Ở chiều ngược lại, nhà trường có cơ hội điều chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo.
Hun đúc ý chí dám nghĩ, dám làm
Năm 2022, Vương Quốc Vỹ - sinh viên ngành An toàn thông tin, Trường Đại học Công Thương TPHCM cùng nhóm bạn tham gia cuộc thi Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2022 với dự án mang tên “Hệ thống giáo dục ảo Metaverse”.
Thông qua kết hợp công nghệ ảo và giáo dục, dự án tạo ra phương pháp, môi trường học tập tương tác đáng tin cậy cho học sinh và giáo viên. Dự án sau đó lọt vào tốp 10 xuất sắc của chương trình và nhận được đầu tư 400 nghìn USD từ Công ty Công nghệ Tessa. “Dự án đã giúp em học hỏi nhiều về công nghệ, giáo dục và khởi nghiệp”, Vỹ chia sẻ.
Theo Vỹ, quá trình phát triển dự án đòi hỏi nam sinh phải áp dụng kiến thức từ ngành học và các ngành khác, bao gồm kiến thức công nghệ, thiết kế đồ họa và quản lý dự án. Quá trình này, nhà trường tạo điều kiện, bồi dưỡng cho Vỹ kiến thức lập trình, quản lý dự án phục vụ việc hiện thực hóa ý tưởng. Các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả và quản lý thời gian cũng được Vỹ và các bạn trau dồi, hoàn thiện khi thực hiện dự án.
Hoạt động khởi nghiệp trên là bước ngoặt lớn với Vỹ và các thành viên trong nhóm. Họ đã cùng nhau xây dựng mạng lưới quý báu với người dẫn đầu ngành và chuyên gia có kinh nghiệm. Điều này mở ra cơ hội để nhóm tiếp tục học hỏi, tạo ra các liên kết có giá trị trong tương lai. “Hoạt động khởi nghiệp đã tạo nên nền tảng vững chắc cho nhóm em. Nó giúp nhóm tự tin, sáng tạo hơn và sẵn sàng đối mặt với thách thức”, Vương Quốc Vỹ nói.
Thành công từ dự án khởi nghiệp của Vương Quốc Vỹ là điểm nhấn trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Trường Đại học Công Thương TPHCM. Những năm gần đây, trường đạt nhiều thành tựu quan trọng trên con đường phát triển trở thành trường đại học định hướng ứng dụng đổi mới sáng tạo, trong đó trọng tâm là hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Sơ đồ mô hình hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: Hoàng Thị Thoa |
ThS Hoàng Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được nhà trường triển khai từ năm 2017 với nhiệm vụ quan trọng là đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt trong sinh viên và tại các khoa đào tạo. Giai đoạn đầu, nhà trường lựa chọn và cử cán bộ, sinh viên nguồn tham gia khoá học về khởi nghiệp dưới dạng học phần ngoại khoá.
Sau đó, trường tiếp tục nghiên cứu xu hướng phát triển của phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam, triển khai đào tạo kết hợp đánh giá hiệu quả của chương trình, đồng thời xác định nhu cầu người học.
Đến năm 2020, Trường Đại học Công Thương TPHCM đổi mới nội dung chương trình, hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng dạy và các điều kiện cần thiết khác phục vụ hoạt động này. Từ đó, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trở thành học phần chính thức trong chương trình đào tạo cho tất cả ngành học của trường.
Theo ThS Hoàng Thị Thoa, ngoài giảng dạy với tư cách môn học chính thức, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp còn được nhà trường triển khai bằng hoạt động trải nghiệm như cuộc thi, coach/mentor (huấn luyện/cố vấn), startup tour (khởi nghiệp du lịch), talkshow (thảo luận).
Hoạt động nhằm giúp nhóm sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo được trải nghiệm thực tế qua cuộc thi cấp khoa, trường và các cấp. Nhà trường bố trí 1 giảng viên chuyên môn và 1 doanh nhân dẫn dắt dự án. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện dự án được tham gia chương trình Startup tour và huấn luyện chuyên sâu.
