Trong cuộc họp giao ban nghe báo cáo tình hình Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 diễn ra mới đây, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh đã đề nghị các ngành liên quan đánh giá lại nguyên nhân các mặt hàng hoa, cây kiểng, trái cây dư thừa do nguồn cung tăng quá cao hay nhu cầu, sức mua của người dân giảm sút để đánh giá xu thế tiêu dùng…
Yêu cầu này một phần bắt nguồn từ thực trạng những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, bên cạnh những thông tin tích cực về giá cả các loại hàng hóa thiết yếu là tình trạng tại một số địa phương, nhiều thương lái đã chặt bỏ đào, mai... chứ không chịu bán rẻ, không chịu bị ép giá.
Đây có thể là việc nhỏ, là “chuyện riêng” của người trồng, của thương lái, là chỉ ở phạm vi hẹp nên ít nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng.
Nhưng phải thẳng thắn rằng việc chặt, vứt bỏ hoa, cây cảnh là điều “chẳng đặng đừng”, dù người bán có lý lẽ như đây là cách để tự bảo vệ lợi ích của mình, là không tạo “tiền lệ xấu” đợi đến chiều 30 Tết mới mua cho rẻ...
Về phía người mua cũng có nhiều lý do. Như với những người có điều kiện tài chính, việc lựa chọn các loại hoa, cây cảnh đẹp, đắt tiền để chơi Tết không phải “cân nhắc” quá nhiều nên có thể mua từ sớm và miễn là ưng ý.
Ngược lại, với những người có thu nhập thấp, hoàn toàn không đơn giản như vậy bởi họ còn nhiều việc phải lo, nhiều việc phải làm. Cá biệt, có những người do đặc thù công việc hoặc những lý do nào đó phải đến tận chiều 30 Tết mới có thời gian đi mua sắm.
Vậy nên, dù có đưa ra lý lẽ như thế nào đi chăng nữa thì cũng không nên đánh đồng tất cả những người mua hoa, cây cảnh muộn đều là những người “đợi” để mua với giá rẻ.
Và rằng việc vứt bỏ thành quả lao động của mình là rất lãng phí bởi chắc chắn trong xã hội, có nhiều người không đủ khả năng tài chính để mang dù chỉ một chút sắc Xuân vào ngôi nhà của mình. Cho nên, thay vì vứt bỏ, hãy tặng lại cho ai đó đang cần.
Bên cạnh đó, cũng còn một “gợi ý” khác. Đó là hồi năm 2021, thông qua trang Facebook cá nhân, một vị lãnh đạo của TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kêu gọi người dân mang gốc đào Tết đến công viên cạnh Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh, TP Huế để vận chuyển lên huyện A Lưới nhằm thực hiện ý tưởng trồng một rừng đào tạo cảnh quan và du lịch.
Đây là ý tưởng nên nhân rộng, bởi trước Tết, nhiều loại hoa, cây cảnh bị chặt bỏ do không tiêu thụ được hoặc do giá quá rẻ. Sau Tết chỉ có một số ít loại hoa, cây cảnh được các nhà vườn thu mua hoặc người dân đem trồng lại, phần lớn bị vứt bỏ cho thấy sự lãng phí rất lớn.
Vậy nên, ý tưởng trồng 1.000 gốc đào ở A Lưới không chỉ cho thấy lợi ích về kinh tế, mà quan trọng hơn, ý nghĩa hơn là những vấn đề về môi trường, tạo cảnh quan, du lịch - dù đến thời điểm này, chưa có thông tin về kết quả nhưng cũng là gợi ý đáng để tham khảo và có thể nhân rộng.
Và điều căn cốt hơn là các cơ quan chức năng phải có đánh giá cụ thể, từ đó có giải pháp phù hợp, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt chứ không thể mãi coi đây chỉ là chuyện nhỏ, là đơn thuần vứt bỏ, cả năm mới xảy ra một lần hay của một địa phương nào đó.