Trong đó, yêu cầu các phòng GD&ĐT phối hợp với cơ quan y tế địa phương tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã phát động Chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng tại 100% các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, khuyến khích triển khai tại các trường tiểu học; phối hợp kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non (kể cả các nhóm trẻ gia đình) phải tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế trong việc phòng, chống dịch tay chân miệng.
Thực hiện theo dõi, giám sát sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân viên tại trường học để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh. Khuyến cáo phụ huynh khi trẻ mắc bệnh phải thông báo với nhà trường.
Tất cả các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng hoặc nghi ngờ (sốt, xuất hiện ban nốt phỏng ở tay chân miệng ...) phải nghỉ học, nghỉ làm việc và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị; thực hiện nghiêm việc cách ly và chăm sóc y tế theo đúng hướng dẫn (trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước).
Khi có bệnh dịch xảy ra tại trường học, phải phối hợp với cơ quan y tế địa phương giám sát và xử lý ổ dịch theo qui định, đồng thời báo cáo các cấp quản lý giáo dục và trạm y tế xã, phường.