Cuộc họp báo diễn ra ngay sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9. Thông tin về kết quả phiên họp thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, ý kiến của nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nhận định: đến nay, chúng ta có đủ cơ sở chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Việc sớm ban hành một hướng dẫn tạm thời, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay về công tác phòng chống dịch theo chuyển hướng chiến lược là cần thiết nhằm thực hiện từng bước việc mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và an toàn dịch bệnh.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin: tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, chỉ có sự lựa chọn tối ưu, không có sự lựa chọn hoàn hảo.
Từ yêu cầu thực tiễn về công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội; Thủ tướng nhấn mạnh phải có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Trong phòng chống dịch bệnh, công tác phòng ngừa có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định trong bối cảnh chúng ta chưa bao phủ được hết vaccine. Chúng ta có lộ trình mở của nhưng phải bảo đảm an toàn. Trong thực hiện tiêm chủng, phải có cách làm khoa học, phải có sự ưu tiên cho địa bàn, đối tượng, những nơi, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Quán triệt thực hiện nguyên tắc 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân, với 3 trụ cột chính: cách ly, xét nghiệm, điều trị. Trong 3 trụ cột nêu trên, cách ly cần thực hiện ở phạm vi hẹp nhất có thể, phải chặt, ngặt nghèo, đúng nguyên tắc, bảo đảm hiệu quả.
Xét nghiệm phải trên tinh thần khoa học, hợp lý, hiệu quả. Về điều trị, phải có sự phân loại, chăm sóc, tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để dẫn đến quá tải hệ thống y tế và khủng hoảng y tế, hạn chế thấp nhất các ca tử vong.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn trao đổi: Chính phủ thống nhất nhận định, dù trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh kéo dài, song tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 tiếp tục được duy trì.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý III giảm mạnh do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tạm dừng nhưng tính chung 9 tháng, nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương 1,42%.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất trong lịch sử tăng trưởng kinh tế của Việt Nam kể từ khi số liệu GDP được công bố.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Tính chung 9 tháng năm 2021, GDP chỉ tăng 1,42%, là mức tăng thấp nhất kể từ trước tới nay.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9.2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 2,06% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng bình quân 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020.