Rượu gây bệnh ung thư, tim mạch, tai nạn giao thông và trầm trọng hóa chứng lao phổi. Ước tính mỗi năm, thế giới có tới 2,8 triệu ca tử vong bắt nguồn từ rượu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin uống rượu vừa phải tốt cho cơ thể. Gần đây, một nghiên cứu đã chỉ ra uống rượu hoàn toàn không cải thiện sức khỏe mà ngược lại còn gây hại, bất kể lượng hấp thụ là bao nhiêu.
Trên tờ Nhật báo Y khoa Lancet, bác sĩ Max Griswold, thuộc Viện Đánh giá và Nghiên cứu Y tế Đại học Washington (Mỹ) cho biết nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tăng cao một cách nhanh chóng khi uống nhiều rượu hơn. Thông qua dữ liệu từ 1.000 cuộc nghiên cứu trước đây, nhóm nghiên cứu do bác sĩ Griswold đứng đầu còn phát hiện tác dụng của rượu rất nhỏ so với tổn hại nó gây ra.
Nguyên nhân được cho là rượu phá hủy các tế bào giúp cơ thể phát triển. Bà Emma Allot, giáo sư ngành dinh dưỡng tại Đại học Bắc Carolina (Chapel Hill) khẳng định, tuyến tiền liệt dễ bị ảnh hưởng bởi các chất gây ung thư có trong rượu vì nó là cơ quan phát triển nhanh trong giai đoạn dậy thì.
Theo đội nghiên cứu Đại học Washington, cần xem lại lập luận trước đây rằng uống rượu vừa phải tốt cho sức khỏe bởi không hề có bất kỳ mức tiêu thụ rượu nào được đánh giá là an toàn. Kết quả này trái ngược hoàn toàn với nhiều cẩm nang sức khỏe khuyên uống hai ly mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh.
Các tác giả đồng thời nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong công cuộc hạn chế sử dụng rượu. Theo bà Emmanuela Gakidou, giáo sư ngành Sức khỏe Toàn cầu thuộc đội ngũ nghiên cứu, các chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe và cai rượu cần được xem xét lại. Giới chức cũng cần đánh thuế, kiểm soát nguồn cung, khung giờ bán và quảng cáo rượu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng Hiệp hội Tim mạch Mỹ đều khuyến cáo mức an toàn cho việc tiêu thụ rượu ở nam là hai ly và ở nữ là một ly mỗi ngày. Tuy nhiên, hai tổ chức này không khuyến khích sử dụng rượu. Theo định nghĩa, một ly rượu tương đương 120 ml.