Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết, ngày 14/4, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ký quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh.
Theo Quyết định này, ở cả 3 khối lớp (lớp 1, lớp 2, lớp 6) đều lựa chọn sách giáo khoa của cả 2 bộ: Chân trời sáng tạo và Cánh diều. Riêng môn Tiếng Anh có thêm sách của ĐHQG Hồ Chí Minh.
Theo ông Khanh, công tác chọn sách được An Giang thực hiện theo đúng quy trình quy định tại Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT.
“Năm học 2020-2021, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 tại các trường tiểu học An Giang cũng rơi vào 2 bộ sách Chân trời sáng tạo và Cánh Diều; trong đó bộ Chân trời sáng tạo nhỉnh hơn về số lượng. Năm nay đề xuất từ cơ sở cũng vẫn là 2 bộ này. Với sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 cũng vậy, kết quả cuối cùng của Ủy ban nhân dân tỉnh cũng phù hợp với đề xuất từ cơ sở.
Sở GD&ĐT tới đây sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn các đầu sách đã được Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở lựa chọn đó, Sở GD&ĐT phối hợp với các nhà xuất bản để tập huấn sử dụng sách đến giáo viên.” - ông Trần Tuấn Khanh cho hay.
UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 vào ngày 16/4 vừa qua.
Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 được UBND tỉnh phê duyệt có cả 3 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh diều; trong đó chủ lực là bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống hầu như được chọn ở tất cả các môn học. Còn lại, mỗi môn học đều chọn 2 bộ sách. Riêng sách giáo khoa lớp 1 vẫn giữ nguyên kết quả chọn của năm trước - chủ yếu chọn bộ Cánh diều.
Giống như An Giang, quyết định cuối cùng của UBND tỉnh là tương đồng với đề xuất từ cơ sở. Nhấn mạnh việc tôn trọng, lắng nghe ý kiến từ giáo viên, từ nhà trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, việc chọn sách trước tiên cần xây dựng kế hoạch bài bản; ban hành bộ tiêu chí rõ ràng; tạo mọi điều kiện cho giáo viên được tiếp cận với các bộ sách để nghiên cứu, phân tích, đánh giá, thậm chí dạy thử nghiệm trong tổ chuyên môn.
“Mỗi môn học đều có hội đồng chọn sách của tỉnh; việc lựa chọn dựa trên tiêu chí đã được ban hành và đề xuất từ cơ sở. Nói chung, kết quả chọn sách của tỉnh và cơ sở là tương đồng, thuận lợi.” – ông Thái Văn Thành cho hay.
Sau khi có kết quả chọn sách, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng sách cho giáo viên. Theo ông Thành, tỉnh đề nghị nhà xuất bản chia nhỏ để tập huấn trực tiếp, giúp giáo viên triển khai dạy học hiệu quả hơn; kết nối với nhà xuất bản để giải đáp, hướng dẫn kịp thời những vấn đề giáo viên gặp phải.
Khi triển khai chính thức, Sở GD&ĐT sẽ yêu cầu rà soát, đánh giá, phân tích quá trình triển khai theo tháng, nửa học kỳ, cả học kỳ và một năm học, để kịp thời tháo gỡ, hướng dẫn khó khăn, vướng mắc cho giáo viên, cơ sở. Sở cũng sẽ phối hợp với các trường sư phạm có giảng viên cốt cán để bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên triển khai dạy học theo đúng tinh thần phát triển năng lực.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã có quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021-2022 trên địa bàn Thủ đô.
Các cuốn sách giáo khoa trong danh mục Hà Nội phê duyệt được lựa chọn từ các bộ sách của các nhà xuất bản: Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm; Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh. Việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 căn cứ trên tổng hợp đề xuất từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố và danh mục sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Thông tin từ ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, báo cáo của gần 30 tỉnh thành cho thấy không có địa phương nào chỉ chọn 1 bộ sách mà đều chọn hơn 1 bộ, hoặc chọn sách từ cả 3 bộ.
Kết quả này, vùng với việc Bộ GD&ĐT trực tiếp đi kiểm tra quy trình thực hiện, cho thấy các địa phương thực hiện đúng yêu cầu chọn sách giáo khoa dựa trên ý kiến đánh giá, nhận xét, đề xuất của giáo viên và các trường.