(GD&TD)-Với mức lãi suất vay vốn khoảng 18-22%/năm, thậm chí lên đến 25-27%/năm đã khiến nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động.
Lãi suất vay vốn cao, chi phí vật liệu tăng khiến DN gặp khó trong SX-KD (ảnh MH) |
Theo Báo cáo của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm cả nước có thêm 39.500 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký ước đạt trên 230.200 tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn bằng 95,3% nhưng số vốn đăng ký chỉ bằng 87,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thì sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều trở ngại do khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, do Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất cho vay vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp phải giải thế, phá sản do không chịu đựng được với lãi suất vay vốn cũng như do không vay được vốn trên cả nước từ trước đến nay hầu như không có thống kê cụ thể, nhưng Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế trích dẫn nguồn từ cơ quan thuế cho biết, từ đầu năm đến nay có khoảng 30% số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh phải phá sản, giải thể, đóng cửa, tạm ngừng sản xuất.
Thực tế, các mức lãi suất cho vay hiện nay là quá cao và gây khó cho doanh nghiệp. Trong đó, cho vay đối với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu hiện đang ở mức khoảng 15% một năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác 16-20% một năm còn lĩnh vực phi sản xuất từ 20 đến 25% một năm.
Nhiều chủ danh nghiệp nhận định: nếu năm nay đi vay với tỷ lệ chừng 50-70% để sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cầm chắc cái lỗ, may mắn lắm thì huề vốn. Còn nếu dùng 100% vốn vay, chắc không thể sống nổi, bởi mọi chi phí tăng cao nhưng giá bán khó lên tương ứng.
Mặc dù theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất ngân hàng đang có xu hướng giảm dần, hiện tại lãi suất huy động VNĐ bình quân chỉ ở mức 15,5%/năm (chỉ tăng 3% so với cuối năm 2010), lãi suất cho vay thực tế vào khoảng 18,7%, chỉ tăng 3,4% so với cuối năm 2010 nhưng với các chi phí vật chất tăng cao, nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, nhiều dự án bị đình hoãn và đang đứng trước nguy cơ đình hoãn.
Cùng với đó, nếu hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN bị đình trệ và kéo dài tất yếu dẫn đến nguy cơ nợ xấu ngân hàng gia tăng trong nửa cuối năm 2011 và năm 2012.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dư địa chính sách không còn nhiều, thắt chặt tiền tệ là giải pháp đau đớn nhưng gần như là duy nhất có hiệu quả lúc này để chống lạm phát. Thừa nhận những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, song doanh nghiệp cần chia sẻ để nền kinh tế ổn định trở lại và phát triển bền vững hơn.
Minh Duy