Được xin giảm án
Ngày 24/6, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội).
Phiên tòa được mở do có 6 người kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt gồm Nguyễn Nhật Cảm – nguyên Giám đốc CDC, Nguyễn Vũ Hà Thanh – nguyên Trưởng phòng Tài chính CDC, Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng Tổ chức CDC, Đào Thế Vinh – Giám đốc Công ty MST, Nguyễn Trần Duy - Tổng Giám đốc Công ty định giá và bán đấu giá Nhân Thành, Nguyễn Ngọc Quỳnh - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC.
Trước đó, tháng 12/2020, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm thể hiện, CDC Hà Nội được cấp kinh phí để mua sắm máy móc, thiết bị thuộc gói thầu số 15 phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Lúc này, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm câu kết với các bị cáo khác, thỏa thuận mua bán các máy, thiết bị y tế thuộc gói thầu số 15 không đúng quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường.
Do vậy, Công ty MST của bị cáo Vinh đã trúng thầu, cung cấp thiết bị với giá 9,5 tỷ đồng. Hội đồng định giá Trung ương xác định, số thiết bị này có giá 4,1 tỷ đồng nên hành vi của bị cáo gây thiệt hại cho ngân sách hơn 5,4 tỷ đồng.
Cấp sơ thẩm xác định, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự. Trong khi toàn Đảng, toàn dân phải ra sức phòng chống dịch Covid-19, các bị cáo lại vi phạm quy định, không hoàn thành nhiệm vụ được nhân dân giao phó.
Do vậy, tòa sơ thẩm phạt Nguyễn Nhật Cảm 10 năm tù, Nguyễn Vũ Hà Thanh và Đào Thế Vinh mỗi người 6 năm 6 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo còn lại nhận từ 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chủ tọa - thẩm phán Đặng Đình Lực cho biết, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã nhận qua đường bưu điện nhiều đơn xin giảm nhẹ cho các bị cáo nguyên là cán bộ của CDC Hà Nội. Các đơn này được gửi từ CDC của 30 tỉnh thành; một số tổ chức liên quan ngành y tế; các nhà khoa học… Bị hại là CDC Hà Nội cũng có đơn tương tự.
Chủ tọa khẳng định tòa án đã tiếp nhận các đơn này và thông báo cho Viện KSND cấp cao tại Hà Nội theo quy định. Ngoài ra, vợ của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đã nộp đơn xin giảm nhẹ cho chồng mình do 42 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cùng 430 bác sĩ từ mọi miền cả nước ký tên.
Không hưởng 10% hoa hồng
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm thừa nhận hành vi phạm tội nhưng giữ kháng cáo xin giảm nhẹ. Bị cáo nêu lý do đầu năm 2020, Covid-19 vẫn là dịch bệnh mới xuất hiện khiến các tình huống liên quan việc phòng chống đều cấp bách. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu khẩn trương mua sắm thiết bị nên CDC Hà Nội phải: “Gồng mình lên tham khảo, tìm hiểu trên thị trường”.
Bị cáo này khai thêm, CDC Hà Nội có đề xuất danh mục cụ thể, “tham khảo” trường hợp tương tự như CDC Quảng Ninh mua thiết bị với giá hơn 8 tỷ đồng, một địa phương khác mua với giá hơn 9 tỷ đồng. Sau đó, Nguyễn Nhật Cảm yêu cầu các phòng của CDC Hà Nội thẩm định báo giá thấp nhất rồi tổ chức đấu thầu.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất – nhân viên Công ty Vitech có lời khai thể hiện sẽ chi cho Nguyễn Nhật Cảm 10% giá trị hợp đồng của gói thầu số 15. Khi HĐXX hỏi về vấn đề này, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm khẳng định không được ai nói, hứa chi số tiền này nếu đồng ý duyệt mua máy móc.
Bị cáo khai trước khi chịu lệnh bắt tạm giam đã được Nguyễn Ngọc Nhất liên hệ và hai người gặp nhau trong một buổi tối. Theo bị cáo Cảm, tại buổi gặp này, Nhất nói quá trình làm việc với cơ quan điều tra đã bị ép khai báo việc ăn chia. Sau đó, Nguyễn Nhật Cảm đã viết tường trình, khẳng định không có ăn chia gửi phía điều tra.
