7 địa phương tham gia là Lào Cai, Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Cần Thơ, Đồng Tháp. Sau một học kỳ, một số nơi đã tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng từ học kỳ II năm học 2022 - 2023; cũng có địa phương từ điểm khó được nhận diện để nỗ lực khắc phục, hướng đến mục tiêu thực hiện đại trà trong năm học tiếp theo.
Nhìn rõ… điểm khó
Được nhà trường giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm giáo dục STEM, cô Phan Thị Tâm, giáo viên Trường Tiểu học Bình Thủy, quận Bình Thủy (Cần Thơ) tham gia đầy đủ buổi tập huấn của Bộ và các hội thảo do ngành Giáo dục tổ chức. Sau thời gian qua triển khai tại trường, cô Tâm nhận thấy học sinh, năng động và phát huy khả năng sáng tạo nhiều hơn. Tuy nhiên, do tài liệu hạn chế, giáo viên chủ yếu tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Ngành Giáo dục Cần Thơ lựa chọn 10 trường tiểu học tham gia thí điểm thuộc 5 quận, huyện là Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền với 323 giáo viên thực hiện giảng dạy các bài học/406 giáo viên được tập huấn; 119 chủ đề STEM được dạy và 11.210 học sinh thụ hưởng.
Ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Cần Thơ) cho biết: Do mới triển khai thí điểm nên tài liệu tập huấn chỉ có 2 bài minh họa/khối; nguồn tài liệu tham khảo cho giáo viên còn ít khiến đội ngũ gặp khó trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy STEM. Bên cạnh đó, một số giáo viên vẫn lúng túng, chưa biết cân đối thời gian trên lớp để đảm bảo chuẩn kiến thức và đáp ứng mục tiêu Giáo dục STEM.
Mặt khác hiện chưa có quy định cụ thể về trang thiết bị tối thiểu nên các trường chủ yếu tận dụng thiết bị phục vụ Chương trình 2018 và vật dụng tái chế để giảng dạy.
Còn tại Đồng Tháp, năm học 2022 - 2023 có 10 trường của 5 huyện, thành phố với hơn 1.100 giáo viên và gần 10.000 học sinh tham gia thí điểm. Các đơn vị thực hiện hơn 71 chủ đề giáo dục STEM trên tổng số 631 tiết học.
Bên cạnh hiệu quả bước đầu, quá trình thực hiện, nhà trường và thầy cô vẫn đối diện với nhiều lực cản. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Rào cản lớn nhất là một số giáo viên chưa thực sự hiểu về giáo dục STEM gây khó khăn khi triển khai dạy học theo hướng tích hợp liên môn và chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu về giáo dục STEM. Vẫn có trường hợp ngại học hỏi, chia sẻ với đồng nghiệp nên chưa có sự trao đổi, liên hệ và phối hợp tốt giữa giáo viên các bộ môn trong dạy học STEM. Điều này dẫn đến tình trạng chưa điều chỉnh nội dung dạy STEM phù hợp với thời điểm, học sinh.
Điển hình tại huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), năm học 2022 - 2023, huyện thí điểm giáo dục STEM tại Trường Tiểu học Dương Văn Hoà và Trường Tiểu học Mỹ Quý. Bước đầu triển khai, ngành giáo dục huyện gặt hái nhiều tín hiệu tích cực từ giáo viên lẫn học sinh. Theo thống kê, các trường đã tổ chức được hơn 19 chủ đề bài học STEM phù hợp với từng khối lớp.
Tuy nhiên, do mới tiếp cận với giáo dục STEM nên quá trình thực hiện cũng đối diện một số điểm bất cập. Theo ông Hồ Phú Trường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tháp Mười, năm đầu tiên, ngành giáo dục huyện thực hiện thí điểm giáo dục STEM nên cán bộ quản lý và giáo viên lúng túng trong tổ chức các tiết học; đôi khi chưa đảm bảo mục tiêu của bài học STEM.
