Không phải học nghề là 'chân lấm, tay bùn'

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, giáo dục nghề nghiệp vẫn bị coi là thấp kém. Quan niệm học dốt mới đi học nghề là không phù hợp. 

Phụ huynh, học sinh huyện Xín Mần (Hà Giang) đến thăm Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: NTCC
Phụ huynh, học sinh huyện Xín Mần (Hà Giang) đến thăm Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: NTCC

Giáo dục nghề nghiệp vẫn bị coi là thấp kém

Với 3 năm học THPT có học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt nhưng Nguyễn Văn Tùng (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn chọn Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội để theo học. Đặc biệt tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Tùng đạt 22,5 điểm tổ hợp (Toán, Lý, Hóa). Với mức điểm này, em có cơ hội trúng tuyển vào nhiều cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, Tùng vẫn kiên định chọn học cao đẳng.

Lý giải về việc này, Tùng chia sẻ: “Em chọn học trường cao đẳng vì thời gian đào tạo ngắn hơn, ra trường dễ có cơ hội việc làm hơn. Em nghĩ học gì, làm gì cũng đáng trân quý, miễn là mình nỗ lực, cố gắng và tâm huyết với sự lựa chọn của mình. Em sẽ phấn đấu, rèn luyện để sau khi ra trường có được công việc như mong muốn và trở thành một cán bộ kỹ thuật lành nghề”.

Theo TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, về cơ bản, chương trình đào tạo của các trường cao đẳng đều thiên về dạy thực hành và chiếm đa số học phần. Một số trường chất lượng cao, giờ thực hành được bố trí nhiều hơn, có thể lên tới 70 - 80%. Tuy nhiên, dù ở bậc học nào, việc đầu tiên là các em phải thấy phù hợp với năng lực của bản thân, phù hợp với sở trường và đam mê của mình.

Ở thời điểm này, học sinh lớp 12 đang đứng trước nhiều cơ hội và lựa chọn cho con đường học tập, nghề nghiệp và sự nghiệp sau này. TS Đồng Văn Ngọc nhìn nhận, không ít bạn được định hướng và tư vấn hướng nghiệp tốt nên lựa chọn được ngành học, trường học phù hợp với năng lực cá nhân cũng như các điều kiện khác. Tuy nhiên, không ít bạn lựa chọn ngành học mà chưa hiểu bản chất về ngành nghề đó? Sau tốt nghiệp sẽ làm việc ở đâu và thu nhập ra sao?

Cũng không ít bạn chọn trường học nhưng không biết trường đó có thương hiệu như thế nào? Thành tích trong đào tạo, cơ hội việc làm và lợi ích mà trường có thể mang lại?... “Do đó, nếu thiếu thông tin về ngành nghề và cơ sở đào tạo, thì các bạn sẽ bị thiệt thòi hơn so với những người chọn được nghề, trường có thương hiệu và chất lượng tốt” - TS Đồng Văn Ngọc trao đổi.

Cho rằng, giáo dục nghề nghiệp vẫn bị coi là thấp kém; TS Đồng Văn Ngọc cho hay, có không dưới 70% phụ huynh cho rằng, học trường cao đẳng nghề xong sẽ làm công nhân. TS Đồng Văn Ngọc khuyến nghị, những học sinh tài năng thì hãy học đại học, còn nếu học đại học chỉ vì theo nguyện vọng của bố mẹ hoặc học trong tâm thế: Miễn sao có bằng đại học thì nên dừng lại. “Học nghề không phải là “chân lấm, tay bùn”. Chúng tôi có những phòng học không thua kém gì các trường quốc tế, nhiều trường đại học lớn cũng không có” - TS Đồng Văn Ngọc cho hay.

Chương trình tư vấn hướng nghiệp của Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội tại Trường THPT Hà Bắc (Hải Dương). Ảnh: NTCC.

Chương trình tư vấn hướng nghiệp của Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội tại Trường THPT Hà Bắc (Hải Dương). Ảnh: NTCC.

Học dốt mới đi học nghề…?

Tại Hội nghị về công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2023, ông Nguyễn Đức Lưu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh - trăn trở, dư luận vẫn còn tư tưởng người học giỏi mới học đại học, còn học dốt thì chọn trường nghề. Thực tế, nhiều học sinh học giỏi nhưng vẫn đi học nghề vì thiên hướng của họ là phát triển kỹ năng nghề. “Học sinh có khả năng học đại học thì chọn đại học, còn em nào muốn rèn luyện, phát triển tay nghề thì hãy chọn cao đẳng” – ông Lưu khuyến nghị.

Theo ông Lưu, cần tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh một cách khoa học. Qua đó, có thể phân luồng xu thế năng lực, tố chất, năng khiếu của các em khi học THCS, THPT; tránh tình trạng học sinh chọn nhầm môi trường học tập hoặc chọn nhầm nghề, dẫn đến học xong không được thị trường lao động đón nhận. “Chúng ta có thể “bắt tay” với Bộ GD&ĐT để cùng truyền thông về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Qua đó, giúp phụ huynh, học sinh nhận thức đúng đắn, phù hợp về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” – ông Lưu nhấn mạnh.

ThS Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội – tư vấn: Các em có thể học cao đẳng, học nghề hoặc có thể tiếp tục ôn thi để chờ cơ hội xét tuyển của năm sau… Quan trọng là, các em cần xác định rõ tư tưởng, mong muốn của mình và không nên nản chí. Các có thể bàn với gia đình và xin ý kiến của bố mẹ để có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp với bản thân và điều kiện của gia đình.

Cũng tại hội nghị về công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp, ông Phạm Ngọc Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) - thông tin: Mỗi năm, Vụ tổ chức 4 - 5 chương trình, cuộc thi được đầu tư công phu. Chẳng hạn như: Tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu. Hay cuộc thi, dự án khởi nghiệp được tổ chức hằng năm. Đằng sau những tấm gương học sinh, sinh viên, sản phẩm khởi nghiệp là những câu chuyện hay, là chất liệu tốt để truyền thông cho giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, nhiều trường cao đẳng, trường nghề đến các địa bàn, trường THPT để tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Đây là cách truyền thông hiệu quả. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nếu thầy, cô giáo trong trường hướng nghiệp cho học sinh của mình. “Chúng tôi dự định phối hợp với Trung ương Đoàn để đào tạo cho cán bộ Đoàn trong các nhà trường phổ thông. Họ sẽ là cánh tay nối dài về truyền thông, hướng nghiệp. Đồng thời, chúng tôi sẽ tập huấn cho cán bộ quản lý, nhà giáo để họ trở thành các chuyên gia hướng nghiệp” – ông Thắng trao đổi.

Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái - đề nghị, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu chính sách hỗ trợ cơ chế trong việc truyền thông theo từng giai đoạn. Đồng thời, có chương trình truyền thông cho từng vùng và khu vực khác nhau về điều kiện kinh tế, xã hội. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về giáo dục nghề nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh trên địa bàn.

Theo TS Đồng Văn Ngọc, hiện chỉ tồn tại hệ cao đẳng, không có hệ cao đẳng nghề. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn có tên là cao đẳng nghề. Điều này ít nhiều tác động đến tâm lý của phụ huynh và học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

Nhân viên văn phòng là gìTìm hiểu mbti và cách áp dụng