Những ngày qua, các trường học ở TPHCM thực hiện nhiều biện pháp phòng chống, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan trong mùa tựu trường, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.
Thầy cô chủ động
Trước khi bước vào năm học mới, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM triển khai tổng vệ sinh, phun khử khuẩn trường, lớp. Đặc biệt, trong bối cảnh bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… tiếp tục diễn biến phức tạp, ban giám hiệu các trường đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trước khi đón học sinh tựu trường.
Đối với bậc mầm non, ban giám hiệu cũng như giáo viên, nhân viên tại từng cơ sở tập trung phát quang cây cỏ, làm vệ sinh trường lớp sạch sẽ. Tại Trường Mầm non 19 Tháng 5 (Quận 12), việc khử khuẩn, vệ sinh lớp học, vệ sinh đồ chơi cho trẻ được nhà trường thực hiện hằng ngày.
Cô Phạm Ngọc Quyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19 Tháng 5 cho biết: “Ban giám hiệu đã quán triệt đến toàn bộ giáo viên, nhân viên theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ hằng ngày, kịp thời phát hiện trường hợp mắc bệnh để thông báo cho đơn vị y tế phối hợp xử lý kịp thời. Ngoài ra, phụ huynh cũng đồng hành với nhà trường trong công tác phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn trẻ hiểu về các nguy cơ lây lan và tác hại của bệnh truyền nhiễm để chủ động phòng tránh”.
Trường bố trí các dụng cụ rửa tay ở mỗi lớp, dạy trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh… Cơ sở giáo dục này còn đặc biệt chú trọng tới vệ sinh an toàn thực phẩm, thay đổi thực đơn theo mùa nhằm tăng sức đề kháng, góp phần phòng tránh được dịch bệnh.
Cô Đặng Thị Ánh Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) cho biết, trước khi học sinh khối lớp 1 tựu trường (ngày 21/8), nhà trường phun khử khuẩn toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng học tập. Khu vực bồn cây, sân chơi được tỉa bớt cành lá, không để nước tù đọng nhằm xóa nơi sinh sản của muỗi vằn. Đồng thời, trường trang bị nước sát khuẩn, xà phòng rửa tay tại các lớp, khu vệ sinh; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cấp dưỡng, nhân viên phục vụ bán trú, giáo viên kỹ năng phòng chống bệnh truyền nhiễm.
“Nhà trường chủ động tổ chức tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nâng cao nhận thức trong công tác phòng chống dịch. Giáo viên chủ nhiệm cũng thông tin cho phụ huynh về triệu chứng của một số dịch bệnh phổ biến qua Zalo, Facebook của nhóm lớp… Bếp ăn chú trọng bổ sung dinh dưỡng trong khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng” – cô Minh cho biết.
Giáo viên, nhân viên Trường Mầm non 19 Tháng 5 vệ sinh trường, lớp. |
Bảo đảm nguyên tắc 3 sạch
Theo nhận định của ngành Y tế TPHCM, dịch bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài 3 - 4 tháng tới. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục thành phố, các địa phương, chỉ đạo trường học triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhằm hạn chế số ca mắc, lây nhiễm chéo trong trường học. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân, phụ huynh để hạn chế số ca mắc, không để trường học trở thành ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Sốt xuất huyết và tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy công tác phòng bệnh đóng vai trò quan trọng. Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), dù số ca mắc tay chân miệng trên toàn thành phố giảm nhưng vẫn ở mức cao nên phụ huynh không được lơ là, chủ quan. Đặc biệt, thời điểm học sinh đến trường tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại.
Để bảo vệ trẻ trước dịch tay chân miệng, phụ huynh cần thực hiện nguyên tắc 3 sạch. Trẻ cần được ăn uống sạch, ở sạch (được rửa tay, vệ sinh sạch sẽ, môi trường sống sạch) và chơi sạch (đồ chơi cần được vệ sinh thường xuyên). “Yếu tố vệ sinh rất quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tay chân miệng cũng như nhiều bệnh lây nhiễm khác”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, học sinh quay lại trường học sẽ tiếp xúc với nhau nhiều hơn, nguy cơ lây lan dịch tay chân miệng vì thế tăng cao. Vậy nên, giáo viên cần được tập huấn, trang bị kiến thức liên quan tới dịch bệnh, cách phòng bệnh và dấu hiệu phát hiện bệnh sớm để có thể ứng phó và kiểm soát dịch tốt nhất. Ngoài ra, các trường học nên thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường sinh hoạt, học tập và đồ chơi cho trẻ.
“Ngay khi phát hiện trẻ xuất hiện các triệu chứng cảnh báo như sốt, nổi hồng ban lòng bàn tay chân, loét miệng, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy... phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
“Thời điểm học sinh TPHCM tựu trường được xác định là đỉnh dịch lần thứ 2 của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết. Vì vậy các cơ sở giáo dục cũng như phụ huynh cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng. TPHCM duy trì thường xuyên các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, trung tâm y tế và một số cơ sở khám chữa bệnh để cha mẹ đưa trẻ đến tiêm chủng mũi tiêm còn thiếu, mũi nhắc lại nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi bước vào năm học mới”, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM trao đổi.