Chủ động đón nhận ChatGPT

GD&TĐ - Sự xuất hiện của ChatGPT vừa là cơ hội, vừa là thách thức với ngành Giáo dục. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Do đó, việc cần làm là thích ứng với phần mềm ứng dụng này và hướng dẫn người học sử dụng một cách thông minh.

Không phải “chìa khóa” vạn năng

Trải nghiệm với ChatGPT được gần một tháng, Trần Hữu Phúc - lớp D22CQCN10-B, Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Bưu chính viễn thông (Hà Nội) khá hài lòng với kết quả mang lại. Chưa đầy 5 phút, ChatGPT đã cho Hữu Phúc một bản tham luận dài gần 5 trang giấy A4, với nội dung như mong muốn.

“ChatGPT giúp ích nhiều cho ngành Công nghệ thông tin. Nó giải thuật toán rất hay. Vì thế, nếu sử dụng ChatGPT một cách thông minh sẽ hỗ trợ hữu ích trong học tập” - Hữu Phúc chia sẻ. Tuy nhiên, Hữu Phúc thừa nhận, dù thông minh đến đâu nhưng ChatGPT sẽ không thay thế được người thầy.

Thay vì cấm đoán cực đoan với ChatGPT, cô Dương Thị Thanh Tâm - Trường THPT Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội) đón nhận ChatGPT như bao phần mềm ứng dụng khác. Theo cô, ChatGPT không xấu đến mức phải kỳ thị hoặc tẩy chay. Vấn đề là sử dụng nó như thế nào? Với cô, ChatGPT giúp ích nhiều trong công việc. Vì thế, cô sẵn sàng hỗ trợ học sinh, đồng nghiệp nếu cần tài khoản ChatGPT.

Thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã dành thời gian để tìm hiểu và tiếp cận phần mềm ứng dụng này. Trên trang cá nhân của mình, thầy Mạnh viết, IQ thì có thể được thay thế bởi ChatGPT nhưng trí tuệ cảm xúc (EQ) chắc còn lâu lắm.

Đây là lúc giáo dục, dạy học cần xem xét nghiêm túc hơn việc chú trọng thông minh cảm xúc thay vì những ưu tiên truyền thống về kiến thức và kỹ năng. Cần hướng đến thẩm quyền người học, một thứ “sư phạm tự quyết, tự định hướng và tự điều chỉnh” xuất phát từ chính học trò.

Còn PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, ChatGPT hiện chưa ảnh hưởng tới các cơ sở đào tạo chuyên sâu về công nghệ cũng như ngành liên quan đến tính toán số liệu. Trước mắt, nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi ứng dụng này nhiều nhất là Khoa học xã hội và nhân văn, Kinh tế quản lý và luật.

Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cũng giao bộ phận chuyên môn cho nghiên cứu phần mềm này. Theo đánh giá chung, phần mềm này có nhiều tính năng, làm dấy lên lo ngại về vấn đề “đạo văn”. Song, theo TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng nhà trường, chúng ta không nên quá lo lắng về việc này. Nếu bài tập giao cho sinh viên theo hướng mở hoặc một số vấn đề cụ thể thì ChatGPT khó có thể giải quyết được.

ChatGPT không phải là “chìa khóa” vạn năng có thể giải quyết tất cả vấn đề mà người dùng mong muốn. Ngoài ra, các dữ liệu trên ChatGPT đều không được kiểm chứng. Cho nên thầy cô giáo chỉ cần nhìn số liệu là biết độ thật - giả đến đâu.

Sinh viên Trần Hữu Phúc sử dụng ChatGPT để phục vụ cho học tập. Ảnh: NVCC

Sinh viên Trần Hữu Phúc sử dụng ChatGPT để phục vụ cho học tập. Ảnh: NVCC

Tận dụng sức mạnh của ChatGPT

Cũng theo TS Hoàng Xuân Hiệp, các trường cần tận dụng được sức mạnh của ChatGPT để giúp sinh viên học tập, nghiên cứu. “Chúng ta nên tận dụng mặt tốt của ChatGPT giống như sử dụng Google” - TS Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, cần có giải pháp phòng ngừa sinh viên sử dụng ChatGPT để thực hiện hành vi gian lận trong quá trình học tập cũng như nghiên cứu khoa học.

Ngoài siết chặt vấn đề liêm chính học thuật với giảng viên, sinh viên, phải tính đến đề thi ra như thế nào trong thời ChatGPT, tránh người học lạm dụng ứng dụng này. Tiểu luận yêu cầu thành mấy bước, từ nộp đề cương, cho đến bài hoàn chỉnh. “Nếu quy trình chặt chẽ, không ChatGPT nào có thể làm thay được” - TS Hoàng Xuân Hiệp quả quyết.

Nhấn mạnh, các trường cần thích nghi và tận dụng lợi thế của ChatGPT để phục vụ giáo dục, đào tạo, PGS.TS Nguyễn Hà Nam - Chánh văn phòng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trao đổi, cần tăng cường sáng tạo trong dạy và học, vì ChatGPT cơ bản không phải là thứ biết sáng tạo. Chẳng hạn, các trường có thể tăng cường tổ chức thi trên giảng đường. Trước đây, chúng ta giao bài tập cho sinh viên nghiên cứu tại nhà. Tuy nhiên, nếu lo ngại sinh viên có thể dùng ChatGPT để làm bài, các trường phải đổi phương pháp thi cử.

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT nêu quan điểm, ChatGPT cũng là một dạng tra cứu thông tin trên Internet. Vấn đề này đã tồn tại, chẳng qua một số trường, thậm chí giáo viên, giảng viên đang giảng dạy như không có Internet. Cho nên, sự xuất hiện của ChatGPT khiến nhiều người “choáng”. Nếu thầy, cô giáo cảm nhận là đang dạy học trong môi trường có Internet cách đây 10 năm, thì sự xuất hiện của ChatGPT rất bình thường.

“Thực tế, không có ChatGPT, giáo viên vẫn phải dùng Internet để tra cứu thông tin, hướng dẫn sinh viên sử dụng Internet để phục vụ học tập. Nay có thêm ChatGPT thì càng tốt; bởi trước đây, sinh viên, giảng viên phải tra cứu 4 - 5 chỗ mới có tài liệu tham khảo. Bây giờ, có thể chỉ cần sử dụng ChatGPT là đủ” - TS Lê Trường Tùng bày tỏ, đồng thời cho rằng, cái khó là thông tin không có nguồn gốc. Vì thế, chỉ nên sử dụng thông tin mà ChatGPT cung cấp theo tính chất tham khảo.

Theo TS Lê Trường Tùng, sự xuất hiện của ChatGPT như thêm một phương thức để khai thác thông tin trên Internet. Vì thế, thay vì cấm sử dụng ChatGPT, chúng ta nên thích ứng và biết cách khai thác để phục vụ cho học tập và công việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