Vai trò người thầy không mất đi nhưng ngày một thay đổi trước ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có ChatGPT, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Chương trình toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Chương trình toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khi phát biểu khai mạc Chương trình tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”

Thứ trưởng nhìn nhận, những ngày qua, chúng ta chứng kiến sự hào hứng trong việc tiếp nhận, khai thác, sử dụng và truyền bá công cụ ChatGPT như một phát kiến rất lớn của con người.

Công nghệ thông tin trong nhiều thập kỷ qua mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Sự ra đời của những công nghệ, công cụ mới đều giúp cho công việc của chúng ta trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt, trong ngành Giáo dục, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục.

Trong thời kỳ Covid-19, chúng ta chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong việc chuyển từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến, với nhiều công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu.

Nhắc lại câu nói “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, Thứ trưởng nhấn mạnh, trước kia, ngành Giáo dục, hay là các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức. Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm.

Chúng ta chứng kiến sự ra đời của nhiều công nghệ, chẳng hạn: lúc đầu rất nhiều người lo lắng, từ sự ra đời của radio, tivi, camera, công nghệ dạy học trực tuyến.

Nhiều người lo lắng vai trò người thầy sẽ mất đi, giáo dục cũng sẽ có những thách thức rất lớn. Cuối cùng chúng ta đều thấy, tất cả những công nghệ đó đều giúp cho không chỉ ngành Giáo dục, mà đặc biệt ngành Giáo dục đều có những bước tiến lớn.

Với công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng, chắc chắn trong chúng ta đây ai cũng có trải nghiệm ở mức độ khác nhau và đều có tâm lý hào hứng với công cụ này.

Để nhìn rõ bản chất về nó, đứng từ phía các nhà công nghệ, những chuyên gia công nghệ, và đứng từ phía khai thác sử dụng, từ phía chuyên gia giáo dục, làm sao quản lý, hỗ trợ về mặt chính sách để có thể phát huy những tính năng, lợi thế của công cụ này nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung; cũng như để hạn chế những mặt trái, tác động tiêu cực của những công nghệ, công cụ này.

“Hôm nay, Bộ GD&ĐT giao cho Viện Khoa học giáo dục tổ chức Tọa đàm để chúng ta từng bước làm rõ những vấn đề này. Chắc chắn những công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục, từ chương trình giáo dục, cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học.

Đặc biệt, quan trọng đây là vai trò cá nhân hóa, cá thể hóa quá trình học tập của người học, và ngày càng hướng tới quá trình dạy và học, hướng tới người học nhiều hơn là người dạy” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, vai trò người thầy sẽ thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để không chỉ là thích ứng mà còn đón đầu và còn để phát huy những lợi thế của công nghệ.

Người học sẽ phải thay đổi như thế nào và chính sách của Nhà nước sẽ phải thay đổi, điều chỉnh như thế nào để chúng ta tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại.

"Đấy là những nội dung mà Bộ GD&ĐT rất mong muốn các chuyên gia quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo từ các trường đại học, từ các viện nghiên cứu và từ xã hội, chúng ta cùng thảo luận cởi mở" - Thứ trưởng nói.

Bộ GD&ĐT sẽ có những nghiên cứu thấu đáo, để từng bước rà soát và có những điều chỉnh về chính sách trong thời gian tới. Buổi tọa đàm đã và đang nhận được sự quan tâm lớn. Chắc chắn chủ đề này sẽ còn tiếp tục và từng bước giúp chúng ta nhận thức đúng đắn hơn về công nghệ. Từ đó, có những giải pháp định hướng phù hợp trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