Anh Quân, chủ một shop bán đồ chơi trực tuyến cho biết, nhằm tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, giúp mang lại sản phẩm giá ưu đãi hơn nên định hướng việc kinh doanh của mình lên Internet. “Ban đầu tưởng đơn giản, tới lúc làm mới chóng mặt vì mình chưa có thói quen ghi chép đầy đủ thông tin của từng khách để lên order, số lượng, mặt hàng nên thường xuyên ‘bỏ quên’ khách, bị quá hẹn giao hàng”, anh nói.
Nhiều chủ shop online bắt đầu gặp khó khăn khi có nhiều khách hàng. |
Kể cả khi đã thay đổi thói quen, lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ cũng trở thành bài toán khó trong vấn đề lưu trữ, truy xuất khi cần đối với nhiều người. Anh Dương, chủ một shop online khác cho biết, ban đầu, khi khách hàng ít, ghi chép sổ sách giúp giải quyết được phần nào, nhưng khi lượng khách tăng lên theo thời gian, tôi vẫn không đáp ứng được bởi “càng đông khách, càng lắm vấn đề, đau đầu hơn”.
Một số người bán hàng đã chọn cách lưu trữ bằng công cụ excel hay thậm chí phần mềm quản lý, bán hàng. Tuy nhiên, chương trình quản lý giúp kiểm soát danh sách khách hàng tốt hơn, nhưng vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán kiểm kho.
“Tôi không chỉ bán trên Facebook, mà còn qua website, rồi một vài chợ, sàn thương mại điện tử, lúc này mới nảy sinh chuyện làm sao kiểm soát được lượng hàng tồn kho bởi việc đồng bộ số lượng giữa các nền tảng này phải làm hoàn toàn bằng tay và liên tục cập nhật, rất mất thời gian”, anh Quân nói.
Không giống anh Quân, chị Hồng (Hà Nội), chủ một shop quần áo trẻ em ngay từ đầu đã sử dụng các biện pháp quản lý tương đối hữu hiệu, nhưng lại phát sinh vấn đề chi phí do phải thuê nhân sự để chia ra chịu trách nhiệm các phần việc khác nhau.
Chị Hồng có nhân viên chuyên đi chia sẻ, giới thiệu sản phẩm trên các sàn, fanpage, kiêm nhiệm vụ trả lời khách hàng qua mạng xã hội. Rồi nhân viên quản lý, chăm sóc trên website, quản lý kho để điều phối giao và nhập hàng bổ sung, thu ngân.. Theo chị nhẩm tính, một tháng, chi phí cho các nhân công này đã tiêu tốn khoảng 30 triệu đồng.
“Nhiều khi phải ôm quá nhiều đầu việc, thời gian cho công việc chiếm cả ngày, chẳng còn cho gia đình”, chị chia sẻ.
Bên cạnh đó, giữ cho nhân sự ổn định cũng không phải chuyện đơn giản bởi cứ một thời gian ngắn lại có người xin nghỉ với đủ lý do, mà theo chị Hồng chủ yếu vì chê lương ít, hoặc có nơi khác rủ sang với mức lương cao hơn.
Theo các chuyên gia thương mại điện tử, cũng giống như kinh doanh truyền thống, bán hàng trên mạng đòi hỏi việc quản lý sát sao đối với sản phẩm, từ chuyện thống kê đơn hàng, nắm bắt số lượng sản phẩm tồn kho tới lưu trữ, sắp xếp thông tin khách hàng để tránh nhầm lẫn.
Do đó, người bán hàng online, không chỉ cần biết cách chọn sản phẩm, đăng bài mà cần có tố chất sắp xếp và quản lý khoa học.
“Không giống với kinh doanh truyền thống khi bạn sở hữu một hay nhiều cửa hàng, cuối ngày tổng hợp sổ sách của từng địa điểm lại để có doanh thu theo ngày, chốt hàng tồn kho. Bán online hàng hóa sẽ hết theo thời gian thực, nếu không cập nhật liên tục, bạn sẽ không kịp bổ sung để duy trì công việc kinh doanh”, một chuyên gia nhận định.