Không thể trên bảo, dưới không nghe!

GD&TĐ - Nghị quyết 128 quy định về thích ứng an toàn Covid-19 do Chính phủ ban hành ngày 11/10.

Một ngày sau đó, Bộ Y tế ban hành Quyết định 4800 về hướng dẫn chuyên môn trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch.

Đến nay đã 1 tuần trôi qua. Một số địa phương đã phân loại cấp độ dịch. Tuy nhiên, còn rất nhiều tỉnh, thành chưa công bố cấp độ nguy cơ và các biện pháp tương ứng. Vì sự chậm trễ đó, cùng với sự thiếu quyết liệt trong đôn đốc, thúc giục của Bộ Y tế nên “bản đồ” dịch của cả nước vẫn chưa được công bố. Thành thử có địa phương, ví dụ Hải Phòng, phải tự lập một bản đồ dịch tạm thời để kiểm soát lưu thông.

Điều đáng lo ngại nữa là mặc dù đã có nghị quyết mới về chống dịch nhưng các địa phương vẫn mỗi nơi làm một kiểu, thậm chí trái quy định của Trung ương. Có tỉnh yêu cầu tiêm 2 mũi, kết quả xét nghiệm âm tính mới cho người dân đi lại trong khi Bộ Y tế yêu cầu không xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân.

Thời điểm này, yêu cầu mở cửa đồng bộ cho doanh nghiệp, người dân trở lại hoạt động kinh doanh trên toàn quốc là cấp bách và không thể trì hoãn. Bởi nguồn lực của nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp; nguồn lực ngân sách Nhà nước đã suy kiệt nghiêm trọng sau thời gian dài đóng cửa để chống dịch.

Chưa bao giờ cùng một lúc, các con số thống kê về GDP, doanh nghiệp thành lập mới, chỉ số lao động, việc làm lại ở mức đáy như quý III vừa qua. Cụ thể, GDP quý III ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI), một chỉ số quan trọng khác thể hiện sức khoẻ của khu vực sản xuất, tháng thứ tư liên tiếp ở dưới xa ngưỡng trung lập (50).

Tháng 8, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 57% về số lượng, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động; tháng 9 giảm 62,2% về số lượng, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động.

Bên cạnh đó, số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, chỉ có 1/3 trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam có việc làm đầy đủ. Khó khăn cho vùng kinh tế lớn nhất cả nước tiếp tục ở mức nghiêm trọng bởi chi phí sản xuất (từ giá xăng dầu đến các nguyên vật liệu sản xuất cơ bản) ở mức cao và thiếu hụt lao động trầm trọng.

Trong bối cảnh như vậy, mở đồng bộ nền kinh tế ở tất cả các tỉnh là yêu cầu cấp bách. Nhưng không thể nói chuyện phục hồi nếu giao thông - huyết mạch của nền kinh tế - tiếp tục bị tắc bởi mỗi nơi chống dịch một kiểu.

Theo tinh thần “sống chung với Covid” trong Nghị quyết 128, việc phong tỏa để kiểm soát dịch chỉ nên tập trung ở quy mô điểm nhỏ (cấp xã) chứ không thể tiếp tục lập chốt và ngăn cản lưu thông giao thông, hàng hóa liên tỉnh như hiện nay.

Để bảo đảm mở cửa an toàn, các địa phương có thể tiến hành “hậu kiểm” trên diện rộng về mức độ tuân thủ của người dân, cơ sở sản xuất, điểm kinh doanh dịch vụ theo hướng dẫn phòng chống dịch.

Không thể để xảy ra tình trạng Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ, làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và địa phương khác. Lúc này, Chính phủ, các bộ cần thể hiện rõ vai trò giám sát, “thổi còi” bất cứ địa phương nào cản trở việc di chuyển, đi lại của người dân theo Nghị quyết 128.

Thậm chí, việc đình chỉ chức vụ hoặc cách chức lãnh đạo địa phương làm trái quy định của Chính phủ về “thích ứng an toàn” với Covid–19 cần được tính đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...