnh hùa nhau hà hiếp dân lành, há chẳng phải từ việc dùng người bất minh ư?”.
Hơn nữa: “Trị quốc chưa yên thì làm sao chống giặc? “Việc nhân nghĩa cốt để yên dân” - là câu nói của danh thần Nguyễn Trãi đã in sâu trong tâm trí bao người. Sẽ phải làm sao cho muôn nhà no ấm? Một lũ quan tham trong triều quen ăn chơi hưởng lạc, hà hiếp người lành, cướp đất của dân đen, không kiện lúc này bao người sẽ chết vì hàm oan?”.
Thấy quan Thượng thư Bộ lại từ chối, bà liền cất tiếng than từ nỗi lòng mình hay nỗi lòng của người dân Láng Thé: “Ở đời dò sông, dò biển dễ dò… Muốn được tiếng thanh liêm thì phải khéo tránh xa những điều rắc rối, còn chính trực thì phải cố vờ như mắt đui tai điếc để giữ yên cho cái ghế của mình?”.
Quả là, những nỗi niềm ấy nghe thật chua xót, chất chứa oán giận nhưng đó là lời nói thẳng, nói thật từ lòng dân cần được bậc minh quân lắng nghe, thấu tỏ và công minh làm chủ. Nhưng, giữa ngôi cao bệ rồng và xung quanh không ít xu nịnh chỉ có lời hay, ý đẹp, khó phân định đúng sai thì luôn cần đến những ngọn đèn soi tỏ chính là các bậc trung thần để cùng gìn giữ nền thịnh trị bền lâu.
Song để những ngọn đèn ấy không bị vùi dập, hàm oan và bền bỉ tỏa sáng thì cần lắm triều đình không chỉ trừng trị tham quan cho lòng dân yên mà còn phải: “Vén mây mù che phủ, không giam cầm khát vọng được sống vì dân của các bậc chí sĩ trung lương”.
Vì vậy, “Muôn dặm vì chồng” của Nhà hát Cải lương Hà Nội là vở cải lương mang tính luận đề. Từ câu chuyện về tấm tình sắt son của người vợ đối với chồng, khán giả được hiểu thêm về tấc lòng của các bậc trung thần với nhân dân, với quê hương, đất nước.
Dù vẫn còn đó những bè cánh nhũng nhiễu gieo rắc oan khiên nhưng họ luôn đặt trọn niềm tin vào bậc minh quân không chỉ thương dân mà còn cần biết lắng nghe nỗi lòng dân và hiểu thấu để phân trong - đục. Những điều này không phải chỉ có ở thời xưa nên vở cải lương còn gợi mở nhiều điều mang giá trị tính thời đại, đáng để soi vào và suy ngẫm.
“Tôi đã dựng vở cải lương “Muôn dặm vì chồng” của cố tác giả Ngọc Linh và Lê Chí Trung bằng tâm thế thoải mái chứ không hề bị áp lực dù trước đó nhiều đơn vị nghệ thuật đã công diễn và được công chúng đón nhận. Cũng bởi, tôi tìm được chìa khóa của riêng mình. Đó là, bên cạnh sự nghiêng mình trước đức hy sinh vì chồng, vì dân của bà Nguyễn Thị Tồn còn là câu chuyện về bậc minh quân, trung thần biết lắng nghe tiếng lòng của người dân cùng lời nhắc nhớ: “Việc nhân nghĩa cốt để yên dân”…”. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai