Ở một góc độ khác, ngành y tế lại cho rằng việc quỹ bảo hiểm kết dư hàng ngàn tỷ đồng chứng tỏ người bệnh đang bị thiệt thòi trong việc thực hiện quyền lợi của mình.
Bệnh viện thành… con nợ
Bội chi quỹ bảo hiểm y tế không chỉ gây khó khăn cho ngành bảo hiểm trong việc cân đối tài chính để đảm bảo quyền lợi cho tất cả mọi người khi phải vào viện mà khiến không ít bệnh viện đứng trước cảnh dở khóc dở cười. Điển hình như tại Thừa Thiên - Huế, nhiều bệnh viện địa phương trở thành con nợ do bảo hiểm xã hội chậm thanh toán mà nguyên nhân phần lớn liên quan đến bội chi quỹ. Thống kê sơ bộ của tỉnh này cho thấy, 9 tháng đầu năm, tình trạng bội chi lên tới 387 tỷ đồng, vượt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên 165%. Do bội chi nên bảo hiểm xã hội phải rà soát lại bệnh án của một số bệnh nhân cũng như việc đấu thầu thuốc… dẫn đến tình trạng chậm thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Việc làm này vô tình đẩy bệnh viện thành con nợ của đơn vị cung cấp trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế…
Không chỉ bệnh viện ở Thừa Thiên - Huế và theo quan điểm của Bộ Y tế, rất nhiều bệnh viện đang bị làm khó, bị từ chối xuất toán. Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Y tế) Đặng Hồng Nam dẫn chứng: Có bệnh nhân chụp CT không phát hiện tổn thương nhưng sau đó được phát hiện nhồi máu não nhờ chụp cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên, BHXH từ chối xuất toán chụp CT mà chỉ thanh toán chụp MRI.
Trình độ giám định viên cũng là vấn đề gây khúc mắc giữa hai ngành. Hiện nhiều giám định viên không có kiến thức về y, dược nhưng vẫn được giám định, xuất toán hồ sơ bệnh án nên đôi khi không hiểu sâu về chuyên môn. Mặt khác, cả nước có 3.000 cơ sở y tế tuyến huyện và 11.000 trạm y tế khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu nhưng chỉ có 2.300 giám định viên. Ước tính, mỗi giám định viên phải giám định 5 ngàn hồ sơ/tháng đây là con số kỷ lục, khó có thể hoàn thành.
Nhìn về phía trước
Liên quan đến việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mỗi bên đều có quan điểm riêng của mình. Nhưng trách nhiệm của 2 ngành là phục vụ người bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, như vậy, làm gì cũng đều phải hướng đến quyền lợi của người dân.
Để không vì khúc mắc của hai bên làm ảnh hưởng đến người bệnh, nhiều ý kiến cho rằng hai ngành cũng phải nhìn về phía trước. Người dân, chẳng ai muốn ốm đau, chẳng ai muốn phải dùng đến thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng khi đã vào viện, họ phải được đảm bảo đầy đủ quyền lợi của mình. Đó là việc được khám, phát hiện bệnh và điều trị khi cần thiết.
Từ đối tượng phục vụ chính là người bệnh, nhiều ý kiến cho rằng liên ngành y tế - bảo hiểm cần bỏ qua quan điểm cá nhân, cùng ngồi lại để tìm cách giải quyết. Theo đó, dù là giải pháp nào thì phải đạt mục tiêu là các cơ sở y tế phải có điều kiện thuận lợi, nguồn tài chính bền vững để cung cấp dịch vụ đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Ngược lại, cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội sẽ đảm bảo thanh toán chi phí một cách phù hợp. Muốn vậy, cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật một cách rõ ràng, cụ thể. Đó là hướng dẫn phác đồ điều trị bệnh rõ ràng với từng loại bệnh, từng cơ sở y tế. Việc giám định bệnh án phải minh bạch, dựa trên hướng dẫn điều trị bệnh của ngành y tế.
Với sai phạm liên quan đến hành vi trục lợi hay giám định sai đều cần xử lý nghiêm. Về lâu dài, cần kết nối hệ thống thông tin 2 ngành trên phạm vi toàn quốc, qua đó, bác sĩ, giám định viên sẽ biết tiền sử bệnh tật, tiền sử khám chữa bệnh trước đó của người bệnh để có cách giải quyết phù hợp.