Về số tiền thiệt hại, Nguyễn Nhật Cảm đề nghị HĐXX xem xét lại. Bị cáo này cho hay, bản thân không có khả năng để biết thiệt hại trong việc mua sắm gói thầu số 15.
Tuy nhiên, chính trong kết luận, Hội đồng định giá của Bộ Y tế đã khẳng định không thể thẩm định giá thiết bị gói thầu số 15 theo thị trường do trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, giá cả biến động liên tục.
Nguyễn Nhật Cảm trả lời luật sư và cho rằng, con số thiệt hại được tính là 5,4 tỷ đồng không khách quan. Thẩm phán ngắt phần hỏi này vì cho rằng, bị cáo Cảm không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ nên luật sư tập trung làm rõ những căn cứ giảm nhẹ.
Viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo
Kết thúc xét hỏi, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, gây thiệt hại hơn 5,4 tỷ đồng. Bị cáo này được CDC Hà Nội, đồng nghiệp trên cả nước, nhiều người quan tâm viết đơn gửi tòa án để xin giảm nhẹ cho.
Tuy nhiên, viện kiểm sát nhận thấy mức hình phạt 10 năm tù tòa án cấp sơ thẩm tuyên cho bị cáo rất tương xứng và là mức án thấp nhất của khung hình phạt nên không thể giảm nhẹ hơn.
Kiểm sát viên phân tích thêm, bị cáo Đào Thế Vinh nguyên là Giám đốc MST đã gian lận đấu thầu, giúp Nguyễn Nhật Cảm phạm tội, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước nên cấp sơ thẩm tuyên Vinh 6 năm 6 tháng tù là đúng, không có căn cứ giảm nhẹ.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Trần Duy biết rõ công tác thẩm định giá gói thầu số 15 phải tuân thủ quy định nhưng lại lập khống thủ tục, hồ sơ thẩm định, ban hành chứng thư thẩm định theo mức giá do CDC Hà Nội yêu cầu. Tại tòa phúc thẩm, bị cáo không có tài liệu, chứng cứ để xem xét giảm nhẹ mức án 6 năm tù của mình.
Kiểm sát viên cũng phân tích hành vi của 3 cựu nhân viên CDC Hà Nội gồm Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh và khẳng định, các bị cáo đã gian lận, hợp thức hồ sơ để chỉ định thầu cho Công ty MST trái quy định, gây thiệt hại 5,4 tỷ đồng.
Nhóm này được đánh giá thành khẩn khai báo từ giai đoạn điều tra cũng như tại tòa và phạm tội khi làm theo chỉ đạo của cấp trên, không hưởng lợi. Tuy nhiên, 3 người được tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên mức án dưới rất nhiều so với khung hình phạt nên không có căn cứ giảm nhẹ thêm.
Vì vậy, đại diện viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên y án, không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của 6 bị cáo cũng như đề nghị của bị hại là CDC Hà Nội.
Sau nghị án, HĐXX nhận thấy án sơ thẩm đã xác định đúng người, đúng tội và áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ; các bị cáo không có căn cứ giảm nhẹ thêm mức án.
“Trong khi Nhà nước tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch Covid-19, các bị cáo lại có hành vi gian lận, câu kết phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan, tổ chức” - án phúc thẩm thể hiện.
Do đó, HĐXX quyết định giữ nguyên án sơ thẩm, bác các kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt trong vụ án.
Trước đó, ngày 12/12/2020, TAND thành phố Hà Nội đã ra phán quyết đối với 10 bị cáo trong vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.
Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm bị tuyên phạt 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng tội danh, Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu trưởng phòng tài chính kế toán CDC Hà Nội) và Đào Thế Vinh (giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) cùng lãnh 6 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech), Nguyễn Trần Duy (tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) và Nguyễn Thị Kim Dung (cựu trưởng phòng tổ chức hành chính CDC Hà Nội) cùng nhận 6 năm tù.
Nguyễn Ngọc Quỳnh (cựu trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông) cùng lãnh 5 năm tù.
Lê Xuân Tuấn (cựu cán bộ CDC Hà Nội) và Hoàng Kim Thư (cựu kế toán trưởng CDC Hà Nội) cùng nhận 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.