Xuất phát là giáo viên Địa lý nhưng thầy Trung lại có niềm đam mê lớn đối với Tin học, là chuyên gia công nghệ thông tin tại Trường THCS Thắng Hải. Theo thầy Trung, công nghệ thông tin hiện có vai trò rất lớn trong trong giáo dục, mở ra một kho tàng kiến thức đa dạng và phong phú cho người học và người dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thầy Trung tự tìm tòi các phần mềm, ứng dụng dạy học trực tuyến, học hỏi sâu kĩ các phần mềm soạn giảng để hỗ trợ cho việc dạy học, kiểm tra đánh giá trực tuyến, từ đó hướng dẫn, tập huấn lại cho giáo viên, xây dựng kế hoạch, triển khai dạy cách học trực tuyến cho học sinh toàn trường.
Ngoài ra, thầy còn ủng hộ và kêu gọi các thầy cô trong trường ủng hộ máy tính, điện thoại và các thiết bị dạy học khác cho học trò nghèo. Thầy sẵn sàng đến tận nhà học sinh để giúp đỡ các em sử dụng các thiết bị học trực tuyến, sửa những thiết bị đã cũ hỏng cùng những lời khuyên giúp các em an toàn khi học trực tuyến.
Thầy Trung chia sẻ: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, với cái tâm của một người thầy, tôi rất thương và lo lắng cho học sinh của mình khi việc học của các em bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều tôi trăn trở nhất là làm sao để truyền thụ kiến thức cho học sinh trong thời gian tạm dừng đến trường và đã thôi thúc tôi tìm tòi đến các ứng dụng, phần mềm dạy học trực tuyến.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, học sinh phải tạm dừng đến trường để phòng chống dịch, trong thời gian đó trường THCS Thắng Hải vẫn tổ chức được các hoạt động dạy học qua hình thức trực tuyến qua ứng dụng Google meet, Zoom; giao bài tập cho học sinh qua ứng dụng VnEduTeacher, VnEduConnect và qua Zalo nhóm của các lớp.
Để phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá khi học trực tuyến, thầy Trung đã hướng dẫn cho giáo viên trong nhà trường sử dụng ứng dụng Azota, Google biểu mẫu và triển khai đến toàn thể học sinh; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về tìm hiểu ứng CNTT trong dạy học, từ dó thống nhất cách soạn bài dạy trên phần mềm trình chiếu PowerPoint, Google Slide, thống nhất các phương pháp, kỹ thuật dạy học.
Trường THCS Thắng Hải cũng thành lập nhóm Zalo, Facebook của nhà trường để trao đổi, thông báo, triển khai công việc. Ở mỗi lớp học, giáo viên chủ nhiệm tạo nhóm Zalo của lớp mình từ đó giúp học sinh có thể trao đổi bài học với thầy cô và bạn bè. Nhà trường cũng lập trang YouTube đưa các video hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào học tập và các hoạt động ngoại khóa.
Trong thời gian nghỉ chống dịch, Ban giám hiệu nhà trường vẫn triển khai công việc một cách bình thường bằng các cuộc họp trực tuyến qua ứng dụng TranS, Google meet. Cùng với đó, nhà trường đã vận động 100% phụ huynh học sinh đăng kí sử dụng sổ liên lạc điện tử VnEdu, giúp thông báo thông tin hoạt động dạy học, hoạt động ngoại khóa, lịch học trực tuyến của nhà trường đến toàn thể phụ huynh.
Theo thầy Trung, nhiều học sinh của trường điều kiện còn khó khăn, nhà ở trong khu vùng sâu cách trường 5 - 7 km đi lại rất khó khăn, nhưng bù lại phụ huynh rất quan tâm đến việc học của con em. Do vậy, khi nhà trường chuyển hình thức dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến thì được học sinh và phụ huynh đồng thuận, phối hợp thực hiện tích cực cùng với trường.