Hoạt động kết nối nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp cũng được nhà trường kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp, quỹ đầu tư/trung tâm ươm tạo, tổ chức các câu lạc bộ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, không gian khởi nghiệp... “Tại đây, những mảnh ghép còn thiếu của các dự án sẽ được lấp đầy bởi nhà đầu tư, vườn ươm, trung tâm ươm tạo, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia”, bà Hoàng Thị Thoa nói.
Ảnh: HUIT |
Quả ngọt từ sinh viên khởi nghiệp
Những chính sách và hành động cụ thể cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Trường Đại học Công Thương TPHCM đã mang lại những thành tựu đáng kể. Hoạt động khởi nghiệp của sinh viên nhà trường có bước phát triển mạnh mẽ.
Sau cuộc thi khởi nghiệp, nhiều dự án đã phát triển thành lập doanh nghiệp và tung sản phẩm ra thị trường. Tiêu biểu năm học 2021 - 2022, dự án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm bọt tắm từ xà phòng hóa dầu dừa” phát triển thành Công ty TNHH The Pola Foam với dòng mỹ phẩm, dầu gội từ dầu dừa.
Năm học 2022 - 2023, 2 dự án của trường được đầu tư triển khai thực tế: “Hệ thống giáo dục ảo Metaverse” nhận đầu tư từ Công ty Công nghệ Tessa; “Symcocha - Dòng sản phẩm trà lên men Kombucha từ vỏ hạt cacao, mật hoa dừa và trái cây Việt Nam” được Công ty TNHH nước ép Phúc Hà nhận chuyển giao công nghệ. Năm học 2023 - 2024, nhà trường tiếp tục hỗ trợ ươm tạo dự án tiềm năng triển khai thực tế sau cuộc thi cấp trường và các cấp.
Quan trọng hơn, từ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhà trường mang đến những giá trị tích cực cho sinh viên, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo. Theo ThS Hoàng Thị Thoa, các hoạt động, cuộc thi khởi nghiệp đã truyền cảm hứng, động lực, phát huy ý tưởng sáng tạo cho sinh viên.
Các em được khơi dậy đam mê, hình thành tư duy doanh nhân, tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Bắt tay vào dự án, sinh viên thấu hiểu về giá trị khởi nghiệp, khả năng vận dụng trong mọi tình huống (làm thuê, làm chủ, tự kinh doanh…). Sinh viên được tạo môi trường, trải nghiệm, hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp ngay trong quá trình học tập.
“Từ hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhà trường dần định hình thương hiệu, uy tín trên thị trường lao động và cộng đồng doanh nghiệp. Trường thiết lập quan hệ với cộng đồng khởi nghiệp, thấy được nhu cầu xã hội, từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp thực tế”, ThS Hoàng Thị Thoa nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nhân, ông Nguyễn Tiến Trung - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (VSMA) thường ưu tiên ứng viên đã tham gia vào chương trình đào tạo, huấn luyện, cố vấn và khởi nghiệp. Bởi lẽ, sinh viên tham gia các chương trình này thường có tư duy mở, đổi mới, sáng tạo, biết đặt mình vào vị trí người khác (tư duy thiết kế), hiểu thị trường, khách hàng, đối tác.
Theo ông Nguyễn Tiến Trung, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nhà trường đã cung cấp nhiều kỹ năng có ích cho sinh viên khi ra trường như thuyết trình, đàm phán, phỏng vấn khám phá khách hàng. “Hoạt động này còn nâng cao năng lực về tài chính, quản trị nhân sự, doanh nghiệp cho các tân cử nhân và quan trọng hơn là ý thức, thái độ với công việc tốt hơn”, ông Nguyễn Tiến Trung thông tin.
Định hướng và sự cam kết của lãnh đạo nhà trường rất quan trọng, nhằm tạo nền tảng và động lực thúc đẩy tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Hằng năm, nhà trường dành 1,2 tỷ đồng đào tạo tăng cường kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên và 1 tỷ đồng cho hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. - ThS Hoàng Thị Thoa