“Vãi chưởng” khi nói chuyện
Trẻ nhỏ đôi khi muốn người lớn chú ý, ngạc nhiên hay gây cười. Đây cũng là lý do trẻ học nói bậy. Thế nhưng, hầu hết trẻ ở độ tuổi nhỏ, còn chưa hiểu hết những gì mình nói là nói bậy.
Đôi khi, trẻ học được từ những người xung quanh. Trẻ thấy được khi có người nói câu đó thì người khác cười phá lên. Vì vậy, trẻ vô tình cho rằng, đó là cách gây sự chú ý, hay làm mọi người cười vì mình.
Theo Thạc sĩ ngôn ngữ Lê Lan Anh – Trường Đại học Sư phạm HN, rất nhiều trẻ không hề biết được câu nói bậy của mình có ý nghĩa gì. Cô nói: “Hiện nay, ở những bạn trẻ, thậm chí cả người lớn, những tiếng lóng kiểu như “vãi chưởng” đã trở thành từ đệm quen thuộc mỗi khi nói chuyện, thậm chí là những câu nói mang ý bậy bạ hay thô tục.
Với trẻ em, chúng học nhiều từ cuộc sống xung quanh, từ môi trường mà chúng được sống hàng ngày nên việc trẻ còn nhỏ tuổi đã nói từ lóng hay nói bậy không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên, nhiều trẻ được hỏi từ đó nghĩa là gì thì trẻ không biết. Như vậy, cách nói của trẻ là muốn gây sự chú ý, gây cười, chứ không mang dụng tâm nói bậy”.
ThS Lê Lan Anh cũng chia sẻ thêm, đối với cha mẹ, cần phân biệt đâu là ngôn ngữ của trẻ, đâu là những câu nói bậy cần điều chỉnh. Tuy nhiên, trong hầu hết mọi trường hợp, học nói những từ vựng mới, trải nghiệm suy nghĩ của bé có thể là: “Đây là những gì mình nghe được từ người lớn, thú vị quá nên mình thử xem chuyện gì sẽ xảy ra khi nói như thế”. Cho dù những từ không hay này xuất phát từ đâu, vẫn luôn cần thiết để dạy con ngoan biết đó là điều không thể chấp nhận được.
Cũng theo Thạc sĩ Lê Lan Anh, từ bắt chước nói bậy đến trẻ chửi bậy cũng xảy ra rất nhiều nếu cha mẹ không để tâm. Nếu con chửi bậy khi thấy tức tối, buồn bã hay mệt mỏi, người lớn cần hướng dẫn con nói những câu khác thể hiện sự bực dọc đó thay vì văng ra những từ tục tĩu. Tuy nhiên, khi con làm theo, cha mẹ hãy quan tâm và giải quyết khúc mắc cùng con để trẻ hiểu rằng việc dùng từ ngữ khác cũng gây được sự chú ý và hiệu quả.
Khi con lớn hơn, bạn có thể giải thích cho trẻ hiểu với mỗi nhóm đối tượng, chúng ta có thể sử dụng ngôn từ, cách nói chuyện khác nhau. Nhưng sẽ có những từ ngữ con tuyệt đối không được dùng. Điều này cần được quy định rõ ràng ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
Vô tình “động viên” con nói bậy
Trên thực tế, đôi khi trẻ không hiểu rõ ý nghĩa của những từ tục tĩu, không biết lời nói của mình có thể gây tổn thương hoặc xúc phạm người khác.
Trường hợp này, bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh, đừng nổi nóng hay đánh mắng trẻ. Người lớn cũng cần xem lại xem mình đã từng nói như vậy để trẻ học theo và tự nhận lỗi với trẻ, đồng thời cam kết sau này sẽ không được phép nói như vậy nữa. Nếu cha mẹ chỉ dạy con bằng lý thuyết mà tự bản thân không làm theo thì việc dạy trẻ không có nhiều tác dụng.
Cô giáo Vũ Thu Lan – Giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, HN) chia sẻ: “Đối với trẻ ở cấp tiểu học, ngôn ngữ của trẻ nhỏ đôi khi không phải là những từ ngữ thô tục nhưng lại gây tổn thương cho người khác như “đồ ngu”, “đứa này đần độn”….
Người lớn không nên quy kết đó là “nói bậy bạ” để trẻ hiểu sai, mà hãy giúp trẻ hiểu rằng, không được phép nói về bạn bè, người lớn hay bất kỳ ai như vậy, nó sẽ làm người khác khó chịu, gây ra tổn thương tâm lý hoặc ức chế. Như vậy, không chỉ là những từ ngữ tục tĩu mà cả những câu nói thiếu tôn trọng cũng cần tạo giới hạn để trẻ hiểu là mình không được phép nói”.
Ngay cả khi bé không chửi thề, mà nói những từ liên quan đến chuyện đi vệ sinh mang ý nghĩa thô thiển, bạn không nên cười. Điều này sẽ khiến bé cảm thấy thú vị và chắc chắn lặp lại hành động đó một lần nữa.
Nhiều người cho rằng, đó là ngôn ngữ ngây ngô của trẻ con, lớn lên sẽ hết. Tuy nhiên, khả năng khiến người lớn cười hoặc giận hoặc buồn là một điều thôi thúc thật sự mạnh mẽ khi trẻ còn nhỏ và hành vi này sẽ được lặp lại.
Điều quan trọng nhất khi cha mẹ trực tiếp nghe được trẻ nói những ngôn ngữ đó, hãy giải thích cho con biết rằng từ ngữ này không hay chút nào, dù đó không phải là nói bậy. Thay vào đó, hãy nói một từ cùng nghĩa khác mà lịch sự hơn, khiến người nghe thấy vui vẻ tiếp nhận hơn.
Ngôn ngữ của trẻ có thể không phải là những từ lóng, nhưng từ những ngày mẫu giáo, trẻ đã được cô dạy “cái miệng nó xinh thế, chỉ nói lời hay thôi”. Vậy nên, những người xung quanh hãy cùng trẻ “lớn lên” với những lời hay, ý đẹp, không phải chỉ là những từ ngữ tục tĩu không được phép nói mà còn là những câu từ gây ra tổn thương cho người khác.
Nếu một đứa trẻ sống trong môi trường có giáo dục, bố mẹ cư xử hòa nhã và sử dụng những lời hay ý đẹp, không nói tục, chửi bậy khi nóng giận thì chúng sẽ được hình thành nhân cách, lối ứng xử tốt về lâu dài. Ngược lại, trẻ được “nuôi dưỡng” trong một môi trường xung quanh có nhiều phát ngôn thiếu tôn trọng, thô tục, bậy bạ, trẻ sẽ dễ bị nhiễm mà lớn lên cũng không hiểu được điều này sẽ khiến người khác có cái nhìn không thiện cảm về mình.