Không còn xa lạ

GD&TĐ - Xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên trách dạy học theo phương pháp giáo dục STEM còn khó khăn...

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Cách đây hơn 6 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó có nội dung “Thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông”.

Do đó, giáo dục STEM không còn xa lạ, thậm chí trở thành xu thế trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018; Là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của quá trình đổi mới toàn diện GDPT.

Cũng cần hiểu tường minh, STEM không phải là một môn học, mà là phương pháp dạy học. Một trong những điểm mạnh của hoạt động này là giáo dục theo hướng tích hợp liên môn thay cho việc dạy đa môn rời rạc. Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đây là cách tiếp cận mới, thiết thực và cần thiết. Bởi lẽ, để giải quyết các vấn đề của thực tiễn, không chỉ cần đến kiến thức của một môn học, mà phải tổng hòa, tích hợp kiến thức nhiều môn.

Bên cạnh đó, giáo dục STEM gắn dạy học với thực tiễn, “học đi đôi với hành”; Thay đổi phương thức học tập là học qua làm và nghiên cứu. Từ đó, giúp học sinh tìm tòi khám phá tri thức, hình thành phẩm chất năng lực. Mục đích cốt lõi của Chương trình GDPT 2018 là hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh thông qua đổi mới cách học, cách nghĩ. Do đó, phương pháp giáo dục hiện đại STEM cần được tiếp tục đẩy mạnh trong các nhà trường.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, việc xây dựng kế hoạch bài dạy STEM ở nhiều nhà trường hiện nay chưa đạt hiệu quả mong muốn. Số lượng chủ đề STEM được xác định chưa nhiều trong phân phối chương trình các môn học, hoạt động giáo dục nhà trường. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học thiếu, đặc biệt khi triển khai phương pháp dạy học tích cực. Việc khai thác thiết bị hiện có, kiểm tra, đánh giá sản phẩm, dự án và chính sách hỗ trợ giáo viên triển khai giáo dục STEM còn nhiều hạn chế.

Mặt khác, để xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên trách dạy học theo phương pháp này còn khó khăn. Vì thế, giải pháp mà các trường, địa phương áp dụng là tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy học theo giáo dục STEM.

Tuy nhiên, giáo viên vừa thiếu về số lượng và yếu về tiếp cận giáo dục STEM đang là thực trạng đáng quan ngại dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, bị động. Thậm chí, ở nhiều trường, học sinh vẫn đang “chơi STEM” chứ không đạt đến yêu cầu học qua STEM dù có giáo viên chuyên trách. Thứ nữa, dù Bộ GD&ĐT đã có nhiều tài liệu về giáo dục STEM nhưng các thầy, cô giáo và học sinh vẫn nhìn nhận và có quan niệm chưa thống nhất về phương pháp này.

Để triển khai giáo dục STEM hiệu quả, việc đầu tiên cần thực hiện là giúp giáo viên, học sinh, hiểu đúng, đủ, sâu về hoạt động này. Đồng thời, nâng cao nhận thức của thầy, trò, cộng đồng về giáo dục STEM. Các địa phương, trường phổ thông cần phối hợp với cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện giáo dục STEM; đặc biệt phải xây dựng tài liệu, tổ chức tốt khâu tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Từ đó, thúc đẩy và thực hiện giáo dục STEM hiệu quả.

Về phía các trường sư phạm, cần xây dựng chương trình đào tạo, các mô-đun bồi dưỡng cho sinh viên về giáo dục STEM, để khi ra trường, các em có thể tự tin bắt tay ngay vào dạy học theo phương pháp hiện đại, tích cực này.

Đối với các địa phương, cơ sở giáo dục, cần tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên phục vụ giáo dục STEM, sáng tạo thực hiện STEM trong điều kiện thực tế; Tránh triển khai hình thức hoặc viện lý do không đảm bảo điều kiện để trì hoãn việc phát triển dạy học, từng bước nhân rộng mô hình giáo dục STEM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.