Trong phần thi này, thí sinh Phan Thị Thu Phương (Số báo danh 18) nhận được câu hỏi từ giám khảo Elizabeth Thủy Tiên: “Trước hành động xâm phạm Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, bạn có suy nghĩ và thái độ như thế nào?”.
Thí sinh Thu Phương trả lời: “Là một công dân yêu nước, khi biết việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD tại biển Việt Nam mình, em cảm thấy rất bức xúc, nó xâm phạm về lãnh thổ, vùng kinh tế của đất nước Việt Nam mình. Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra và để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn”.
Những ý kiến cho rằng câu trả lời như thế là “ngô nghê”, chứng tỏ sự hiểu biết về tình hình Biển Đông còn hời hợt thì quả không sai; nhưng liệu có quá lời không khi đưa ra những lời bình luận rằng “Hoa hậu óc ngắn, chân dài”, “Người đẹp từ trên trời rơi xuống” bàng quan với đất nước.
Hãy đọc kỹ lại cả nội dung câu hỏi của ban giám khảo và câu trả lời của thí sinh nêu trên! Liệu có gì là mới lạ, hấp dẫn hay không khi giám khảo đưa ra một câu hỏi lặp lại vấn đề đã quá hiển nhiên mà các phương tiện truyền thông đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần và mỗi người Việt Nam dường như đã thuộc làu, để rồi đặt một câu hỏi hết sức chung chung :”Bạn có suy nghĩ và thái độ như thế nào?”.
Xin bạn đọc hãy ở trong vị trí của thí sinh, lắng lại ít phút để tìm câu trả lời. Chắc chắn sẽ không đi quá những từ ngữ sau đây: bức xúc, căm giận, phản đối. Công bằng mà nói, ở vế trả lời thứ nhất, nếu không lúng túng, vụng về với từ “nó”, thí sinh Phan Thị Thu Phương cũng đã trúng một phần đáp án khi nói được “Em rất bức xúc” và hiểu trúng vấn đề khi đưa ra lý do của sự bức xúc đó là do Trung Quốc (nó) xâm phạm về lãnh thổ, vùng kinh tế của đất nước Việt Nam mình.
Còn vế kia của câu trả lời, thì đúng là diễn đạt vụng về thật rồi, thay vì bày tỏ thái độ muốn “Trung Quốc mở giàn khoan” để trả lại chủ quyền biển đảo, lãnh thổ đất nước thì thí sinh cô lại diễn đạt “rút giàn khoan cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn”.
Liệu có quá quá xét nét không khi bắt bẻ thí sinh tuổi mười tám, đôi mươi đứng trước hàng ngàn người và hàng trăm ống kính hướng về phía mình trên sân khấu? Tại sao cứ chăm chăm đổ lỗi cho thí sinh mà không xem xét câu hỏi ở phía giám khảo đã tối ưu hay chưa?
Có thể nói, cả tháng qua làn sóng truyền thông lan truyền khá mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt và cả quốc tế. Rất nhiều phương tiện, hình thức truyền thông có tính sáng tạo và lay động lòng người.
Hàng loạt hoạt động đó với tên gọi chỉ nghe thôi đã thấy xao xuyến lòng “Tổ quốc nhìn từ biển”; “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim tôi”; “Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là của chúng ta”.
Ở các trường phổ thông, thầy cô giáo đều ra các đề bài mở tạo điều kiện cho học sinh của mình được trình bày cảm xúc, nghĩ suy tự đáy lòng.
Vậy mà câu hỏi của giám khảo cho thí sinh Phan Thị Thu Phương chẳng những không mở được chút nào mà còn khô cứng quá! Câu hỏi không xuất phát từ trái tim người hỏi thì lấy đâu câu trả lời của trái tim. Cuối cùng thì em chính là nạn nhân của sự khô cứng, giáo điều ấy!
Từ sự cố tại cuộc thi, nên chăng hãy suy ngẫm rộng hơn về tính hiệu quả của truyền thông (đang rất quan trọng trong bối cảnh chủ quyền đất nước bị đe dọa hiện tại).
Nhớ lại thời kỳ nước sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chỉ một lời hiệu triệu phát đi mà lớp lớp thanh niên đã “Xẻ dọc trường sơn” lên đường.
Nhiều sinh viên, học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường “xếp bút nghiên” tình nguyện ra trận. Mà ngày ấy, chỉ có độc chiếc loa phóng thanh, phim màn ảnh trắng đen lưu động chứ đâu có được phương tiện truyền thông phong phú, hiện đại như bây giờ!
Thiết nghĩ, các sự kiện và vấn đề đăng tải trên truyền thông đại chúng luôn hướng tới việc ưu tiên thỏa mãn nhu cầu, mong đợi của nhân dân, phục vụ lợi ích căn bản của đại đa số nhân dân cũng như lợi ích chính đáng của mỗi con người.
Vì vậy, cần phải ngày càng gia tăng tính thu hút, thuyết phục của của các sự kiện, vấn đề đó.