Mặt khác, giáo viên phải tập trung vào giảng dạy theo chương trình nên chưa có thời gian để đầu tư cho hoạt động STEM; một vài tiết học khi triển khai còn nặng nề, căng thẳng cho giáo viên lẫn học sinh. Mặc dù các chủ điểm, chủ đề của bài học được các tổ chuyên môn thống nhất từ đầu năm nhưng khi áp dụng vào thực tiễn giảng dạy cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là năng lực tổ chức giảng dạy, dụng cụ, thời gian và không gian thực hiện nội dung bài học.
Chia sẻ thực tế triển khai tại Cần Thơ, bà Lê Thị Hường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ bày tỏ: Đây là phương pháp giáo dục mới, chưa có nhiều tài liệu tham khảo nên một số giáo viên khi thực hiện còn lúng túng, chưa cân đối thời gian trên lớp để đảm bảo đồng đều yêu cầu cần đạt của môn chủ đạo và đảm bảo mục tiêu bài học STEM. Bên cạnh đó, 2 trường thí điểm có sĩ số học sinh/lớp khá đông cũng là rào cản khi tổ chức thực hành và trưng bày sản phẩm...
Ngoài ra, một số lớp tuy thực hiện bài học theo chủ đề giáo dục STEM nhưng sản phẩm còn ít và chưa phong phú do chưa phát huy hết năng lực sáng tạo cá nhân. Học sinh lớp 1, 2 và lớp 3 mới tham gia thiết kế sản phẩm đạt ở mức 1 theo quy định, chưa có đột phá.
Học sinh tại Cần Thơ hào hứng tham gia tiết học giáo dục STEM. |
Có thể nhân rộng?
Dạy học theo mô hình giáo dục STEM, không chỉ nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về tổ chức, quản lý, xây dựng và thực hiện nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức mà còn giúp cha mẹ và học sinh hiểu rõ hơn hiệu quả khi thực hiện giáo dục STEM. Bằng chứng, học sinh tham gia các tiết học STEM rất tích cực, hứng thú, chịu khó nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm.
Để thực hiện theo đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng, ngành giáo dục các địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và nghiên cứu để bổ sung thêm chủ điểm STEM phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng khối lớp.
Ông Lê Thanh Long thông tin: Tại Cần Thơ, các phòng GD&ĐT có trường tiểu học được chọn thí điểm đều chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, đồng thời tạo mọi điều kiện cho đơn vị thực hiện giáo dục STEM theo đúng kế hoạch.
Sở cũng chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền rộng rãi mô hình giáo dục STEM cấp tiểu học đến đội ngũ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh và cộng đồng. Khuyến khích các phòng GD&ĐT quận/huyện và trường không được chọn thí điểm học tập kinh nghiệm để có thể triển khai rộng rãi.
Với 10 trường của 5 huyện, thành phố với hơn 1.100 giáo viên và gần 10.000 học sinh tham gia thí điểm, ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đồng Tháp đã chủ động thành lập Tổ tư vấn triển khai giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhiệm vụ chính của tổ là chủ động hỗ trợ, tư vấn xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm giáo dục STEM. Đồng thời phối hợp với cán bộ, giáo viên tại các đơn vị xây dựng chủ đề STEM, bài học, hoạt động trải nghiệm STEM; bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên; hỗ trợ kỹ thuật, công tác chuyên môn…
Ngoài ra, sở còn chủ động tổ chức buổi tập huấn chuyên môn để trao đổi kinh nghiệm về giáo dục STEM cấp tiểu học gắn với yêu cầu cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như chia sẻ kế hoạch dạy học các môn học liên quan đến STEM, phương thức tích hợp nội môn hoặc liên môn.
Với kết quả đạt được, ông Nguyễn Minh Tâm nhìn nhận: Để nhân rộng giáo dục STEM cần phát huy hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, tổ tư vấn cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố trong việc hỗ trợ kỹ thuật, công tác chuyên môn; các hoạt động giáo dục STEM,… Giáo viên phải nghiên cứu đầy đủ cơ sở pháp lý, tài liệu, thông tin về giáo dục STEM.
