Dạy học môn tích hợp không bị động với thời khóa biểu

GD&TĐ - Triển khai dạy học các môn tích hợp ở THCS, nhiều trường đã tìm tòi giải pháp để thực hiện tốt nhất trong điều kiện hiện có...

Nhiều trường đã tìm tòi và triển khai dạy học các môn tích hợp cho học sinh ở THCS. Ảnh minh họa
Nhiều trường đã tìm tòi và triển khai dạy học các môn tích hợp cho học sinh ở THCS. Ảnh minh họa

Đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ

Năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Quảng Trị triển khai văn bản hướng dẫn dạy học môn Khoa học tự nhiên theo chỉ đạo của Bộ GD&DT tại Công văn số 1496 và 4020. Theo đó, tất cả cơ sở giáo dục tổ chức dạy học bảo đảm được mạch kiến thức trong chương trình môn học. Chia sẻ thông tin này, ông Hồ Đắc Vinh, Phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên (Sở GD&ĐT Quảng Trị), cho biết: Các trường bố trí GV (Vật lý, Hóa học, Sinh học) dạy lần lượt các chủ đề phù hợp với chuyên môn đào tạo.

Thời khóa biểu điều chỉnh linh hoạt. Với trường có số lượng lớp trong cùng một khối lớp nhiều thì chủ động điều chỉnh giảm số tiết các môn Hóa học, Sinh học, Vật lý 8, 9 theo từng giai đoạn. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã chỉ đạo bố trí GV dạy liên trường để bảo đảm đủ đội ngũ tại các cơ sở giáo dục. Trong mỗi học kỳ, sở GD&ĐT đều tổ chức chuyên đề cấp tỉnh về tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, tạo điều kiện cho GV chia sẻ khó khăn, vướng mắc và giải pháp đã triển khai. Qua đó, sở GD&ĐT điều chỉnh trong quá trình chỉ đạo hoạt động chuyên môn.

Với lớp 6, 7, trường xây dựng thời khóa biểu cơ bản ổn định trong 1 học kỳ. Riêng môn Lịch sử và Địa lý, thời khóa biểu thay đổi từ nửa học kỳ I trở đi. Môn Khoa học tự nhiên thì căn cứ vào các chủ đề, nhà trường điều chỉnh nhằm bảo đảm thời lượng mỗi phân môn không thay đổi. Cho đến thời điểm này, nhà trường, GV không thấy khó khăn gì trong thực hiện theo mạch nội dung kiến thức của bộ môn.

“Với quy mô nhỏ, chỉ có 3 lớp 6 và 2 lớp 7, năm học này trường phân công 2 GV (một GV chuyên môn Sinh học - Hóa học, một GV Vật lý) đảm nhiệm môn Khoa học tự nhiên và bám sát theo logic chương trình. Việc bồi dưỡng GV được nhà trường đặc biệt quan tâm và xây dựng kế hoạch dài hạn để sang năm, một GV có thể đảm nhiệm được cả môn Khoa học tự nhiên khối 6. Năm học 2024 - 2025, một GV có thể phụ trách môn Khoa học tự nhiên khối 7” - thầy Hoàng Khắc Tiệp cho hay.

Tại Trường THCS Yên Chính (Ý Yên, Nam Định), việc triển khai Chương trình GDPT 2018 có nhiều thuận lợi vì các trường học trên địa bàn nói chung, Trường THCS Yên Chính nói riêng được quan tâm bố trí tương đối đầy đủ GV để đáp ứng việc tổ chức dạy học; đặc biệt với các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Thông tin từ thầy Hiệu trưởng Hoàng Khắc Tiệp, sở/phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức tập huấn, kể cả trực tiếp và trực tuyến, giúp cán bộ quản lý, GV nắm vững chương trình, đồng thời tháo gỡ khó khăn gặp phải. Riêng các môn tích hợp, sở GD&ĐT lập mỗi môn một nhóm Zalo để chuyên viên của sở hỗ trợ, tư vấn, giải quyết kịp thời các thắc mắc từ phía GV THCS trong quá trình triển khai giảng dạy.

“Về thuận lợi, cũng phải nói đến các văn bản chỉ đạo triển khai của Bộ GD&ĐT. Ví dụ như Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022 - 2023 giúp chúng tôi chủ động rất nhiều trong thực hiện chương trình giáo dục. Cơ sở giáo dục có thể linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, cũng như kế hoạch tổ nhóm chuyên môn”.

