Định hướng nghề nghiệp sớm giúp học sinh phát huy sở trường

GD&TĐ - Việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp học sinh sau THCS, THPT giúp các em nhận biết khả năng, chọn đúng nghề phù hợp với năng lực, sở trường.

Học sinh Quảng Trị được tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
Học sinh Quảng Trị được tư vấn, định hướng nghề nghiệp.

Hướng nghiệp để học sinh chọn đúng nghề

Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục, được các nhà trường chú trọng, lên kế hoạch và thực hiện cụ thể. Nhiều trường học đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Đình Nghĩa – Hiệu trưởng Trường PTDTBT – Tiểu học và THCS Hướng Lập cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành trong việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, mỗi tháng nhà trường tổ chức một tiết giảng dạy hướng nghiệp cho học sinh lớp 9.

Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên kết nối, hợp tác với các trường THPT trên địa bàn, các trường ngoại tỉnh: Trường Cao đẳng Luật Miền Trung (Đồng Hới, Quảng Bình), Trường cao đẳng nghề Quảng Bình... để tư vấn, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh.

Theo thầy Nguyễn Đình Nghĩa, nhờ công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh được nhà trường triển khai sớm nên cuối năm lớp 9, đa số học sinh của trường tham gia học tập ở các trường nghề. Đặc biệt, năm vừa qua tỉ lệ học sinh tham gia học nghề đạt hơn 70%.

“Nhà trường và cán bộ giáo viên luôn quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thông qua những buổi trao đổi, giáo viên phân tích để học sinh hiểu và lựa chọn nghề phù hợp, nhằm mang lại lợi ích trong tương lai. Qua đó, học sinh của nhà trường cũng nắm bắt thông tin và đưa ra những lựa chọn cho bản thân”, thầy Nghĩa cho hay.

Học sinh trao đổi thông tin về ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng, cơ hội của mỗi ngành. (Ảnh: Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị).

Học sinh trao đổi thông tin về ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng, cơ hội của mỗi ngành. (Ảnh: Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị).

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị phối hợp với huyện Đakrông tổ chức chương trình giao lưu, đối thoại về việc làm cho đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn. Chương trình đã thu hút hàng trăm học sinh tại các trường THCS, THPT địa bàn huyện Đakrông tham gia, cùng nhiều đoàn viên, thanh niên. Tham gia chương trình, các bạn học sinh, đoàn viên, thanh niên có cơ hội giao lưu, trao đổi, lắng nghe đại diện các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn, định hướng nghề nghiệp, lựa chọn việc làm...

Thầy giáo Trần Đăng An - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Đakrông (Quảng Trị) cho biết, công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh được nhà trường quan tâm triển khai. Hàng năm, nhà trường đều phối hợp với các Trung tâm GDTX, các trường Đại học, Cao đẳng để tư vấn hướng nghiệp cho các em.

Qua các chương trình tư vấn giúp học sinh tự định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Đặc biệt là những em có nhu cầu xuất khẩu lao động, làm việc trong và ngoài nước. Nếu công tác hướng nghiệp được triển khai thường xuyên sẽ giúp ích cho học sinh.

Theo thầy giáo Trần Đăng An, đối với học sinh lớp 9, việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm giúp các em lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân.

“Khi học xong lớp 9, các em có thể vào làm việc các nhà máy, công xưởng. Những em có năng lực tốt có thể học nghề ở các trường trung cấp, thậm chí có nguyện vọng học cao hơn nữa tùy vào khả năng của mỗi em”, thầy An cho hay.

Thực tế thời gian qua, một bộ phận học sinh của trường sau khi tốt nghiệp lớp 9 lựa chọn con đường vào làm việc ở các công ty ở trên địa bàn hoặc tỉnh khác; một số em xuất khẩu lao động đi nước ngoài. Khoảng 30% học sinh có nguyện vọng học tiếp lên cao.

Hướng nghiệp sớm để tránh lãng phí thời gian

Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT là một trong những nội dung quan trọng của giáo dục hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sẽ tạo lối đi đúng, phù hợp với nguyện vọng, năng lực bản thân, điều kiện hoàn cảnh kinh tế gia đình và nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp; nhận thức đối với giáo dục nghề nghiệp chưa đúng. Đặc biệt, với tâm lý xem đại học là con đường lập nghiệp duy nhất nên phần lớn phụ huynh đều muốn con em sau tốt nghiệp THCS là học THPT, sau đó là vào đại học, cao đẳng.

Qua các buổi tư vấn, đối thoại nghề nghiệp, học sinh, đoàn viên thanh niên có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp để theo học, việc làm phù hợp.

Qua các buổi tư vấn, đối thoại nghề nghiệp, học sinh, đoàn viên thanh niên có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp để theo học, việc làm phù hợp.

Bên cạnh đó, phần lớn học sinh chọn hướng học tập, định hướng nghề nghiệp, chọn nghề không tìm hiểu kỹ nhu cầu xã hội, dẫn đến tình trạng học xong không tìm kiếm được việc làm, gây lãng phí thời gian, công sức lẫn tiền bạc.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Trị về đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các địa phương triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT và các trường học thực hiện đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.

Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, có 90% trường THCS, 100% trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 90% trường THCS, 100% trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ. Có ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Quảng Trị sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân luồng học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, chú trọng công tác giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, giúp học sinh có thể lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường cá nhân và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, địa phương.

Từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp trong các trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp; thực hiện các chính sách đối với học sinh đi học nghề; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh; đẩy mạnh công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, huy động học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.