‘Huyền thoại gò Rồng ấp’ chọn bối cảnh giai đoạn đất nước vừa qua thời loạn 12 sứ quân, trong ranh giới nhỏ hẹp vùng Hoa Lư của vua Đinh Tiên Hoàng, để rồi sau đó có cuộc vươn mình xuất hiện của triều Lý.
Theo đó, vở diễn xoay quanh hình tượng trung tâm là Phạm Thị Ngà, người con gái ở xóm Long Châu, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu - nơi sư Vạn Hạnh trụ trì.
Thị Ngà mồ côi cha mẹ, phần mộ bố mẹ cô được hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn đưa đến táng ở Gò Rồng ấp, nơi tương truyền có huyệt đất thiêng. Một hôm, Thị Ngà đi qua lễ hội Nõ - Nường, lễ hội dân gian đậm tính phồn thực của người Việt cổ.
Một cảnh trong vở 'Huyền thoại gò Rồng ấp'. |
Bỗng trời đất giao hòa, âm dương giao cảm, Thị Ngà trở về thấy trong người khác lạ, biết đã mang thai. Thiền sư Thiền Ông, sư phụ của Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên đã viết một bài kệ tiên tri ngụ ý tháng 10 năm Kỷ Dậu, tức 36 năm sau, một triều đại lẫy lừng sẽ hiển hiện, đó là triều Lý. Gò Rồng ấp là nơi phát mệnh đế vương, hiện có mộ phần gia tiên họ Phạm nên con cháu nhà ấy ắt làm nên nghiệp lớn...
Biết chuyện, một phú hộ cùng hương Diên Uẩn có lòng tham vô độ đã bốc mả cha mình lên táng ở Gò Rồng ấp với hy vọng người trong họ sẽ làm nên nghiệp đế. Hắn cũng tìm mọi cách hãm hại Thị Ngà cùng bào thai trong bụng.
Hình ảnh Rồng - đại diện cho vua Lý Công Uẩn. |
Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của bà con dân làng, Thị Ngà may mắn vượt qua kiếp nạn, sinh con trước cổng chùa, rồi qua đời. Ðứa bé được sư Vạn Hạnh mang về nuôi nấng, đó là Lý Công Uẩn, sau này trở thành vị hoàng đế đầu tiên của triều Lý, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, tạo dựng kinh đô Thăng Long nghìn năm rực rỡ.
Đây là tác phẩm sân khấu do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn do đạo diễn TS.NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng cho Đoàn Cải lương thể nghiệm của Nhà hát Cải lương Việt Nam.
TS.NSND Triệu Trung Kiên cho biết, huyền thoại về vua Lý Công Uẩn vốn đã rất hấp dẫn. Trong lần dàn dựng này, đạo diễn và ê kíp dàn dựng còn khai thác những thế mạnh của sân khấu cải lương nhằm làm nổi bật giá trị tư tưởng của tác phẩm, vừa chú trọng khai thác yếu tố văn hóa truyền thống đặc sắc.
Hình tượng lá bồ đề - đại diện cho vấn đề vua Lý Công gắn với ngôi chùa đã cưu mang ông. |
Vở diễn đưa người xem về vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với những phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Việt cổ, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo. Ê kíp cố gắng tạo nên một tác phẩm đậm chất thần thoại, có sự kết hợp giữa phương pháp sân khấu hiện thực và biểu diễn, giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây.
Phần xử lý trang trí sân khấu, âm nhạc mới mẻ, dân tộc nhưng cũng rất hiện đại. Trong quá trình biểu diễn, từ phong cách hát, đến phục trang, ngôn ngữ hình thể đã tạo nên những hình tượng nhân vật với sự tương phản rõ nét, một bên là cái thiện, một bên là cái ác; một bên là nhân văn, một bên là tính quỷ…
Vở diễn cũng đan xen những chi tiết hài hước, hấp dẫn, đem lại tiếng cười cho khán giả. Bên cạnh đó làm nổi bật giá trị của tình yêu thương, lòng nhân ái.
‘Huyền thoại gò Rồng ấp’ có phiên bản kịch nói do chính đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng cho Sân khấu Lệ Ngọc. Có thể thấy ở bản dựng cho sân khấu cải lương, đạo diễn đã khai thác triệt để khía cạnh biểu diễn tâm lý nhân vật, đặc biệt là vở diễn tiếp thu được những giá trị của sân khấu truyền thống và cả những giá trị của nghệ thuật đương đại.
Vở kịch chọn bối cảnh khi đất nước vừa qua loạn 12 sứ quân. |
‘Huyền thoại gò Rồng ấp’ là một trong những tác phẩm nổi bật theo xu hướng đưa nghệ thuật cải lương tiếp cận với đương đại trong cách dàn dựng và diễn xuất. Liên tục tiếp thu cái mới, đổi mới tư duy sáng tạo luôn là những ghi nhận cho những tác phẩm sân khấu gần đây của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Tác giả kịch bản vở ‘Huyền thoại gò Rồng ấp’ – PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ: ‘Tôi thấy rất hài lòng với cả hai bản diễn kịch nói và cải lương do đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng.
Một kịch văn học hóa thân trong 2 loại hình nghệ thuật: kịch nói (nhiều yếu tố sân khấu hiện đại) và cải lương (sân khấu dân tộc) nhưng đều thể hiện được nội dung tư tưởng và ý đồ của tác giả như thông điệp tư tưởng, yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh...
Đồng thời mỗi bản diễn đều có sức hấp dẫn riêng bởi ngôn ngữ nghệ thuật của từng loại hình. Phải nói tới sự đổi mới hình thức thể hiện đã tạo nên sự tươi mới cho từng tác phẩm cũng như góc nhìn chiều từ một kịch bản văn học’.
NSƯT Lê Chức - thành viên Hội đồng nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: ‘Câu chuyện về đức Lý Thái Tổ mang tính huyền thoại, có thể thực, có thể không thực, nhưng nhiều khi cái không thực lại được người ta tin thậm chí còn hơn cả cái thực. Vở cải lương ‘Huyền thoại gò Rồng ấp’ đã thành công khi lý giải cái không thực để làm sáng đẹp hơn cho nhân vật'.