Đổi mới sáng tạo: Cần người đồng hành

GD&TĐ - Phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” diễn ra sôi nổi trong ngành Giáo dục...

Thầy Đoàn Tuấn Anh cùng thành viên “CLB STEM Robotics Liên Việt.
Thầy Đoàn Tuấn Anh cùng thành viên “CLB STEM Robotics Liên Việt.

Phong trào góp phần hoàn thành mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Trong bối cảnh trên, cán bộ quản lý trường học phải làm gương và thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo trong giáo viên, học sinh.

Vào việc cùng giáo viên

Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 trong Chương trình GDPT 2018, qua đó giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực. Môn học này đồng thời trang bị cho các em lượng kiến thức nhất định để giao tiếp quốc tế, trau dồi tri thức khoa học, tìm hiểu các nền văn hóa.

Năm học 2023 - 2024, cô Trà Thị Diệu – Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) giảng dạy 3 lớp 4 và 3 lớp 5. Trường ở huyện biên giới với đa số học sinh người Brâu, Xơ Đăng… nên điều kiện học tập, tiếp cận môn Tiếng Anh còn hạn chế. Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh áp dụng kỹ năng, kiến thức được tập huấn, cô Diệu còn linh hoạt đổi mới, sáng tạo giúp học sinh dễ tiếp thu.

Nữ giáo viên đồng thời tăng cường trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp và nâng cao khả năng tự học, bồi dưỡng, cập nhật phương pháp, kỹ thuật dạy học đáp ứng yêu cầu mới. “Học sinh tiểu học, đặc biệt người dân tộc thiểu số rất ngại giao tiếp, chia sẻ nhất là với môn Tiếng Anh. Do đó, trong tiết dạy tôi thường xuyên tổ chức học thông qua trò chơi, bài hát… giúp trò ghi nhớ từ vựng, chủ đề liên quan. Nhờ vậy, các em hào hứng khi học tập”, cô Diệu tâm sự.

“Trước đây, học sinh chủ yếu học theo sách giáo khoa và lắng nghe giáo viên giảng bài. Tuy nhiên, việc trình chiếu bài giảng trên tivi và nghe bằng loa giúp các em dễ tiếp thu kiến thức. Tôi hy vọng nhà trường tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để giáo viên tích cực đổi mới, sáng tạo trong dạy học; có phòng Tiếng Anh riêng để chủ động chuẩn bị bài giảng, thiết bị dạy học đảm bảo hiệu quả, chất lượng”, cô Diệu nói.

Trong thời đại cách mạng 4.0, công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ đắc lực để giáo viên có những bài giảng lý thú, cuốn hút. Đối với môn Tiếng Anh, nhiều bài học liên quan đến kỹ năng nghe nên cô Diệu đề xuất và được ban giám hiệu đồng ý, trang bị đầy đủ tivi và loa âm thanh.

Bước vào năm học mới, thầy Đoàn Tuấn Anh – Bí thư Đoàn, giáo viên Công nghệ, Trường THCS - THPT Liên Việt Kon Tum (tỉnh Kon Tum) nhận thấy tiềm năng sáng tạo, lập trình máy tính… của nhiều học sinh nên đề xuất ban giám hiệu thành lập “Câu lạc bộ STEM Robotics Liên Việt”. Qua xem xét, ban giám hiệu đồng ý đề xuất của thầy Tuấn Anh và thành lập câu lạc bộ (CLB) với 35 học sinh từ khối 6 - 10.

Theo thầy Tuấn Anh, những năm trước dù học sinh có ý tưởng sáng tạo nhưng chỉ hoạt động đơn lẻ, không phát huy hết năng khiếu. Trong năm học 2022 - 2023, lần đầu tham gia, đội tuyển Robotics của trường đoạt giải Tiềm năng toàn quốc và được chọn thi online quốc tế tại Singapore.

Đây là nền móng, động lực để “CLB STEM Robotics Liên Việt” ra đời. Khi CLB thành lập mỗi em một năng khiếu sẽ kết hợp với nhau để đưa ra những ý tưởng, sáng kiến thú vị. “CLB giúp những em đam mê STEM, lập trình… phát huy sự sáng tạo nhằm hướng đến các cuộc thi khoa học kỹ thuật, Robotics”, thầy Tuấn Anh nói.

