Xe bọc thép chở quân (APC) BT-3F thế hệ mới của Nga, được chế tạo trên khung gầm BMP-3F, đang liên tục được cải tiến. Ví dụ như trong quá trình phát triển, nhiều biện pháp đã được thực hiện để tăng cường hỏa lực.
Ban đầu, một súng máy PKTM cỡ nòng 7,62 mm được lắp đặt trên module chiến đấu điều khiển từ xa. Đồng thời, có thông tin cho rằng có thể lắp đặt súng phóng lựu tự động hoặc súng máy hạng nặng Kord 12,7 mm thay thế. Đây chính là lựa chọn cho hiện tại, khi khẩu Kord đang được lắp đặt trên nóc chiếc APC này.
Một phiên bản có bệ phóng đôi dành cho tên lửa chống tăng dẫn đường Kornet, có khả năng tiêu diệt mọi loại xe tăng nước ngoài cũng đã được trình diễn.
Phần trước của thân xe cũng được trang bị 2 súng máy PKT. Trong các cuộc khảo sát những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt, ý kiến thường xuyên được đưa ra về việc cần phải bắn để chế áp đối phương từ xe bọc thép hạng nhẹ, thì "bộ ba" vũ khí như trên chính là lựa chọn phù hợp cho việc này.
Nếu cần thiết, khả năng chống chịu các phương tiện tấn công khác nhau của xe bọc thép có thể được tăng cường bằng cách lắp đặt lưới chắn và các tấm thép bổ sung. Đây chỉ là một phần trong số nhiều biện pháp có thể áp dụng, bao gồm cả việc chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Thiết kế lối ra vào của BT-3F bị chỉ trích, tuy nhiên theo một số chuyên gia, ở thời đại chúng ta, lựa chọn này dễ thực hiện hơn và an toàn hơn so với cửa ở đuôi theo truyền thống.
Nhu cầu sử dụng xe bọc thép chở quân để vượt qua chướng ngại vật dưới nước thường bị đặt câu hỏi, vì khả năng bảo vệ quan trọng hơn, nhưng không khó để biến một phương tiện nổi thành không nổi, chẳng hạn như trường hợp của M2 Bradley có lớp giáp được gia cố.
Do vậy, BT-3F là ứng cử viên sáng giá để thay thế ít nhất một số xe MT-LB hiện đang được sử dụng để cơ động bộ binh. Điều này tất nhiên không loại trừ nhu cầu sản xuất hàng loạt một thế hệ xe chiến đấu bộ binh (IFV) mới.