Qua đó giúp giảng viên, sinh viên có môi trường học tập, nghiên cứu, chia sẻ và phát triển các ý tưởng.
Quả ngọt từ kết nối
Sau bốn tháng kết nối giữa Mentor và Mentee (người hướng dẫn, người đi sau - PV), cuối năm 2023, Trường Đại học Công Thương TPHCM khai giảng chương trình Câu lạc bộ Mentoring mùa 1 với 26 cặp đôi Mentor, Mentee. Mentor là những doanh nhân, chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học… có trải nghiệm thực tiễn phong phú, nhu cầu chia sẻ, hỗ trợ các thế hệ sau phát triển tốt hơn. Mentee là sinh viên của nhà trường, có nhiệt huyết, khao khát vươn lên học hỏi, phát triển để thực hiện ước mơ.
Tại Lễ tổng kết chương trình Mentoring mùa 1 hồi đầu năm 2024, những cặp Mentor - Mentee đã chia sẻ “quả ngọt” đầu tiên trong hoạt động đổi mới, sáng tạo. Đó là dự án khởi nghiệp thành công, giải thưởng tại các cuộc thi sáng tạo trẻ hay bài học quý sau một dự án khởi nghiệp… Thành quả này có đóng góp không nhỏ từ Không gian cafe khởi nghiệp - VNO Coffee, dự án của doanh nhân vốn là cựu sinh viên nhà trường dành cho thế hệ đàn em.
VNO Coffee khánh thành cuối năm 2023, không đơn thuần là cửa hàng cà phê, mà còn là không gian mở, tổ chức hội thảo, trao đổi. Không gian này là nơi kết nối, làm việc giữa câu lạc bộ khởi nghiệp, hội cựu sinh viên nhằm trao đổi ý tưởng, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên.
Lý giải sự ra đời của chương trình Mentoring và Không gian cà phê khởi nghiệp, ThS Hoàng Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp (Trường Đại học Công Thương TPHCM) cho biết, nhiều bạn trẻ, trong đó có sinh viên của trường gặp khó khăn trong việc định hướng tương lai, lựa chọn nghề nghiệp. Họ thiếu kỹ năng và vốn sống, lúng túng, thiếu tự tin khi đối diện thử thách hay những lựa chọn quan trọng trong cuộc sống.
Do đó, hoạt động Mentor - Mentee với hình thức cố vấn theo nhóm (Mentoring nhóm) và cố vấn 1:1 (Mentoring 1:1) rất có ý nghĩa với sinh viên. Các nhóm sinh viên khi có ý tưởng khởi nghiệp phù hợp sẽ được các Mentor, mà trực tiếp là giảng viên cùng đồng hành, hỗ trợ chuyên môn để phát triển thành dự án khởi nghiệp.
“Không gian cafe khởi nghiệp là nơi thầy cô và sinh viên học tập, sáng tạo. Tại đây, các ý tưởng khởi nghiệp có dịp chia sẻ, đồng thời có thể tìm cơ hội kết nối với doanh nghiệp để triển khai”, ThS Thoa chia sẻ.
Không gian Sáng tạo - Maker Space của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: Lê Nam |
Thỏa sức nghiên cứu
Maker Space - không gian sáng tạo rộng hơn 3.200m2 được Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khánh thành hồi tháng 1/2024. Maker Space được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại như máy hàn, khoan, may, cắt CNC, bảng mạch điện tử, cưa gỗ, tua vít và hàng trăm thiết bị khác ở các lĩnh vực đào tạo. Tại đây, sinh viên và giảng viên có thể thực hiện nghiên cứu, chế tạo trong môi trường hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm làm ra.
PGS.TS Lê Hiếu Giang - quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho hay, Maker Space khi đưa vào hoạt động sẽ tạo ra sự biến đổi lớn trong công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
“Maker Space sẽ hình thành các khu nghiên cứu, trung tâm gia công để hỗ trợ sinh viên làm sản phẩm. Siêu thị có thể cho sinh viên thuê thiết bị thực hiện nghiên cứu với chi phí tiết kiệm. Maker Space sẽ như khu sinh thái của nhóm nghiên cứu và các nhóm sẽ hỗ trợ lẫn nhau thực hiện dự án công nghệ lớn”, PGS.TS Lê Hiếu Giang cho biết.
Tương tự, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cũng khánh thành Không gian đổi mới sáng tạo (DUT Maker Innovation Space). DUT Maker Innovation Space được Công ty TNHH Đà Nẵng Fujikin tài trợ chính, đưa vào kế hoạch từ tháng 8/2023 và xúc tiến nghiên cứu, thiết kế, thi công. DUT Maker Innovation Space được đưa vào sử dụng phục vụ chiến lược đẩy mạnh “Đổi mới sáng tạo - Khởi nghiệp” từ tháng 2/2024.
DUT Maker Innovation Space để giảng viên, sinh viên học tập, nghiên cứu, đề xuất, hiện thực các ý tưởng khoa học và đổi mới sáng tạo. Đây là nơi các đối tác, doanh nghiệp, trường học đến nghiên cứu, tham quan, tìm cơ hội hợp tác. Không gian đổi mới sáng tạo này còn được kỳ vọng khơi dậy niềm say mê nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo trên nền tảng giáo dục STEM; thúc đẩy phát triển đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất vi mạch.
Theo TS Huỳnh Phương Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), trong chiến lược phát triển, nhà trường luôn chú trọng tăng cường kết nối, hợp tác với đối tác, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước, qua đó đem lại nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu cho giảng viên, sinh viên. Sự đồng hành của các doanh nghiệp giúp tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng thêm nhiều phòng thí nghiệm, thực hành, không gian học tập, nghiên cứu.
“Việc khánh thành không gian đổi mới sáng tạo và phòng thực hành Thiết kế vi mạch thể hiện kết quả của sự hợp tác đó, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu với thực hành, ứng dụng và đổi mới sáng tạo”, TS Huỳnh Phương Nam cho biết.
Ngoài ra, theo đại diện các trường, thông qua hoạt động ở không gian sáng tạo, sinh viên có cơ hội rèn luyện tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề, cũng như các kiến thức tổng hợp về khoa học, kỹ thuật…
Tháng 4/2019, Trường Đại học Cần Thơ đưa Không gian sáng chế vào hoạt động, là không gian sáng chế đầu tiên ở vùng Tây Nam Bộ. Không gian sáng chế là kết quả sau 5 năm hợp tác giữa Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Bang Arizona (Arizona State University – ASU, Mỹ), dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Built-IT.
Với mục tiêu phục vụ đam mê sáng tạo của sinh viên, giảng viên và doanh nhân chuyên ngành kỹ thuật, Không gian sáng chế được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại như máy CNC (Computer Numberical Control) chính xác, máy in 3D, máy khắc lazer, thiết bị calib, máy tính, dụng cụ đo đạc…