LGBT: Họ là ai
LGBT không phải là sản phẩm của cuộc sống hiện đại mà ngay từ xa xưa đã ghi nhận nhóm người này với tên như đồng tính luyến ái, hai phai, pê đê…
Theo thống kê sơ bộ, 5% dân số trên toàn thế giới thuộc nhóm cộng đồng trên. Họ có thể là những người sống xung quanh bạn, thậm chí là bạn bè, đồng nghiệp hay chính người thân trong gia đình.
Nghiên cứu của các nhà sinh học cho thấy, bất kỳ tế bào nào của cơ thể loài người cũng đều có 21 cặp nhiễm sắc thể thường và một cặp nhiễm sắc thể giới tính.
Ở phái nữ, nhiễm sắc thể quy định giới tính là X và X, còn ở nam là X và Y. Đôi nhiễm sắc thể giới tính này quyết định những khác biệt giới tính giữa hai phái, trong đó có bộ sinh dục ngoài.
Bên cạnh đó, bộ não nam và nữ cũng khác nhau. Não có một vùng đặc biệt gọi là hạ đồi, tiết ra nội tiết tố có tác dụng kích thích tinh hoàn hay buồng trứng sản xuất ra nội tiết tố giới tính. Trong não còn có trung tâm xác định đối tượng tình dục mà nếu bị trục trặc thì có thể nó sinh ra chuyện... yêu người cùng phái.
Có thể phân chia giới tính thành 3 kiểu dựa theo khuynh hướng tình dục. Đó là dị giới tính luyến ái, chiếm đa số nhân loại. Nếu là nam, họ sẽ có cặp nhiễm sắc thể XY trong tế bào và chỉ yêu người khác phái, người có cặp nhiễm sắc thể XX. Tiếp đó là đồng tính luyến ái.
Về mặt sinh học, những người đồng tính luyến ái hoàn toàn bình thường. Nam giới bị “pê đê” không phải do thiếu nội tiết tố sinh dục nam testosterone, nên họ chẳng cần thử máu để biết nồng độ testosterone có bình thường hay không, và cũng chẳng cần phải điều trị họ bằng testosterone uống hay chích vì chỉ có hại mà thôi.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Bằng chứng khoa học không coi LGBT là bệnh nhưng định kiến xã hội đã đẩy nhóm người trên trở thành yếu thế trong xã hội. Họ không có cơ hội được là chính mình, được tiếp cận với dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm như những người khác. Điều này khiến họ đứng trước nguy cơ bị bạo hành, bóc lột, hành nghề mại dâm để kiếm sống và không dám đi khám khi mắc bệnh.
Để đem lại công bằng cho nhóm người này, trong thập kỷ qua, 25 quốc gia và nhiều vùng lãnh thổ trên toàn khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã đưa ra một loạt các luật, pháp lệnh bảo vệ, thông qua nhiều bản án hỗ trợ và đi tiên phong trong quá trình cải cách hiến pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia và bao gồm của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, chuyển giới và liên giới tính.
Báo cáo của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc gần đây cho thấy, nhiều quốc gia đã có biện pháp bảo vệ cộng đồng này khỏi bạo lực, tăng cường tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm, hỗ trợ giải quyết các vấn đề gia đình. Tiến tới công nhận giới tính pháp lý và tham gia chính trị cũng như ghi nhận những trở ngại hiện tại để tiến bộ hơn nữa.
Tiến sĩ Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam - cho biết: Nhiều quốc gia trong khu vực đã bắt đầu chứng tỏ khả năng đi đầu trong việc bảo vệ nhóm LGBT, góp phần làm giảm hành vi tình dục không an toàn, giảm tỷ lệ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục cũng như loại bỏ áp lực về tinh thần, loại bỏ nguy cơ bị tra tấn, bạo lực…