Không để 'ăn đong'

GD&TĐ - Theo lộ trình, năm học 2023 - 2024, Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được triển khai với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, các địa phương chủ động phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy học các khối lớp này, không để xảy ra tình trạng “ăn đong”.

Trước đó, năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 trong bối cảnh nhiều địa phương thiếu giáo viên, thậm chí là không có nguồn tuyển dụng để bù đắp số lượng thiếu. Do vậy, việc thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới ở các địa phương có sự khác nhau; song nhà trường và đội ngũ nhà giáo đã nỗ lực vượt khó, cơ bản đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đổi mới.

Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đã hoàn thành một nửa chặng đường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khó khăn dần qua đi, thách thức dần lắng xuống và cũng còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, những gì toàn ngành Giáo dục đã và đang làm là minh chứng sinh động cho sự quyết tâm đổi mới, quyết tâm hoàn thành sự nghiệp “trồng người”.

Chúng ta đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, với những bước đi chắc chắn, bài bản và khoa học. Trên hết là rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 trong năm học tới, mà ở đó câu chuyện về đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố then chốt.

Trung tuần tháng 7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW; trong đó, giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Bộ GD&ĐT ngay lập tức có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức tuyển dụng, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều đó cho thấy sự chủ động của ngành Giáo dục và địa phương, cùng với tâm thế của giáo viên sẵn sàng đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục, nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Thế nên, dù chưa bế giảng năm học 2022 - 2023 nhưng các địa phương, trường phổ thông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nguồn lực giáo viên cho năm học tới. Theo đó, các địa phương đã phát đi thông báo tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục, nhằm bù đắp sự thiếu hụt giáo viên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với đó, sở GD&ĐT, các trường phổ thông đã xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 4, lớp 8, lớp 11. Đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp. Nhiều nơi đã có lộ trình đào tạo đội ngũ phục vụ cho ngành Giáo dục, bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.

Các địa phương, cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng cấp học, môn học đến năm 2026, trước mắt là năm học 2023 - 2024 để báo cáo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ. Qua đó, kịp thời bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên được giao theo Quyết định số 72-QĐ/TW, nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đổi mới giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tủ nấu cơm sản xuất giá rẻđịa chỉ quán gà bó xôi