Từ học để lấy điểm đến học theo khả năng, sở thích
Từ ngày 15/10/2014, thông tư quy định về đánh giá học sinh tiểu học mới có hiệu lực. Nhưng ngay từ đầu năm học mới, các thầy cô trực tiếp đứng lớp đã “nằm lòng” những nội dung mới để sẵn sàng triển khai.
Thầy giáo Tô Ngọc Sơn - Trường Tiểu học Chu Văn An (Cao Lãnh, Đồng Tháp) - thể hiện sự đồng tình đánh giá không tính điểm với học sinh tiểu học. Thầy Sơn lý giải:
Trước đây, mình nặng nề với điểm số, dẫn đến học sinh cũng quay cuồng với điểm số, miệt mài học gạo để đạt điểm cao. Cách cho điểm nhiều khi cũng làm các em đánh mất đi sự tự tin.
Đơn cử, học sinh luôn có tâm lý sợ điểm thấp bị bố mẹ mắng, bị bạn bè chê cười; trong quá trình học tập rụt rè vì sợ sai, bị điểm kém...
Nhưng, nếu đánh giá bằng nhận xét, áp lực điểm số không còn, các em sẽ học theo khả năng, việc học thiên về các kỹ năng, thao tác. Điều này tốt hơn cho các em rất nhiều.
Nhiều năm giảng dạy tiểu học, cô Huỳnh Thị Diễm Lan - Tổ trưởng tổ tự nhiên Trường tiểu học Kiểng Phước (Gò Công Đông, Tiền Giang) cũng nhận định:
Việc đánh giá thường xuyên dùng điểm số hàng ngày thực sự gây áp lực cho học sinh. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm nảy sinh tình trạng học sinh học yếu sẽ chán học đẫn đến việc các em bỏ học.
Với cánh đánh giá mới, học sinh không chỉ giảm áp lực, có thời gian học hỏi thêm nhiều kỹ năng sống mà còn giúp các em có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ. Đồng thời, nhận xét được toàn diện, các mặt và các hoạt động của học sinh.
Tuy nhiên, cái mới nào cũng có những khó khăn ban đầu. Cô Hồ Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 (Thị trấn Mường Tè, Lai Châu) cho biết: Thực tế, không ít phụ huynh không thích đánh giá bằng nhận xét mà muốn con được giáo viên cho điểm.
Cũng quan điểm này, cô Huỳnh Thị Diễm Lan băn khoăn: Việc không cho điểm đánh giá thường xuyên đối với bậc tiểu học khiến phụ huynh lo lắng con mình có được giáo viên đánh giá đúng không?
Chính vì điều này, công tác tuyên truyền về quy định mới được nhiều trường chú trọng ngay từ thời điểm này, khi thông tư chưa đến thời điểm có hiệu lực.
Giúp giáo viên vượt qua khó khăn ban đầu
Để triển khai quy định một cách tốt nhất, cần phải có tài liệu hướng dẫn giáo viên đánh giá bằng nhận xét để giáo viên nghiên cứu; cho giáo viên tham dự mô hình trường học mới để khi đánh giá bằng nhận xét giáo viên sẽ không gặp khó khăn gì nhiều. Nhà trường cũng cần có biện pháp tuyên truyền để quy định mới nhận được sự đón nhận của phụ huynh học sinh.
Mặc dù hào hứng với quy định mới nhưng thầy Tô Ngọc Sơn cũng chỉ ra một thực tế, chắc chắn các giáo viên đứng lớp sẽ khá vất vả, nhất là trong thời gian đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, với sĩ số theo đúng quy định là 35 học sinh trên lớp, việc áp dụng thông tư mới cũng không quá khó khăn. Thêm nữa, nếu có hướng dẫn triển khai cụ thể, chi tiết, giáo viên sẽ biết cách thực hiện công việc này như thế nào để giảm bớt áp lực mà vẫn hiệu quả.
“Bản thân tôi cũng đã có sự chuẩn bị, trước hết là đọc kỹ những chỉ đạo trong thông tư, vạch ra công việc cần làm. Chỉ cần nắm vững quy định thì kiểu gì cũng có cách xoay sở, xử lý.
Cần quan sát kỹ biểu hiện tích cực của từng học sinh trong cả quá trình, phối hợp với quan sát thái độ. Cách ghi nên đầy đủ nhưng ngắn gọn” - Thầy Sơn chia sẻ.
Cô Huỳnh Thị Diễm Lan cũng băn khoăn nếu ngày nào cũng phải nhận xét một lượng học sinh lớn sẽ dẫn tới tình trạng quá tải cho giáo viên khi thực hiện quy định.
Khó nhất là việc phải nhận xét bằng lời nói trực tiếp hoặc viết vào phiếu, vở về những nội dung đã làm được, chưa làm được với từng học sinh.
Khẳng định cách đánh giá mới với học sinh tiểu học chắc chắn sẽ giúp giáo viên tích cực hơn, yêu cầu thầy cô phải quan sát học sinh kỹ hơn, chu đáo, tận tâm hơn vì yêu cầu đánh giá cả năng lực và trí tuệ, cô Đoàn Thị Kim Tuyến - Tổ trưởng bộ môn Trường Tiểu học thị xã Đoàn Kết (huyện Đa Huoai, Lâm Đồng) cũng không phủ nhận thực tế các thầy cô sẽ vất vả hơn:
“Hiện giáo viên tiểu học phải dạy 23 tiết/tuần, rồi tham gia các hoạt động như thao giảng, dự giờ, áp lực công việc không phải nhỏ.
Nếu trước đây chỉ theo dõi bằng điểm, thì với cách đánh giá mới, giáo viên cùng với quan sát học sinh, phải ghi lại. Công việc ghi nhận xét được yêu cầu theo từng tháng, trong đó, ghi cả những biện pháp sử dụng để giáo dục học sinh...
Chưa kể việc ghi nhận xét không đơn giản, nhất là những giáo viên trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, ghi nhận xét không khoa học, nhiều khi dùng từ chưa thích đáng.
Vất vả vậy, nhưng tôi tin rằng, các thầy cô sẽ được bù đắp bằng sự tiến bộ của học sinh, bằng nụ cười và niềm vui của các em mỗi khi đến trường” - Cô Đoàn Thị Kim Tuyến nhận định.
Với kinh nghiệm của mình, cô Tuyến cho rằng, để thực hiện tốt cách đánh giá mới, giáo viên nên rèn luyện chữ viết, kỹ năng nhận xét sao cho ngắn gọn nhưng đầy đủ, rõ ý; đầu tư thêm về phương pháp giảng dạy, đồng thời phải nghiên cứu kỹ quy định của Bộ GD&ĐT, nhất là những giáo viên trẻ.