Không chỉ “CLB STEM Robotics Liên Việt”, ý tưởng “Lớp học không tường” cũng được ban giám hiệu nhà trường thông qua. Từ đó, học sinh có không gian học tập thoải mái, kích thích khả năng sáng tạo. Thầy Tuấn Anh cho hay, ngoài phòng học, các em có thể trau dồi kiến thức ở sân trường, nhà giữ xe… Theo đó, môn Toán thay vì tính diện tích dựa vào số liệu trong sách giáo khoa, học sinh có thể tính diện tích nhà giữ xe, ô gạch… để sát thực tế, khiến các em hào hứng hơn trong học tập.

“Quá trình đổi mới, chúng tôi cần những hiệu trưởng có tâm và tầm để hỗ trợ, sẻ chia tinh thần cũng như kinh phí. Qua đó, giáo viên có động lực cố gắng sáng tạo, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Tôi mong có sự đồng hành của ban giám hiệu nhà trường nhiều hơn để có thể triển khai những ý tưởng mới, thiết thực”, thầy Tuấn Anh tâm sự.

“Lớp học không tường” giúp học sinh thoả sức sáng tạo, học tập với không gian mở. Ảnh: Trúc Hân
“Lớp học không tường” giúp học sinh thoả sức sáng tạo, học tập với không gian mở. Ảnh: Trúc Hân

Phát huy vai trò “thuyền trưởng”

Từ cấp độ quản lý, ông Ngô Văn Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn), nêu ý kiến, quá trình đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập phải bắt đầu từ cán bộ quản lý bởi lẽ họ là “thuyền trưởng, thuyền phó” dẫn dắt, chèo lái cơ sở giáo dục.

Theo ông Hiền, muốn giáo viên đổi mới, sáng tạo thì cán bộ quản lý phải đi đầu để hướng dẫn, chỉ đạo và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi. Nếu hiệu trưởng không “xắn tay” vào việc thì khó có thể làm gương, tạo động lực, khuyến khích giáo viên đổi mới, sáng tạo.

Ông Hiền cũng chỉ ra, một trong những yếu tố thúc đẩy giáo viên đổi mới, sáng tạo trong dạy học là sự ủng hộ, hỗ trợ phù hợp từ lãnh đạo nhà trường. Cán bộ quản lý phải là chỗ dựa tin cậy cho giáo viên khi gặp khó khăn trong quá trình đổi mới và cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ.

Hơn nữa, chỉ khi cán bộ quản lý đổi mới, sáng tạo mới nhìn nhận, thấu hiểu những khó khăn của giáo viên và tìm ra giải pháp giúp đỡ kịp thời. Cán bộ quản lý có hiểu, chia sẻ sẽ kịp thời động viên, khen thưởng khi giáo viên có nhiều giải pháp đột phá như phát huy vai trò nêu gương, tuyên dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên phương tiện thông tin đại chúng và không gian mạng.

Muốn vậy, từ đầu năm học, cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách chuyên môn cần chỉ đạo giáo viên đăng ký nội dung đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, thể hiện rõ các giải pháp thực hiện, phương hướng phấn đấu và lộ trình nội dung đổi mới, sáng tạo trong năm học. Sự đổi mới của cán bộ quản lý trong quá trình phân công, chỉ đạo giáo viên cũng là hình thức tuyên truyền, định hướng nhận thức cho họ thấy được sự cần thiết của đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.

Bên cạnh đó, “thuyền trưởng” có nhiệm vụ quản lý chất lượng, gắn trách nhiệm chuyên môn với quản lý nhân sự. Ngoài ra, trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, cán bộ quản lý cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong tổ chức, quản lý hoạt động chuyên môn; tạo điều kiện cho giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá.

Những ý tưởng đổi mới, sáng tạo của giáo viên khi đề xuất nếu mang lại hiệu quả thiết thực cho học sinh thì nhà trường rất ủng hộ. Ban giám hiệu, đặc biệt hiệu trưởng đóng vai trò quan trọng để thầy, cô hoàn thiện ý tưởng và áp dụng vào thực tế. - Thầy Đoàn Tuấn Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.