Đưa nhận định này, thầy Hoàng Khắc Tiệp cũng cho biết: Với Trường THCS Yên Chính, từ đầu tháng 8 đã tổ chức cho hội đồng sư phạm, GV nghiên cứu chương trình môn học, đặc biệt đi sâu yêu cầu cần đạt và các chủ đề của môn học, từ đó căn cứ thực tế đội ngũ của nhà trường, lên kế hoạch phân công chuyên môn, xây dựng thời khóa biểu.

Thầy trò Trường THCS Thụy Trường trong giờ học.

Thầy trò Trường THCS Thụy Trường trong giờ học.

Chủ động các giải pháp

Có ý kiến cho rằng, việc thay đổi liên tục thời khóa biểu khiến GV, học sinh bị động. Cô Ngô Thị Kiều Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, điều này là không đúng vì thay đổi thời khóa biểu luôn được báo trước. Tiến độ tiết học trên lớp theo từng bộ môn không thay đổi vì các tiết trong tuần đều giảng dạy theo kế hoạch dạy học được xây dựng từ đầu năm, thông qua tổ nhóm, ban giám hiệu phê duyệt.

Chia sẻ về triển khai Chương trình GDPT 2018, cô Ngô Thị Kiều Linh cho biết, Trường THCS Lê Lợi năm đầu cũng gặp khó khăn. Để tháo gỡ, ban giám hiệu đã cùng tổ chuyên môn bàn bạc, sắp xếp lại thời khóa biểu và phân công GV. Vì lớp 6, phân môn kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học của môn Khoa học tự nhiên chưa quá khó, nên GV cốt cán của trường đã mạnh dạn đảm đương cả 3 phân môn. Tất nhiên, thầy cô đã được tập huấn, bồi dưỡng bảo đảm yêu cầu giảng dạy. Khi chỉ 1 GV phụ trách môn Khoa học tự nhiên, việc sắp thời khóa biểu, công việc trong nhà trường thuận lợi hơn.

Có ý kiến băn khoăn môn Khoa học tự nhiên khi lên lớp 8, 9, kiến thức đòi hỏi ở mức độ cao hơn, GV dạy môn này cũng khó khăn hơn, đặc biệt trong việc bồi dưỡng HS mũi nhọn. Lường trước tình huống này, cô Ngô Thị Kiều Linh cho hay, nhà trường sẽ thành lập câu lạc bộ để thầy cô cùng chung tay hỗ trợ học sinh mũi nhọn. Cùng với đó, cử GV tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo được các cấp đặc biệt của phòng GD&ĐT có chứng chỉ để nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó phụ trách tốt hơn môn Khoa học tự nhiên ở cả 3 phân môn.

Có ý kiến tương tự, thầy Vũ Nho Hoàng, Tổ phó Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy, Thái Bình) cũng khẳng định, kế hoạch giáo dục của nhà trường được xây dựng tỉ mỉ tới từng tháng, tuần, tiết và được công khai ngay từ đầu năm học. Do đó, GV và học sinh không bị động.

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, thầy Vũ Nho Hoàng cho rằng, cần chú ý cụ thể tới từng tiết, từng tuần và đồng bộ thống nhất giữa nhà trường, tổ chuyên môn, GV. Từ đó, GV dạy phần Hóa học, Sinh học, Vật lý biết và chủ động trong công việc. Bên cạnh đó, Chương trình môn Khoa học tự nhiên, bài học thường nhiều tiết, nên khi xây dựng thời khóa biểu có thể phân dạy 2 tiết liền môn học này, tạo thuận lợi cho GV tổ chức hoạt động dạy học.

“Một khối chúng tôi chấp nhận có 3 GV Lý, Hóa, Sinh cùng phụ trách môn Khoa học tự nhiên của các lớp khác nhau. GV môn nào soạn giáo án môn đó rồi cùng ngồi bàn bạc, trao đổi, thống nhất, chia sẻ kiến thức và cách dạy trong nhóm chuyên môn Khoa học tự nhiên khối 6 để thống nhất nội dung lên lớp. Tất nhiên, thầy cô sẽ vất vả hơn trong họp nhóm chuyên môn và đặc biệt là tự học, nhưng việc quản lý học sinh trên lớp, sắp xếp thời khóa biểu, tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá thuận lợi hơn nhiều” - cô Ngô Thị Kiều Linh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