Riêng các trường không tham gia thí điểm giáo dục STEM phải chủ động lựa chọn tài liệu, phương thức dạy học STEM phù hợp với điều kiện của đơn vị. Từ đó, giáo dục STEM đến với học sinh một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, hiệu quả. Sở khuyến khích các trường mạnh dạn chọn chủ đề bài học theo giáo dục STEM phù hợp với năng lực giáo viên, học sinh và tình hình nhà trường.
Giáo viên tham gia giảng dạy mẫu tiết học áp dụng giáo dục STEM. |
Lộ trình khoa học, hợp lý
Chia sẻ tại buổi Tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên về xây dựng kế hoạch bài dạy STEM và tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường THPT tại Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Giáo dục STEM không phải là khái niệm mới, toàn ngành đã tiếp cận nhiều năm trước.
Đặc biệt, từ năm 2017 khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 16 về việc tăng cường đẩy mạnh giáo dục STEM trong các trường phổ thông, STEM càng được chú trọng. STEM khi đó được ngành giáo dục nhận diện là một trong những phương thức đổi mới dạy học nhằm phát triển kỹ năng cho người học.
Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đặt ra mục tiêu là đảm bảo cho học sinh hình thành 5 phẩm chất và 10 năng lực trong đó 3 năng lực cốt lõi trùng khớp với mục tiêu STEM đó là tự chủ, tự học, giao tiếp giải quyết vấn đề.
Tháng 8/2020, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tổng kết 3 năm triển khai giáo dục STEM cũng là 3 năm thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về đẩy mạnh STEM. Tháng 9/2020, Bộ ban hành Công văn 3089, bao quát toàn bộ về giáo dục STEM.
Giáo dục STEM theo tinh thần Công văn 3089 có 8 bước và 5 hoạt động chính. Xây dựng ý tưởng là bước đầu tiên, rất quan trọng. Sau khi xác định được vấn đề cần giải quyết thì bước 2 bằng kiến thức nền cộng với các kỹ năng có được đưa ra giải pháp triển khai, giải quyết vấn đề. Tiếp đó, thiết kế ra các công cụ, điều kiện để chế tạo ra sản phẩm để giải quyết vấn đề. Bước thứ 4 là thí nghiệm thực tiễn; thứ 5 là hoàn thiện và trình bày.
“Giáo dục STEM theo Công văn 3089 đã cầm tay chỉ việc rất rõ. Thầy cô cần nghiên cứu kỹ để thấy rõ quy trình tổ chức tiết học STEM. Qua các buổi tập huấn, chuyên gia đưa ra một số bài giảng, thầy cô có thể căn cứ vào để xây dựng kế hoạch bài giảng STEM”, Thứ trưởng trao đổi.
Mục đích cuối cùng của giáo dục là hình thành các kỹ năng học sinh. Bộ GD&ĐT đã hoàn thành đợt tập huấn xây dựng kế hoạch bài dạy STEM và tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường THPT đối với cán bộ cốt cán chuyên môn của 63 tỉnh thành trên cả nước.
Vì thế sau đợt tập huấn, Thứ trưởng mong thầy cô về tham mưu với địa phương ra văn bản triển khai tập huấn cho giáo viên của các trường. Ít nhất mỗi trường có 2 giáo viên tham gia tập huấn để hiểu sâu sắc về giáo dục STEM và về triển khai trong nhà trường. Với hơn 41 nghìn trường trong cả nước cùng triển khai giáo dục STEM sẽ tác động, hỗ trợ cho việc đổi mới Chương trình phổ thông 2018.
Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: STEM là phương pháp giáo dục, giúp thầy cô thực hiện nhiệm vụ giáo dục hiệu quả hơn, đặc biệt trong triển khai nhiệm vụ năm học đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các cơ sở cần quan tâm công tác phối hợp giữa các phòng, trường và giáo viên. Đây là cầu nối hữu hiệu, quan trọng trong triển khai nhân rộng trong thời gian tới.