Giáo viên tiêu biểu Hà Nội chia sẻ bí quyết bồi dưỡng học sinh giỏi

GD&TĐ - Khơi nguồn, truyền cảm hứng cho học sinh, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, cô Kiều Thị Lệ Thủy đã giúp Trường THPT Yên Lãng (Mê Linh, Hà Nội) nhiều năm liền có học sinh giỏi cấp quốc gia và cấp thành phố, nhiều em học sinh đạt điểm cao tại kì thi THPT quốc gia và là thủ khoa của các trường đại học.

Giáo viên tiêu biểu Hà Nội chia sẻ bí quyết bồi dưỡng học sinh giỏi

Cô Thủy là một trong 64 giáo viên được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017.

Là tổ trưởng tổ chuyên môn Toán- Tin Trường THPT Yên Lãng, bản thân trực tiếp giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Thủy đã giúp nhiều học sinh đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp Thành phố, cấp Quốc gia. Kết quả trên có được, theo cô Thủy, là nhờ sự đổi mới trong công tác giảng dạy bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán ở trường THPT Yên Lãng.

Cô Thủy chia sẻ: Trường THPT Yên Lãng nằm trên địa bàn xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, ngoại thành Hà Nội. Nơi đây, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đa số học sinh là con em nông dân nên thời gian dành cho việc học còn ít, nhiều phụ huynh còn phó mặc con em cho nhà trường.

Chính vì vậy, việc lựa chọn học sinh và động viên học sinh vào đội tuyển đóng vai trò rất quan trọng, phải để ý học sinh ngay từ những ngày đầu, ngoài việc lựa chọn qua điểm số của học sinh thì việc lựa chọn thông qua các lời giải độc đáo là hết sức quan trọng.

Sau mỗi giai đoạn, giáo viên rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, đề ra phương hướng thực hiện và điều chỉnh cho các giai đoạn tiếp theo. Giáo viên thường xuyên tham khảo và học hỏi kinh nghiệm của các giáo viên có kinh nghiệm, để có thể hỗ trợ trong rèn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề.

Thêm vào đó, giáo viên cần sử dụng một cách sáng tạo các phương tiện dạy học truyền thống kết hợp với sử dụng máy tính, mạng internet và các phương tiện hiện đại khác như chấm trắc nghiệm trên điện thoại di động, cabri; cải tiến phương tiện dạy học và sáng tạo những phương tiện dạy học mới...

Bên cạnh đó luôn tôn trọng các lời giải khác của học sinh, đưa lời giải đó ra trước đội tuyển để phân tích ưu nhược, đề cao cái hay cái sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, khuyến khích động viên các em tìm tòi, nghiên cứu.

Với một sáng kiến của các em, có thể là rất nhỏ, nhưng ta khéo léo khuyến khích coi nó là một công trình nhỏ của học sinh, nhen nhóm nó thành ngọn lửa say mê nghiên cứu, giúp đỡ em để dần có được công trình lớn hơn, tự tin vào bản thân hơn. Đặc biệt, bản thân tôi luôn hướng dẫn học sinh tự học- Cô Thủy bộc bạch.

Bạn Nguyễn Minh Ngọc- sinh viên Đại học FPT từng đạt nhiều giải thưởng thi học sinh giỏi cấp thành phố và cấp quốc gia- kể chuyện về cô giáo cũ của mình: Với em, cô Thuỷ không chỉ là một người thầy mà còn là một người mẹ mà cả đời này có lẽ không bao giờ quên. Với học trò nào cũng vậy, cô luôn tận tình chỉ bảo từ kiến thức cơ bản cho đến bài tập nâng cao.

Cô không ngừng động viên để chúng em không nản khi gặp bài tập khó. Cô không ngại kể những câu chuyện của mình với môn toán để chúng em thấy rằng toán học không hề khô khan. Cô là người luôn đưa ra lời khuyên để chúng em có thể định hướng được bước đi tiếp theo mà mình lựa chọn.

Một kỉ niệm mà Ngọc nhớ lại và rất cảm phục về cô, đó là chuyện ba năm trước, cô Thủy đi thi Giáo viên dạy giỏi bộ môn Toán. Trải qua vòng thi cấp cụm cô đoạt giải nhất và tiếp tục dự thi vòng thành phố. Trước ngày thi cô không may bị tai nạn gãy chân và phải ngồi xe lăn. Ai cũng lo lắng sợ cô phải bỏ lỡ cuộc thi.

Nhưng bằng tình yêu dành cho Toán học, bằng trái tim yêu nghề và ý chí đáng khâm phục, cô đã ngồi xe lăn mà hoàn thành kì thi một cách trọn vẹn. Năm ấy cô đoạt giải nhì và được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen công nhận những cống hiến và thành tích của cô. Chúng em vô cùng tự hào và khâm phục ý chí ấy của cô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