Bệnh viên yêu cầu tỉnh sớm có biện pháp tuyên truyền các trường học, đặc biệt là nhà trẻ, mẫu giáo chú trọng biện pháp vệ sinh, phòng dịch.
Sau Tết Nguyên đán, Trường Mẫu giáo Tiên Sơn (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) ghi nhận một số trẻ mắc bệnh tay – chân – miệng. Cô Đặng Thị Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Phần lớn phụ huynh khi biết con bị bệnh tay – chân – miệng đều cho trẻ ở nhà. Nhưng một vài phụ huynh không biết con bị bệnh ở giai đoạn nhẹ nên vẫn cho trẻ đến lớp. Với những trường hợp này, GV vừa tư vấn cho phụ huynh cách theo dõi, chăm sóc vừa vận động phụ huynh cho trẻ nghỉ học để tránh lây bệnh cho trẻ khác. Nhà trường đã liên hệ với trạm y tế xã tiến hành phun thuốc khử trùng lớp học, khu vui chơi, nhà vệ sinh, phòng học… Cuối tuần, GV các lớp gửi chăn, vỏ gối của trẻ để phụ huynh giặt giũ. Đồ chơi, đồ dùng cá nhân của trẻ được vệ sinh hàng tuần.
Để thực hiện công tác phòng dịch, góc thông tin của trường và ở các lớp học đều dành các vị trí bắt mắt để tuyên truyền cho phụ huynh cách phòng chống bệnh tay – chân – miệng cho trẻ. Trong đó chú trọng đến khâu vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ…
Tại Quảng Nam, Tiên Phước là một trong những huyện có số ca bệnh nhi bị tay – chân – miệng phải nhập viện điều trị cao. Trong đó, có những ca nặng, nhiều biến chứng, phải chuyển ra Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Như trường hợp bệnh nhi Q.T nhiễm tay – chân – miệng, được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng trong tình trạng suy hô hấp, phải dùng thuốc vận mạch, thở máy và áp dụng phác đồ tay chân miệng cấp độ 4, tiến hành lọc máu. Ngoài Tiên Phước, các địa phương khác như Tam Kỳ, Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình cũng ghi nhận nhiều bệnh nhi bị bệnh tay – chân – miệng nhập viện điều trị tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam.
Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh – Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết: Khoa đang điều trị nội trú cho 50 - 70 ca mắc bệnh tay – chân – miệng ở cấp độ 2 – 3. Thậm chí, có trường hợp đến từ các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, bệnh đã ở cấp độ 4, buộc phải hồi sức tích cực. Theo khuyến cáo của bác sĩ Thịnh, những trường hợp này, nếu người nhà cho trẻ nhập viện chậm sẽ tăng nguy cơ dẫn đến viêm màng não, phù phổi cấp rất nguy hiểm, thậm chí tử vong.