Nghệ sĩ cải lương góp sức sao cho xứng!

GD&TĐ - Nhiều khán giả không khỏi “giật mình” trước thực tế các vở cải lương đang được dàn dựng phần nhiều lấy từ tích sử Trung Quốc.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Sau đại dịch Covid-19, sự trở lại của các đơn vị nghệ thuật, nhất là các đoàn cải lương tư nhân ở phương Nam, đã góp phần đem đến cho đời sống sân khấu nước nhà sự năng động, tươi mới.

Có thể kể đến các Đoàn Cải lương tuồng cổ: Huỳnh Long, Minh Tơ - Thanh Sơn, Đồng Ấu Bạch Long; các Sân khấu: Chí Linh - Vân Hà, Vũ Luân, Lê Nguyễn Trường Giang; Công ty TNHH Giải trí Gia Bảo… Từ đây, nhiều vở diễn mới được đầu tư dàn dựng khá công phu, chuẩn chỉ, thu hút sự quan tâm của khán giả, nhất là khán giả trẻ.

Tuy nhiên, trong tín hiệu vui ấy lại không khỏi “giật mình” trước thực tế các vở cải lương đang được các đoàn lựa chọn dàn dựng phần nhiều lấy từ tích sử Trung Quốc.

Chẳng hạn như: “Mộc Quế Anh dâng cây” (Đoàn Cải lương tuồng cổ Đồng Ấu Bạch Long), “Bao Công tra án Quách Hòe” (Công ty TNHH Giải trí Gia Bảo), “Hoàn Châu cách cách” (Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long), “Sóng gió Đại Minh triều”, “Trung liệt Dương gia tướng” (Sân khấu Chí Linh - Vân Hà) “Mão Đoan Tinh giáng thế” (Sân khấu Vũ Luân)…

Trong khi, những tuồng cải lương kể chuyện sử Việt đâu phải không có, khi vẫn còn đó những vở diễn tiếng tăm một thời như: “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Câu thơ yên ngựa”, “Tô Hiến Thành xử án”, “Má hồng soi kiếm bạc”, “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Thanh gươm và nữ tướng”, “Bão táp Nguyên Phong”, “Đường về núi Lam”, “Ngọn lửa Thăng Long”, “Bức ngôn đồ Đại Việt”, “Rạng ngọc Côn Sơn”, “Dưới cờ Tây Sơn”, “Nữ tướng cờ đào”… Vậy mà tại sao không được phục dựng, dàn dựng?

Loại trừ lý do thiếu kịch bản thì câu trả lời không khó đoán - muôn thuở vẫn là chuyện “cơm áo không đùa…”, đã thế lại còn là đoàn tư nhân. Tuy nhiên, thật khó cảm thông với hướng đi này, nếu các đoàn cải lương tư nhân ấy chỉ nghĩ về doanh thu để tồn tại rồi cứ nhắm mắt dàn dựng, biểu diễn và thu lời mà chưa nghĩ đến hậu quả của làn sóng: Người Việt thuộc sử Trung Quốc hơn là sử Việt, vốn vẫn bị phê phán bấy lâu. Thực tế đã thấy, những vở cải lương kể sử Trung Quốc cùng công diễn thời gian qua được khán giả trẻ quan tâm hơn cả!

Tất nhiên, ở câu chuyện này còn có cả trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc định hướng cho các đoàn cũng như cần sớm có những giải pháp cụ thể, thiết thực giúp họ đứng vững để trở thành lực lượng hùng hậu trong việc quảng bá sử Việt, từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước của khán giả.

Nhưng, dù lý do gì đi chăng nữa, thiết nghĩ, trách nhiệm đầu vẫn thuộc về các đoàn và nghệ sĩ, đừng vì chuyện cơm áo gạo tiền mà quên đi sứ mệnh của mình với văn hóa, với lịch sử đất nước, đừng vô tình dẫn lối cho văn hóa ngoại dần xâm lăng đời sống tinh thần người Việt.

Bởi vậy, đã có thể gắng gỏi hiện diện để góp sức làm phong phú cho đời sống nghệ thuật thì mong rằng mỗi đoàn, mỗi nghệ sĩ cần góp sao cho xứng bằng việc giải thành công bài toán khán giả từ việc dàn dựng những vở diễn giá trị, chiếu rọi bản lĩnh và ý thức tự cường của dân tộc Việt Nam ở mọi thời đại!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