Không thể coi ChatGPT đe dọa lĩnh vực giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - ChatGPT có thể làm cho giáo dục tốt lên nên không thể coi là đe dọa lĩnh vực này.

Biểu tượng của ChatGPT và Open AI. (Ảnh: Reuters).
Biểu tượng của ChatGPT và Open AI. (Ảnh: Reuters).

ChatGPT cũng là trợ thủ cho giáo viên

Chiều 13/2, Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Tọa đàm có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ.

Thảo luận tại tọa đàm, TS Nguyễn Thành Nam - Nhà sáng lập FUNiX ví ChatGPT như nguồn nước mát, cơn mưa rào. Mục tiêu cuối cùng của giáo dục là tự học. Nếu khai thác tốt, ChatGPT có thể giúp chúng ta thực hiện mục tiêu này.

Do đó, ChatGPT có thể làm cho giáo dục tốt lên nên không thể coi là đe dọa lĩnh vực này. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận vào công nghệ mới như ChatGPT theo hướng tích cực, để ứng dụng này có thể phục vụ đắc lực cho công việc của mình.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (ngoài cùng bên trái) và các diễn giả thảo luận về chủ đề “Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (ngoài cùng bên trái) và các diễn giả thảo luận về chủ đề “Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục”.

Với chuyên gia giáo dục TS Lê Thống Nhất, ChatGPT đang là trợ thủ của ông. Chuyên gia này nhìn nhận, ChatGPT cũng là trợ thủ cho giáo viên. “Tại một số quốc gia, họ sử dụng ChatGPT để có tư liệu cho giảng dạy, học tập. Vì thế, chúng ta không nên cấm sử dụng ChatGPT. Tuy nhiên, để sử dụng như thế nào thì đó là một vấn đề lớn” - TS Lê Thống Nhất đặt vấn đề.

PGS.TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội) – nhìn nhận, ChatGPT là bản Demo cho trí tuệ nhân tạo (AI). Vấn đề đặt ra là, cách dùng như thế nào? Sẽ không ai có cảm giác bị đe dọa nếu chúng ta tiếp cận theo hướng tích cực và với tâm thế đón nhận cái mới.

TS Lê Thống Nhất: Chúng ta không nên cấm sử dụng ChatGPT.

TS Lê Thống Nhất: Chúng ta không nên cấm sử dụng ChatGPT.

Theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, khi đưa công nghệ vào giáo dục, giảng viên, cơ sở giáo dục đại học sẽ hiểu sinh viên hơn. Gần đây, nhiều trường đại học có ý định cấm sinh viên sử dụng ChatGPT.

Tuy nhiên, đó là tư tưởng bảo thủ. Thay vì tranh luận với sinh viên có sử dụng ChatGPT hay không, thì giảng viên có thể thảo luận, để cùng đồng hành hỗ trợ và hướng dẫn người học sử dụng ChatGPT theo hướng tích cực. Khi đó kết quả học tập của sinh viên sẽ được nâng lên.

Nhấn mạnh, đến thời điểm này, ChatGPT là phiên bản thể hiện thành công của AI, ông Phùng Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam – cho rằng, đây là sự thú vị nhưng cũng có nhiều cám dỗ. ChatGPT là biểu hiện thành công của một xu hướng công nghệ AI trên toàn cầu. Đây là sự khuyến khích để các công nghệ khác được xã hội hóa.

PGS.TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội)

PGS.TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội)

Chủ thể vẫn là người thầy

Khẳng định, ChatGPT như một cơ hội; PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) – bày tỏ, phần mềm ứng dụng này cũng là cơ hội giải phóng cho giáo viên khi phải thực hiện những công việc lặp lại.

Mặt khác, đây cũng là cơ hội để giáo dục chuyển đổi số. Tuy nhiên, thầy cô giáo cần chuyển đổi phương pháp dạy học, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên nếu muốn các em chiếm lĩnh kiến thức.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi, thế giới tồn tại vật chất và phi vật chất. Phi vật chất có mấy loại: thứ nhất là từ dữ liệu cho đến thông tin. Từ thông tin cho tới kiến thức. Từ kiến thức cho tới tri thức và lên nữa là trí tuệ.

“Tại sao chúng ta hào hứng với những công nghệ mới? Bởi vì nó cho phép chúng ta chia sẻ thông tin, kiến thức và có thể sau này sẽ là tri thức” – Thứ trưởng nêu vấn đề.

PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Theo Thứ trưởng, nhiệm vụ của ngành Giáo dục không chỉ chia sẻ thông tin, mà còn chia sẻ kiến thức, tri thức. Từ trước đến nay, ngành Giáo dục vẫn thực hiện sứ mệnh này. Càng chia sẻ nhiều tri thức, càng làm giàu cho người dân và xã hội. Đáng nói, tri thức không bị bào mòn, thậm chí càng phát triển.

Với ngành Giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy. Tuy nhiên, không chỉ người thầy với những bài giảng, mà chúng ta còn có công nghệ. Công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay. Đó câu chuyện về dạy học trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ hội lớn mà chúng ta cần có những chính sách kịp thời.

Tất nhiên, sẽ còn nhiều sự thay đổi và còn nhiều tiến bộ. Không có chính sách nào bắt kịp tương lai lâu dài. Tuy nhiên trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này và tâm thế đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng cũng không quá lo ngại, hay hoảng sợ.

Ông Phùng Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam

Ông Phùng Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam

“Cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó. Hãy cảm nhận, trải nghiệm nó để hiểu nó hơn” – Thứ trưởng nói. Các nhà trường, các tổ chức sau khi đã dùng, đã trải nghiệm, sẽ thảo luận và làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT cũng như các công nghệ khác mang lại cho chúng ta. Từ đó có những chính sách lâu dài để cơ quan quản lý Nhà nước có những chính sách kịp thời.

Chúng ta có công nghệ, chúng ta hãy giúp các nhà giáo giảm bớt những công việc tay chân. Chúng ta đưa công nghệ vào giáo dục để tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng và bình đẳng trong giáo dục.

Thứ trưởng đặt vấn đề, khi ứng dụng công nghệ, làm sao để hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào những công nghệ. Làm sao chúng ta mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học; đồng thời giảm chi phí trong giáo dục để mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, tất cả chính sách đều hướng đến giữ cho nền giáo dục trong sạch ở mọi nơi, với đạo đức trong nhà trường. Đó là những chính sách mà Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để điều chỉnh. Chúng ta còn rất nhiều thời gian và sẽ hào hứng chờ đợi những phát triển công nghệ mới trong thời gian tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